Trong phát biểu ngày 18-4, Bộ trưởng Y tế Malaysia, bà Zaliha Mustafa, cho biết ca bệnh tăng là do các biến thể XBB1.5, 1.16 và 1.9.
Chưa đáng lo
"Mặc dù các biến thể phụ này dễ lây nhiễm hơn nhưng triệu chứng không nghiêm trọng", bà Mustafa khẳng định. "Tình hình đang được kiểm soát và không cần phải hoảng sợ".
Bộ trưởng y tế khuyên người có triệu chứng nên đeo khẩu trang và tự xét nghiệm.
Tương tự, Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) của Thái Lan dự kiến số ca mắc COVID-19 sẽ tăng lên sau Lễ hội Songkran nhưng khẳng định tình hình vẫn chưa đáng lo ngại.
Từ ngày 9 đến 15-4, Thái Lan có khoảng 435 ca mắc mới COVID-19 nhập viện để điều trị. Trung bình 62 ca mỗi ngày, cao hơn 2,5 lần so với tuần đầu tháng 4.
Theo DDC, hầu hết những người nhập viện điều trị trong thời gian nói trên đều không bị bệnh nặng, vì trước đó họ đã được tiêm phòng hoặc mắc bệnh.
Một số công ty ở Singapore cũng không có động thái phòng ngừa COVID-19 "sốt sắng" như trước đây.
Minor Group, công ty điều hành 16 thương hiệu ăn uống gồm Thai Express và Poulet, cho biết họ không thực hiện bất kỳ biện pháp phòng ngừa bổ sung nào từ khi Singapore giảm mức cảnh báo dịch xuống thấp nhất vào tháng 2.
Nhân viên công ty cũng không bắt buộc phải thông báo cho lãnh đạo nếu mắc COVID-19.
"Quy trình bây giờ là mắc COVID-19 không cần phải báo cáo nữa, giống như mắc bệnh cúm khác thôi", chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Minor Group, ông Dellen Soh, nói với Đài CNA. "Chúng tôi thường nhận thông tin từ chính phủ về những biện pháp cần thực hiện, những hạn chế cần áp đặt hay những việc cần làm để phòng dịch".
Trong khi đó, ngày 14-4, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung thừa nhận nước này đang ở giữa làn sóng COVID-19, với số ca mắc hằng ngày tăng từ khoảng 1.400 ca trong tháng 3 lên khoảng 4.000 ca trong tuần đầu tháng 4.
Hãy ở nhà nếu không khỏe
Trong bối cảnh ca bệnh COVID-19 gia tăng trở lại, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Singapore cho biết điều quan trọng là các công ty phải tiếp tục thực hành tốt các quy định về sức khỏe cộng đồng.
Chia sẻ với Đài CNA, giáo sư Paul Tambyah nhận định rằng việc nhân viên làm việc nhiều giờ hoặc đến công sở dù bị bệnh, từ lâu đã được coi là "mối nguy lớn đối với sức khỏe cộng đồng" trừ trước khi xảy ra đại dịch.
"Các công ty chỉ cần khuyến khích giữ vệ sinh, đảm bảo nhân viên không làm việc khi bị bệnh", giáo sư Paul Tambyah nói.
Đồng tình với ông Tambyah, phó giáo sư Alex Cook cho biết việc cho phép nhân viên bị bệnh làm việc tại nhà nên là điều mặc định ngay cả khi không mắc COVID-19. Trong trường hợp không khả thi để làm việc tại nhà, nhân viên nên đeo khẩu trang khi có triệu chứng ho hoặc cảm lạnh.
Giáo sư Dale Fisher từ Trường y khoa Yong Loo Lin của Đại học Quốc gia Singapore cho rằng các công ty có thể thiết kế lại văn phòng sao cho đỡ đông đúc và thông thoáng hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận