29/03/2018 21:30 GMT+7

Sống bên nghĩa trang

TẤN LỰC
TẤN LỰC

TTO - Ngày ngày ngửi mùi hương, nghe chiêng trống, kèn đám ma, tiếng than khóc ai oán. Chưa kể mùi hôi hám, tử khí từ nghĩa trang thỉnh thoảng xộc lên bay vào nhà... Đó là cuộc sống của khoảng 80 hộ dân sống gần khu vực nghĩa trang Hòa Sơn, Đà Nẵng.

Sống bên nghĩa trang - Ảnh 1.

Nơi chôn cất người chết chỉ nằm cách nhà ông Vinh vài chục bước chân - Ảnh: TẤN LỰC

Bao bọc giữa bốn bề núi, nghĩa trang Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) trải rộng mênh mông dưới lòng thung lũng thuộc thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn. Qua nhiều năm liên tiếp mở rộng, nghĩa trang này đã "nuốt" hết đất sản xuất của người dân và những mộ phần cũng ngày một tiến gần các ngôi nhà.

Nhiều lần tiếp xúc cử tri, bà con yêu cầu cho giải tỏa bởi đất sản xuất lấy hết rồi mà để dân ở lại thì không còn công ăn việc làm, trong khi môi trường sống quá ô nhiễm

Ông PHẠM VINH

Kiếm sống từ những mộ phần

Buổi chiều trời âm u, gió thổi lạnh ngắt, bà Bùi Thị Thuận (tổ 5, thôn Hòa Khê) cặm cụi chặt mấy cành củi khô ai đó vứt thành đống giữa nghĩa trang. Dáng bà trông hom hem, khắc khổ hơn nhiều so với tuổi vừa 50.

Mấy que củi lớn được bà tận dụng mang về nấu bếp, những cành nhỏ hơn được xếp gọn vào một góc chờ đốt mộ tươi (mộ mới chôn - PV).

"Lớp trẻ bây chừ tứ tán xuống phố, vào khu công nghiệp làm công nhân. Đàn ông, phụ nữ còn sức khỏe thì đi công trình xây dựng, làm phụ hồ. Yếu đuối như tôi hằng ngày ra nghĩa trang xin thắp đèn, đốt củi, quét dọn mồ mả kiếm sống qua ngày.

Hôm nào may mắn được một hai trăm ngàn đồng, ngày thường chỉ được chừng vài chục ngàn thôi" - bà Thuận bộc bạch.

Chỉ mới hơn chục năm trước, thung lũng này còn là cánh đồng rộng lớn, nơi nuôi sống hàng trăm hộ dân Hòa Khê.

Bà Thuận chỉ tay về khu mộ mấp mô, bảo ngày trước nhà mình đất đai cả mẫu. Dù cuộc sống không phải sung túc gì, nhưng siêng năng cấy lúa trồng khoai cũng đủ nuôi sống vợ chồng và bốn đứa con ăn học.

Nay đất canh tác đã thành nghĩa trang, những người ở độ tuổi bà Thuận tỏ ra bất lực khi chọn cho mình một cái nghề kiếm sống. Khi có chủ trương quy hoạch nơi này thành nghĩa trang, cũng như nhiều gia đình khác, vợ chồng bà Thuận chấp hành bàn giao đất cho chính quyền.

"Hồi xưa gia đình nhượng cả mẫu đất làm nghĩa trang nhưng nhận được có bao nhiêu đồng đâu. Giải tỏa giai đoạn 2004-2005, đất sản xuất không có giấy tờ được hỗ trợ 3.000 đồng/m2. Đất có sổ đỏ thì áp giá cao hơn nhưng diện tích không nhiều.

Dân Hòa Khê khai phá, trồng trọt, sản xuất nơi này mấy đời nay không tranh chấp gì nên có ai để ý làm giấy tờ đất đâu!", bà Thuận nói.

Ở khu nhà đối diện, ông Phạm Vinh (60 tuổi, tổ 4, thôn Hòa Khê) bảo cũng bởi không có công ăn chuyện làm mà vài người mới nghĩ cách san ủi mấy vạt đất chân đồi bán cho các tộc họ làm nơi an táng, dù biết là sai quy định.

"Vừa rồi lãnh đạo thành phố lên kiểm tra nói làm vậy xâm phạm quy hoạch rồi cho dừng. Nhưng không làm thì biết sống bằng cái chi? Dân chúng tôi trước giờ sống nhờ nghề nông chứ có biết làm ăn buôn bán như nơi khác đâu.

Nghĩ cảnh già như tôi hằng ngày ra nghĩa trang giành giật nhau suất chăm mộ, đốt lửa, đổ cát lư hương cũng nhục lắm chứ!" - ông Vinh cảm thán.

Sống bên nghĩa trang - Ảnh 3.

Không có việc làm, hằng ngày bà Thuận ra nghĩa trang nhặt củi đốt mộ, dọn dẹp mồ mả kiếm tiền - Ảnh: TẤN LỰC

Chờ di dời

Trời về chiều, không gian thôn xóm thêm vắng vẻ, đượm buồn. Ông Vinh ngồi trầm ngâm, đốt điếu thuốc rít từng hơi dài. Từ vách tường sau nhà ông, nếu lấy thước kéo chừng 20m đã đụng mộ mới.

Phần đất này được các tộc họ mua theo lô và vẫn còn nhiều ô trống chưa dựng mộ. Ông Vinh bảo đường ống dẫn nước sạch được lắp đặt cho dân sử dụng không mấy hiệu quả vì quá xa, chênh lệch độ cao lớn.

Mùa mưa còn có nước chảy, nhưng tới mùa nắng thì hầu như tắc tị.

"Ăn uống thì mua nước bình, nhưng tắm giặt vẫn phải xài nước giếng khoan, nước suối. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, bà con yêu cầu cho giải tỏa bởi đất sản xuất lấy hết rồi mà để dân ở lại thì không còn công ăn việc làm, trong khi môi trường sống quá ô nhiễm.

Ngày ngày ngửi mùi hương, nghe chiêng trống, kèn đám ma, tiếng than khóc ai oán như vậy thực tình con cháu Hòa Khê không có điều kiện gì để phát triển tinh thần cả. Chưa kể mùi hôi hám, tử khí từ nghĩa trang thỉnh thoảng lại xộc lên bay vào nhà.

Dân chúng tôi buồn lắm nhưng không biết kêu ai cả. Lớp tôi già rồi chết cũng được, chỉ lo cho tương lai đám con cháu!" - ông Vinh nghẹn ngào.

Ông Phạm Đình Phi, phó chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, cho biết hiện còn khoảng 80 hộ dân thuộc tổ 4 và tổ 5, thôn Hòa Khê sống gần khu vực nghĩa trang Hòa Sơn.

"Khi thu hồi đất, người dân đã được nhận tiền chuyển đổi ngành nghề nhưng do không tìm được việc làm phù hợp, nhiều người tiêu hết tiền giờ trở thành thất nghiệp. Người dân chủ yếu làm nghề chăm sóc, xây dựng mồ mả nhưng cũng không nhiều. Những người tuổi trung niên kiếm việc làm rất khó, rất nan giải.

Bây giờ nghĩa trang còn xây dựng thì còn có việc làm, chứ khoảng 10 năm tới diện tích lấp đầy thì chắc chắn hết việc. Vì vậy, chúng tôi có đề xuất giải tỏa trước 35 hộ ở gần nghĩa trang, nhưng có giải tỏa hay không phải chờ quyết định của thành phố" - ông Phi nói.

Chưa thống nhất di dời

Ông Vũ Quang Hùng, giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho biết sở đã nhận được đề xuất giải tỏa di dời các hộ dân ở gần nghĩa trang phục vụ việc quy hoạch mở rộng giai đoạn 6 của huyện Hòa Vang.

Sở Xây dựng cũng đã có công văn đề nghị UBND TP Đà Nẵng cho phép giải tỏa di dời các hộ dân này. Tuy nhiên, UBND TP không thống nhất và còn yêu cầu địa phương giám sát, không để xảy ra xây dựng, chôn mộ trái phép tại khu vực.

Theo ông Hùng, hiện khu vực này đã tách thành rất nhiều thửa đất ở có giấy tờ. Do vậy, trong trường hợp có chủ trương mở rộng nghĩa trang sẽ gây khó khăn trong khâu giải tỏa đền bù và bố trí tái định cư.

TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên