Ngày 28-10-1999, siêu bão Odisha (còn gọi là bão Paradip) mạnh cấp 17-18 đổ bộ vào bang Odisha miền đông Ấn Độ. Cơn bão dữ đã cướp đi sinh mạng 9.658 người và gây thiệt hại 2,5 tỉ USD.
Chính phủ Ấn Độ phải chi gần 70 tỉ USD tái thiết Odisha. Từ bài học cay đắng ấy, bang này đã xây dựng chiến lược ứng phó thảm họa hiệu quả để đối phó với bão Fani 20 năm sau. Nhờ chuẩn bị ứng phó tốt, công việc tái thiết sau bão nhanh chóng và ít tốn kém hơn nhiều.
Giảm thiểu tối đa số người chết trong siêu bão
8h30 ngày 3-5-2019, bão Fani ập vào miền đông Ấn Độ, một trong những cơn bão mạnh nhất Ấn Độ trong 20 năm qua. Bão gây mưa lớn, gió giật đến 210km/h (cấp 17) thổi bay mái nhà, quật đổ cột điện, nhổ bật gốc cây cối, nhấn chìm nhà cửa trong nước lũ.
Trước khi bão đổ bộ, bang Odisha đã sơ tán khoảng 1,55 triệu người trong thời gian kỷ lục chưa đầy 48 tiếng.
Chỉ trong một đêm, bang Odisha đã đưa gần 7.000 bếp ăn phục vụ 9.000 địa điểm trú bão đi vào hoạt động. Việc ứng phó bão quy mô lớn này đã thu hút hơn 45.000 tình nguyện viên.
Với chính sách "không thương vong trong thiên tai" của Chính phủ Ấn Độ và mức độ chính xác gần như tuyệt đối của hệ thống cảnh báo sớm thuộc Cục Khí tượng Ấn Độ, số nạn nhân tử vong trong bão Fani tàn khốc được ghi nhận 64 người.
Nếu xét sức mạnh bão, có thể nói con số thương vong này đã giảm đáng kể.
Các số liệu thống kê thật đáng kinh ngạc nếu so sánh với các sự kiện thiên tai lớn trên thế giới. Bão Maria tấn công Puerto Rico vào năm 2017 với sức gió 280km/h đã làm 2.975 người chết.
Cùng năm đó, bão Harvey tấn công bang Texas (Mỹ) với sức gió 210km/h đã gây lũ lụt tàn khốc, 68 người thiệt mạng và gây thiệt hại 125 tỉ USD. Bão Idai đổ bộ vào Mozambique giữa tháng 3-2019 đã tàn phá Madagascar, Malawi và Zimbabwe khiến hơn 1.000 nạn nhân thiệt mạng.
Trong bài viết "Quá trình phục hồi của Ấn Độ sau bão Fani mang đến cho thế giới những bài học về chuẩn bị ứng phó thảm họa" đăng trên trang nghiên cứu The Conversation, TS Manoj Dora tại Đại học Anglia Ruskin (Anh) và TS Arabinda Kumar Padhee người Ấn Độ đánh giá bang Odisha chính là hình mẫu thế giới có thể học hỏi về giảm thiểu thành công số người chết và số người bị ảnh hưởng.
Lý do Odisha là bang nghèo với mức thu nhập bình quân đầu người chưa tới 5 USD/ngày nhưng lại có khả năng thực hiện chiến lược quản lý thảm họa hiệu quả cứu sống hàng ngàn người.
Có thể nói Odisha là bang dễ bị bão tố gây tổn thương nhất Ấn Độ. Vào thế kỷ trước, trong 1.019 nhiễu loạn xoáy thuận nhiệt đới ở Ấn Độ thì có 890 nhiễu loạn xảy ra dọc bờ biển miền đông Ấn Độ, trong số đó có 260 nhiễu loạn đổ bộ dọc bờ biển bang Odisha.
Trong cơn bão Fani, Odisha tuy là bang ven biển bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng vẫn được Văn phòng Liên Hiệp Quốc về giảm nhẹ rủi ro thiên tai (UNISDR) và nhiều tổ chức quốc tế khác không tiếc lời ca ngợi nỗ lực giảm thiểu mức độ tàn phá của bão Fani.
6 bài học giảm thiểu rủi ro của bang Odisha
Hai nhà nghiên cứu Manoj Dora và Arabinda Kumar Padhee cùng Tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới đã xác định sáu bài học giảm thiểu rủi ro thiên tai của bang Odisha.
Xây dựng cơ sở hạ tầng cứu trợ
Trước năm 1999, bang Odisha không có kế hoạch quản lý thảm họa nào cụ thể. Hai tháng sau cơn bão thảm khốc năm đó, bang đã thành lập Cơ quan Quản lý thảm họa Odisha (ODMA) phụ trách giải quyết các tình huống khẩn cấp trong thảm họa.
ODMA hoạt động độc lập với trung ương, nên có thể chống bão nhanh chóng và đạt hiệu quả cao.
ODMA đã xây dựng các nơi trú bão và nhiều hệ thống sơ tán khẩn cấp.
Đến năm 2001, Lực lượng phản ứng nhanh trong thảm họa ở Odisha (ODRAF) ra đời phụ trách cứu hộ và phân phối hàng cứu trợ.
Bang đã xây dựng một cấu trúc chỉ huy và kiểm soát rõ ràng công tác cứu trợ, đồng thời xây dựng các quy định cụ thể trong cứu trợ. Các quy tắc này đã được áp dụng thành công trong bão Phailin năm 2013 (mạnh hơn bão Katrina ở Mỹ), bão Hudhud năm 2014 và bão Fani năm 2019.
Cơ sở hạ tầng kiên cố (nơi trú bão)
Năm 1999, bang Odisha chỉ có 75 nơi trú bão tại các huyện ven biển. Sau đó con số này đã tăng gần 900 nơi trú bão đa năng chống bão và lũ lụt.
Cơ quan Giảm nhẹ thảm họa bang Odisha (OSDMA) hợp tác với Học viện Công nghệ Kharagpur thiết kế nơi trú bão.
Các tòa nhà được thiết kế chịu được sức gió đến 300km/h và động đất vừa phải. Chân tường nằm trên mực nước lũ cao nhất. Cấu trúc sàn tương tự nhà sàn bảo đảm nhà an toàn dù nước lũ ngập tới tầng 1.
Hệ thống cảnh báo sớm cung cấp thông tin chính xác
Cục Khí tượng Ấn Độ đã xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả dự đoán chính xác thời điểm hình thành bão và thời điểm bão đổ bộ. Hệ thống này đã giúp bang Odisha đủ thời gian ứng phó.
Kế hoạch truyền thông rõ ràng
Nhờ hệ thống cảnh báo dựa trên vị trí (LBAS) và hệ thống cảnh báo dựa trên nhóm (GBAS), trước khi bão Fani đổ bộ năm 2019 đã có khoảng 2,6 triệu tin nhắn cảnh báo bão được gửi đến người dân.
Cơ quan hành chính huyện triển khai cảnh sát và tình nguyện viên sử dụng phương pháp truyền thống (như loa tay) để thông báo bão đang đến. Chính quyền tổ chức các điểm họp báo thường kỳ để cập nhật thông tin bão đến gần và còn tổ chức chiến dịch nâng cao nhận thức cho mọi người những điều nên làm và không nên làm khi xảy ra bão.
Bang Odisha đã tận dụng mọi thứ sẵn có, ngoài gửi tin nhắn còn sử dụng 43.000 tình nguyện viên, gần 1.000 nhân viên cứu hộ, thông báo trên truyền hình, còi báo động ven biển, xe buýt, cảnh sát và hệ thống phát thanh công cộng.
Công tác chuẩn bị tốt
Nhờ đã lập bản đồ nhà cửa và dân số theo từng làng nên gần như chính quyền huyện có thể tiếp cận từng người để bảo đảm sơ tán.
Odisha đã sơ tán khoảng 1,55 triệu người đến 9.177 nơi trú bão, trong đó có 879 nơi trú bão/lũ đa năng và các nơi trú ẩn an toàn khác như trường học, tòa nhà công cộng.
23 chuyến tàu hỏa đặc biệt và 18 xe buýt được huy động sơ tán 25.000 du khách. Mọi hoạt động đánh bắt cá đều bị đình chỉ hai ngày trước khi bão đổ bộ.
Phối hợp tốt các nhóm
Công tác chống bão Fani đòi hỏi huy động nhiều cơ quan nhà nước, các nhóm cộng đồng địa phương và các tình nguyện viên. 20 đơn vị thuộc ODRAF, 335 đơn vị cứu hỏa và 25 đơn vị thuộc Lực lượng ứng phó thảm họa quốc gia (NDRF) đã được triển khai đến các huyện ven biển làm nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn.
Các tình nguyện viên hỗ trợ công việc sơ tán, phân phối hàng cứu trợ và quản lý nơi trú ẩn. Các gói thực phẩm được chuẩn bị sẵn để máy bay trực thăng của không quân thả xuống cho dân. Các quan chức của bang và cảnh sát trực tiếp đến các địa phương bị ảnh hưởng để điều phối công việc nhằm tránh tình trạng cứu trợ ì ạch, chồng chéo.
Yếu tố quan trọng nhất nhưng không biểu hiện ra ngoài là vai trò lãnh đạo. Ông Naveen Patnaik, thủ hiến bang Odisha, từng trải qua thảm kịch trong siêu bão năm 1999 ngay sau khi nhậm chức. Lúc đó ông phải khắc phục thiệt hại và ưu tiên cho mạng sống con người. Sau đó tầm nhìn của ông đã thay đổi, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng chống bão. Bang Odisha đặt mục tiêu chuyển đổi gần 7 triệu ngôi nhà không bê tông thành bê tông chống chịu bão tốt hơn.
_______________________________________________
Bão Gabrielle tấn công New Zealand tháng 2-2023 gây thiệt hại nặng nề nhất nam Thái Bình Dương, lập kỷ lục thế giới với khoảng 850.000 vụ lở đất. Một năm sau bão, nhiều người vẫn phải sống nơi tạm bợ. Các nhà khoa học đề nghị gì về xây dựng chỗ ở mới?
Kỳ tới: Gian nan xây lại nhà sau bão Gabrielle
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận