Mùa mưa hằng năm ở Đài Loan từ tháng 6 đến tháng 11 luôn cung cấp lượng mưa dồi dào đủ dùng trong năm. Song năm 2009, cho đến cuối tháng 7 Đài Loan phải đối mặt với hạn hán do thiếu mưa bão. Trớ trêu thay, cơn bão Morakot xuất hiện đã mang đến lượng mưa quá lớn và trở thành cơn bão chết chóc nhất trong lịch sử Đài Loan.
Vì sao làng Tiểu Lâm bị xóa sổ trong trận lở đất?
Bão hình thành trên Thái Bình Dương vào ngày 2-8-2009 cách các đảo cực bắc Philippines 998km. Áp thấp nhiệt đới ban đầu đã phát triển thành bão nhiệt đới vào ngày 4-8.
Một ngày sau, bão nhiệt đới phát triển thành bão cuồng phong và đạt cường độ cực đại vào sáng sớm 7-8 với sức gió 161 km/h (tương đương bão cấp 14 theo thang sức gió Beaufort). Cuối hôm đó, bão Morakot đổ bộ vào miền trung lãnh thổ Đài Loan.
Theo trang web Hurricanes: Science and Society (Mỹ), do hiện tượng hội tụ giữa bão và luồng không khí tây nam giàu độ ẩm, bão Morakot đã gây ra lượng mưa cực kỳ lớn đạt đỉnh 2.965mm trong bốn ngày từ ngày 7-8-2009, thậm chí lên mức cao nhất 3.060mm tại núi Ali.
Lượng mưa cao kỷ lục đã gây ra nhiều vụ lở đất và ngập lụt nghiêm trọng ở miền trung và miền nam Đài Loan. Đất lở phá hủy mọi đường sá cô lập thị trấn Namaxia ở Cao Hùng. 6h sáng 9-8, một vụ lở đất kinh hoàng đã chôn vùi toàn ngôi làng Tiểu Lâm ở dãy núi trung tâm Đài Loan làm 474 người thiệt mạng.
Lượng mưa cao đã vượt quá khả năng chống chịu của hầu hết các công trình phòng chống lũ lụt. Nước lũ mạnh đến mức phá vỡ 36,2km đê dọc các con sông lớn.
Bão Morakot đã làm 1.626 ngôi nhà bị sập, 1,59 triệu cư dân mất điện và 769.000 người không có nước sạch. 698 người được xác nhận đã thiệt mạng gồm 673 người chết và 25 người mất tích. Tổng thiệt hại lên tới 6,07 tỉ USD. Bão Morakot cũng đã gây nhiều thiệt hại ở Philippines và Trung Quốc.
Sau thảm họa làng Tiểu Lâm, Viện Hành chính Đài Loan đã ủy quyền cho Ủy ban Xây dựng công tiến hành điều tra. Theo báo cáo cuối cùng của Ủy ban Xây dựng công, yếu tố chính dẫn tới thảm họa lở đất là lượng mưa lớn bất thường trong cơn bão Morakot.
Báo cáo chỉ ra sườn dốc bị trượt dẫn đến đất lở nghiêm trọng hủy diệt ngôi làng. Kết quả phân tích cho thấy vùng trượt lở dài khoảng 1.200m, rộng 500m, sâu đến 86m với khối lượng 2,5 triệu m3 đất đá bị sạt lở.
Trong bài viết trên trang của Liên đoàn Địa vật lý Mỹ (AGU), TS Dave Petley ở Đại học Hull (Anh) đã đồng tình với kết luận nêu trên. Ông nhận xét: "Đây là trận mưa lớn nhất từng được ghi nhận ở Đài Loan và có lẽ là trận mưa lớn nhất trên toàn thế giới trong nửa thế kỷ qua".
4 yếu tố khiến thảm họa trầm trọng hơn
Theo đơn đặt hàng của chính quyền Đài Loan, Trung tâm Khoa học và công nghệ quốc gia về giảm nhẹ thảm họa (NCDR) ở Đài Bắc đã tiến hành điều tra thực địa toàn diện của thảm họa trong bão Morakot.
Cuộc điều tra kéo dài ba tháng do nhóm nghiên cứu gồm 160 người từ bốn viện nghiên cứu hợp tác thực hiện. Sau đó, báo cáo điều tra đã được công bố trên tạp chí Journal of Disaster Research (Nhật) trong năm 2010.
Báo cáo điều tra ghi nhận hai nguy cơ chính gồm lũ lụt và trượt đất chính là nguyên nhân chính dẫn đến thương vong lớn về người và gây thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở vật chất, nhà cửa và mùa màng ở Đài Loan. Lũ lụt đã ảnh hưởng đến tổng diện tích 801km2 trên 98 thị trấn và 8 lưu vực sông. Tất cả đều bị ngập nặng, thậm chí một số nơi chìm ngập trong nước kéo dài tới ba ngày.
Báo cáo điều tra xác định bốn yếu tố chính góp phần gây ra thiệt hại nghiêm trọng trong bão Morakot.
(1) Hệ thống thoát nước đã lỗi thời: Trong bão Morakot, 25 trạm đo mưa đã ghi nhận lượng mưa tối đa vượt quá 100 mm/giờ, tương ứng với chu kỳ lũ lụt 200 năm ở hầu hết các đoạn sông.
Do hầu hết hệ thống thoát nước của Đài Loan được thiết kế để bảo vệ ngập lụt theo chu kỳ lũ lụt 100 năm, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi nhiều con đê đã tràn bờ hoặc bị hư hại, bị cuốn trôi do dòng chảy quá mạnh. Nước và bùn tràn ra khu vực bên ngoài đê khiến công tác phục hồi sau thảm họa càng khó khăn hơn.
(2) Dòng chảy của sông bị nghẽn: Lượng mưa lớn ở vùng núi đã gây lở đất trên diện rộng. Sau đó, đất đá bị cuốn xuống sông đã thu hẹp lòng sông. Điều này làm nước sông bị tắc nên nước dâng cao nhanh chóng tràn qua mặt đê gây ngập lụt các khu vực lân cận.
(3) Hồ chứa xả lũ: Trong bão Morakot, đập nước Tăng Văn gần Đài Nam (hồ chứa lớn nhất Đài Loan) đã nhận được lưu lượng nước lớn lên tới 11.729 m3/giây, làm tăng lượng nước dự trữ của hồ chứa từ 25% lên 100% chỉ trong 48 tiếng.
Để duy trì mức an toàn, hồ chứa đã xả lũ với lưu lượng xả cực đại 8.277 m3/giây trong trường hợp khẩn cấp, do đó đã làm tình trạng ngập ở hạ lưu thêm trầm trọng.
(4) Đất sụt lún: Các trang trại nuôi cá ở tây nam Đài Loan đã bơm quá mức nước ngầm trong nhiều thập niên, gây ra tình trạng sụt lún đất nghiêm trọng trên tổng diện tích 1.000km2.
Do đó, các khu vực trũng thấp này phải chịu cảnh ngập lụt bất cứ khi nào mưa lớn xảy ra vì nước không thể thoát ra ngoài dễ dàng chỉ bằng trọng lực.
Trung tâm Khoa học và công nghệ quốc gia về giảm nhẹ thảm họa đã đề xuất bốn chiến lược toàn diện trong công tác phòng chống lũ lụt ở Đài Loan:
1. Thường xuyên kiểm tra hệ thống thoát nước: Việc làm này mang tính chất thực tế hơn. Nhiều hệ thống thoát nước không hoạt động do tác động của lũ lụt, lượng trầm tích lớn lắng đọng hoặc đơn giản là do cơ sở hạ tầng quá cũ.
2. Cải thiện năng lực ứng phó khẩn cấp với lũ lụt: Để ứng phó khẩn cấp cần xây dựng một hệ thống giám sát tích hợp nhằm cung cấp thông tin chính xác cho những người ra quyết định và nhân viên kỹ thuật.
Một yếu tố quan trọng là hệ thống hỗ trợ quyết định tích hợp. Hệ thống này phải dựa trên nền tảng kết hợp các mô đun vận hành hồ chứa, đánh giá rủi ro lũ lụt, dự báo thiệt hại do thiên tai, đưa ra cảnh báo và cung cấp thông tin theo thời gian thực.
3. Quản lý toàn diện lưu vực sông: Nhiều thảm họa ở hạ lưu xảy ra do phản ứng dây chuyền gây ra từ các vụ lở đất kinh hoàng ở thượng nguồn.
Do đó, tư duy về quản lý lưu vực sông nên chuyển từ các phương pháp kỹ thuật thông thường sang phương pháp toàn diện hơn về bảo tồn lưu vực, quản lý đồng bằng ngập nước, giáo dục nhận thức về thảm họa..., đồng thời kết hợp mọi nguồn tài nguyên và đơn vị lưu vực sông từ thượng nguồn đến hạ nguồn.
4. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu: Ngoài mực nước biển dâng, cường độ của lượng mưa cực đoan dự kiến sẽ tăng dưới tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, cần nỗ lực nghiên cứu đánh giá tác động của các thảm họa cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.
___________________________________________________
Siêu bão năm 1999 cướp đi sinh mạng gần 10.000 người bang Odisha (Ấn Độ). Odisha đã xây dựng chiến lược ứng phó khẩn cấp và đã thành công trong cơn bão Fani 20 năm sau.
Kỳ tới: Cảnh báo sớm, sơ tán nhanh, nơi trú an toàn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận