Bão đã gây thiệt hại đến 8,4 tỉ USD nên được coi là cơn bão nhiệt đới gây thiệt hại nặng nề nhất khu vực nam Thái Bình Dương.
Di dời sau bão, vất vả sống tạm bợ
Ngày 13-2-2023, bão Gabrielle đổ bộ vào vịnh Hawke thuộc Đảo Bắc của New Zealand với sức gió giật đến 165 km/h (cấp 14). Lượng mưa kỷ lục khiến các sông ngòi đều tràn bờ. Mạng lưới điện và thông tin liên lạc bị hư hại nặng.
Bão đã lập kỷ lục thế giới với khoảng 850.000 vụ lở đất. Lũ lụt và lở đất phá hủy nhiều đường sá, trong đó có sáu cây cầu trên bờ biển phía đông và ở vịnh Hawke khiến công tác cứu hộ và ứng phó khẩn cấp chậm trễ, đặc biệt đối với các cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa.
Một ngày sau khi bão đổ bộ, New Zealand đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia (đến ngày 14-3-2023 mới dỡ bỏ). May mắn chỉ có 11 người chết và một người mất tích nhưng có đến gần 2.000 người bị thương.
Trung tâm Giám sát di cư nội địa (IDMC ở Thụy Sĩ) ghi nhận tại New Zealand có 14.000 người di cư trong nước trong năm 2023. Trong số này 11.000 người phải di dời do cơn bão Gabrielle. Con số nhiều gấp 10 lần so với số người di dời trong các cơn bão năm năm trước gộp lại.
Riêng tại khu vực phía đông vịnh Hawke bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khoảng 9.000 người trong 183.000 dân phải di dời.
Wairoa là thị trấn lớn nhất của quận Wairoa thuộc Đảo Bắc. Năm 2023, cộng đồng nông nghiệp nhỏ này buộc phải đóng cửa viện dưỡng lão duy nhất. Cơ sở đã bị hư hại nặng nề trong bão Gabrielle trong khi chi phí sửa chữa và nguy cơ lũ lụt trong tương lai lại quá cao.
Một năm sau bão Gabrielle, hàng trăm người tại Wairoa vẫn đang sống trong các chỗ ở tạm bợ. Một phần nguyên nhân chậm trễ trong quá trình xây dựng lại là do đường sá bị hư hại quá nặng. Trước khi bão đổ bộ, nhà cửa ở Wairoa vốn đã được xây dựng chắp vá.
Nay bão đã tàn phá 1/3 trong 1.500 ngôi nhà. Nhiều căn không thể sửa lại được nữa song một số cư dân vẫn về cư ngụ tại căn nhà bị hư hại và chấp nhận cảnh sống không nước máy, không nhà tắm, không tường bao.
Tại thành phố Auckland trên Đảo Bắc, chính phủ và hội đồng thị chính Auckland đã chia nhau hơn 435 triệu USD mua lại khoảng 700 ngôi nhà mất an toàn do bão lũ. Ở bờ biển phía đông có hơn 160 bất động sản được đánh giá là không an toàn để xây dựng lại.
Nhiều chủ nhà đồng ý bán lại nhà. Nhiều người khác đang sống tại nơi ở tạm thời (ở với bà con, sống trong xe cắm trại, đi thuê nhà) trong khi vẫn phải trả tiền vay thế chấp cho ngôi nhà mà họ không thể ở sau bão.
Nhiều cư dân như bà Nina Mardell (51 tuổi) vẫn chưa biết có thể được phép tiếp tục cư trú trong nhà bà hay không. Bà bộc bạch trên báo The Guardian: "Điều làm tôi sợ là không thể sống chung với cộng đồng của mình".
"Xây dựng lại tốt hơn" sẽ rất tốn kém
Tổ chức bác ái Science Media Centre (Anh) đã tham khảo ý kiến các nhà khoa học New Zealand để trả lời câu hỏi: Vậy làm thế nào để thực hiện hiệu quả phương châm "xây dựng lại tốt hơn"?
GS Suzanne Wilkinson ở Trường Khoa học thuộc Đại học Massey giải thích phương châm "xây dựng lại tốt hơn" nghĩa là tạo ra cơ sở hạ tầng phục hồi tốt hơn để tránh tình trạng liên tục sửa chữa và xây dựng lại mỗi khi thảm họa xảy ra.
TS Sandeeka Mannakkara ở khoa kỹ thuật xây dựng và môi trường thuộc Đại học Auckland nhận xét bão Gabrielle là lời nhắc nhở rằng khi thảm họa xảy ra, những người ứng cứu đầu tiên luôn là gia đình, hàng xóm và cộng đồng địa phương.
Do đó, trong quá trình thực hiện phương châm "xây dựng lại tốt hơn", điều quan trọng là phải thảo luận các giải pháp di dời và tạm cư có quản lý với các cộng đồng ở các khu vực có nguy cơ cao như vùng ven biển.
TS Regan Potangaroa - giáo sư về môi trường xây dựng bền vững và phục hồi tại Đại học Massey - nhận xét: "Các cộng đồng nông thôn có những nhu cầu và thách thức riêng, vì vậy cần cân nhắc trong quá trình đưa ra quyết định về phát triển cơ sở hạ tầng".
Ông cho rằng đưa ra quyết định về cơ sở hạ tầng đừng chỉ dựa trên phân tích chi phí - lợi ích mà nên chú trọng đến phúc lợi của dân.
Ông giải thích: "Có thể cần thiết phải di dời hoặc tạm cư có quản lý khi cơ sở hạ tầng ở các khu vực dễ bị tổn thương liên tục bị hư hại nhiều lần và nếu xây dựng lại sẽ không bền vững. Tuy nhiên, quyết định này phải cân nhắc đến những tác động xã hội, kinh tế và văn hóa đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng. Điều quan trọng là phải thảo luận với họ...".
GS John Tookey ở Trường Môi trường tương lai thuộc Đại học Công nghệ Auckland (AUT) lưu ý phương châm "xây dựng lại tốt hơn" giúp nhiều thế hệ tương lai tồn tại nhưng phương châm này sẽ rất tốn kém. Ông cho rằng tại vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng luôn thiếu, dân số ít lại sống thưa thớt và thu nhập không cao, do đó khó đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng.
Ông nhận xét: "Do đó bắt buộc phải tận dụng tối đa mọi cơ sở hạ tầng được đưa vào sử dụng. Đường sá được vá lại, sửa chữa hoặc nâng cấp. Điều tương tự nên làm với nguồn cung cấp nước, cầu đường, cống rãnh, hệ thống thoát nước mưa...".
Cuối tháng 7-2023, Chính phủ New Zealand đã tiến hành một cuộc điều tra về phản ứng đối với các sự kiện thời tiết dữ dội trên Đảo Bắc (kết thúc vào cuối tháng 3-2024).
Cuộc điều tra đánh giá ba sự kiện gồm bão Hale từ ngày 8-1-2023, lượng mưa lớn từ ngày 26-1 đến 3-2-2023 và bão Gabrielle. Ngày 23-4-2024, Bộ trưởng Phục hồi và quản lý tình trạng khẩn cấp Mark Mitchell đã công bố báo cáo điều tra.
Báo cáo điều tra kết luận New Zealand chưa sẵn sàng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp trên quy mô lớn. Báo cáo có thể được tóm tắt trong một câu: "Nhiều cộng đồng và Cơ quan Phòng vệ dân sự quản lý tình trạng khẩn cấp (CDEM) không được chuẩn bị đầy đủ, thông tin liên lạc và cảnh báo không tồn tại hoặc không đầy đủ, năng lực về con người và cơ sở hạ tầng bị đánh giá quá cao hoặc thiếu hụt".
Song báo cáo ghi nhận một điểm tích cực là các cộng đồng đã "dũng cảm hỗ trợ lẫn nhau" trong bão lũ.
Cuộc điều tra đã phát hiện nhiều thiếu sót đáng kể trong cách thức hoạt động của hệ thống khẩn cấp. Hệ thống này không đủ năng lực hoặc phương tiện để đối phó với các biến cố quan trọng trên quy mô lớn tác động đến nhiều khu vực cùng lúc.
Ở một số nơi, cảnh báo bão lũ đến quá muộn hoặc không có, các trung tâm phòng vệ dân sự không được thành lập đủ nhanh hoặc không đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng, thiếu phối hợp giữa các tổ chức, công tác truyền thông và ra quyết định chậm hoặc không có.
Những thiếu sót này xuất phát từ một số nguyên nhân như sau: thiếu tập trung và đầu tư xây dựng kế hoạch, hoạt động, trang thiết bị và vật tư; kinh nghiệm, năng lực và khả năng còn hạn chế về quản lý tình trạng khẩn cấp; các hội đồng thị chính không ưu tiên công tác quản lý tình trạng khẩn cấp; thiếu nhận thức chung về tình huống giữa các hội đồng thị chính, Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp quốc gia (NEMA) và các bên liên quan; các cộng đồng và các tổ chức chủ chốt không được tham gia lập kế hoạch... Báo cáo điều tra đã đưa ra 14 khuyến nghị để sửa đổi tình hình nêu trên.
-----------------------------
Người dân Nhật luôn tin tưởng vào cơ sở hạ tầng hiện đại bảo vệ khỏi lũ lụt. Lòng tự tin của họ đã bị lung lay trong siêu bão chết người Hagibis năm 2019. Bão tố ngày càng mạnh hơn do hiện tượng nóng lên toàn cầu, do đó nước Nhật phải đối mặt với nguy cơ dễ bị tổn thương cao hơn trước.
Kỳ tới: Đừng tin vào đê, mưa lũ sẽ còn hung hãn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận