08/09/2024 06:03 GMT+7

Sẻ chia với học trò vùng khó khăn - Kỳ 1: Những giáo viên 'biệt phái'

"Lần đầu đi biệt phái ngay trước khai giảng năm học mới, tôi đã khóc suốt trên đường vì nhớ nhà, nhớ con, bỡ ngỡ với nơi mình sắp gắn bó một năm. Nhưng không ngờ đó lại là khởi đầu cho một kỷ niệm đáng nhớ trong đời dạy học".

Sẻ chia với học trò vùng khó khăn - Kỳ 1: Những giáo viên 'biệt phái' - Ảnh 1.

Cô Hoàng Thị Bảy và học sinh vào ngày tựu trường năm học mới - Ảnh: VĨNH HÀ

Có những sự chia sẻ ấm lòng từ giáo viên, nhà trường nhiều nơi dành cho học trò vùng khó khăn. Nhân dịp đầu năm học mới, xin giới thiệu với bạn đọc những câu chuyện xúc động về sự sẻ chia ấy.

Cô Vũ Hà Thu Phương, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Phúc (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bài), nhớ lại chuyến đi "biệt phái".

Từ mọi thứ lạ lẫm…

Cô Vũ Hà Thu Phương là một trong nhiều giáo viên được biệt phái lên vùng khó vào năm học trước, ngay trước ngày khai giảng. Nơi cô đến là Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái (Trường Lao Chải). 

Để lên đến Trường Lao Chải, cô Phương phải đi xe khách gần 200 km. Sẩm tối mới đến thị trấn nên cô phải nghỉ đêm tại đây để sáng hôm sau đi tiếp 15 km bằng xe máy đến Lao Chải.

"Khi đó, vì không quen địa bàn khó khăn, mọi thứ lạ lẫm, lại phải xa nhà, xa con nên tôi có nhiều cảm xúc xáo trộn lắm. Nhưng các thầy cô ở Lao Chải đã đón tôi chu đáo, chân tình. 

Dù vẫn không quen ngay được môi trường mới nhưng tận mắt thấy các thầy cô trên đó chịu vất vả bám trụ, nhìn học sinh thì còn thương hơn nên tôi dần bình tâm lại. Tôi nghĩ người khác chịu khổ được thì mình cũng chịu được", cô Phương nhớ lại.

Trường Lao Chải thiếu giáo viên tiếng Anh khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, bắt buộc học sinh từ lớp 3 phải học ngoại ngữ. Cô Phương đảm nhiệm dạy bốn lớp 3 với 20 tiết/tuần. 

Học sinh ở Lao Chải phần lớn là người Mông, một số ít học sinh người Kinh đều là con các thầy cô ở trường. Điều kiện dạy học thiếu thốn, trẻ còn chưa nói thạo tiếng Việt là khó khăn rất lớn đối với người thầy. 

Cô Phương kể trong hành trang cô mang theo lên Lao Chải có một thùng đồ dùng học tập, đồ chơi giáo dục. Để bọn trẻ thích học cần phải tổ chức cho trẻ hoạt động. Khi đã bắt nhịp với môi trường mới, cô bắt đầu lên kế hoạch cho việc dạy học vì không muốn thời gian biệt phái trôi đi như một việc "lấp chỗ trống" thuần túy.

…Đến "đất hóa tâm hồn"

Sẻ chia với học trò vùng khó khăn - Kỳ 1: Những giáo viên 'biệt phái' - Ảnh 2.

Cô Vũ Hà Thu Phương cắt tóc cho học sinh ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học&THCS Lao Chải (Yên Bái) trong thời gian đi biệt phái - Ảnh nhân vật cung cấp

Ghi nhận của Sở GD-ĐT Yên Bái thì cô Phương là một trong số giáo viên làm được nhiều việc ý nghĩa cho học trò vùng khó. Không chỉ dạy học, cô còn tổ chức chuyên đề sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên tiếng Anh ở toàn huyện Mù Cang Chải; tổ chức những hoạt động cho trẻ ở trường; tổ chức lớp học kết nối giữa lớp học ở Lao Chải với các trường ở Lào Cai, Hà Nội, Cà Mau và một số đối tác nước ngoài. 

Trong đó có một tiết học kết nối ấn tượng giữa học sinh Lao Chải với 10 trường ở các nơi. Lớp học kết nối để học sinh được tương tác, chia sẻ, nghe các câu chuyện để hiểu cuộc sống ở những vùng miền khác nhau.

"Tôi học kinh nghiệm của cô Hà Ánh Phượng (người thử nghiệm thành công lớp học xuyên biên giới cho học sinh vùng khó ở Phú Thọ). Cũng nhờ cô Phượng, tôi kết nối được với các đối tác. 

Tôi muốn học sinh nơi khác biết đến tiếng khèn của người Mông ở Mù Cang Chải, và cũng muốn học sinh ở Lao Chải biết nhiều hơn những gì ở các vùng miền khác để mở mang hơn" - cô Phương chia sẻ.

Sẻ chia với học trò vùng khó khăn - Kỳ 1: Những giáo viên 'biệt phái' - Ảnh 3.

Cô Vũ Hà Thu Phương chải tóc cho học sinh nữ ở trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học&THCS Lao Chải (Yên Bái) khi cô biệt phái đến đây (ảnh nhân vật cung cấp)

Sẻ chia với học trò vùng khó khăn - Kỳ 1: Những giáo viên 'biệt phái' - Ảnh 4.

Cô Vũ Hà Thu Phương và các học trò (ảnh nhân vật cung cấp)

Mỗi sáng dù 8h mới vào học nhưng 7 giờ học sinh đã có mặt ở phòng cô vì bọn trẻ thích những gì mới mẻ cô mang đến. Cô Phương dạy học sinh sử dụng những phần mềm học tập, trò chơi giáo dục bằng ứng dụng công nghệ thông tin hoặc đôi khi chỉ là bật nhạc lên cô trò cùng đung đưa hát. 

Các buổi tối cô cũng lên khu nội trú để cùng ôn bài với học sinh. Cô dạy tiếng Anh, còn học trò dạy cô tiếng người Mông.

Mỗi cuối tuần cô vượt quãng đường hơn 200 km để về nhà thăm con, rồi lại vội vã ngược lên vào đầu tuần. Có những khi đường mưa, trơn trượt, rét buốt rất vất vả. Một năm trôi đi nhanh hơn sự hình dung của cô giáo "biệt phái". 

Cô Phương kể: "Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên ngày chia tay thầy trò ở Lao Chải. Học trò và đồng nghiệp xếp hàng hai bên đường dọc cổng trường vẫy chào tôi, khiến tôi không kìm được nước mắt". 

Nước mắt của ngày chia tay đã khác với ngày cô hoang mang đi biệt phái. Đường trở về ấm áp vì tấm lòng của người ở lại.

Sẻ chia với học trò vùng khó khăn - Kỳ 1: Những giáo viên 'biệt phái' - Ảnh 5.

Những học trò ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học&THCS Lao Chải (Yên Bái) thích thú với phần mềm dạy học do cô Vũ Hà Thu Phương mang đến trong thời gian biệt phái (ảnh nhân vật cung cấp)

Món quà là sự trưởng thành của học sinh

Cô Lê Thị Thanh Huyền là giáo viên Trường THCS Phúc Ninh ở huyện Yên Bình (cách thành phố Yên Bái khoảng 80 km). Ba năm trước khi có chủ trương đi biệt phái, cô xung phong đi thay cho những giáo viên đang có con nhỏ. Từ trường ở Yên Bình lên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học THCS Trạm Tấu là 92 km.

"Mùa đông ở vùng cao rất lạnh, nhất là những nơi khó khăn như Trạm Tấu. Tôi lại bị viêm xoang mãn tính nên có lúc cũng khổ. Nhưng có lẽ tôi có khả năng thích ứng tốt và cũng có sự chuẩn bị kỹ để bảo vệ sức khỏe cho mình. Mình ở nơi khác đến có nhiều thứ phải quan sát, phải học, phải điều chỉnh cách dạy học", cô Huyền nói. 

Định biệt phái một năm nhưng rồi cô Huyền vẫn trở lại Trường Trạm Tấu lần nữa và năm học mới này là năm thứ ba liên tiếp cô tình nguyện biệt phái. Lần này cô lên một trường xa hơn ở xã Xà Hồ của Trạm Tấu, nghe nói lạnh hơn và khó khăn hơn.

Hỏi cô vì sao quyết định đi tiếp dù không phải trong diện phân công, cô nói con đã lớn và có thể thu xếp việc gia đình nên muốn đi thay cho những đồng nghiệp đang có con còn nhỏ. 

Lý do giản đơn thế thôi, nhưng cứ hình dung về người phụ nữ cũng bước sang tuổi 50 một mình đi xe máy trên đoạn đường gần trăm cây số dốc hẹp chỉ toàn vách đá và vực sâu thì thấy không phải ai cũng sẵn sàng một sự sẻ chia như thế.

Sẻ chia với học trò vùng khó khăn - Kỳ 1: Những giáo viên 'biệt phái' - Ảnh 6.
Sẻ chia với học trò vùng khó khăn - Kỳ 1: Những giáo viên 'biệt phái' - Ảnh 7.
Sẻ chia với học trò vùng khó khăn - Kỳ 1: Những giáo viên 'biệt phái' - Ảnh 8.

Cô Nguyễn Thị Oanh, giáo viên trường THPT Trần Nhật Duật (huyện Yên Bình, Yên Bái) cùng học sinh khi triển khai dự án nghiên cứu chế tạo sản phẩm từ trái bưởi và táo mèo (ảnh trên, trái). Cô Oanh cùng học sinh và các tình nguyện viên khi triển khai một dự án khởi nghiệp từ cây quả tại địa phương (ảnh trên, phải và ảnh dưới) nhân vật cung cấp)

Cô Nguyễn Thị Oanh, giáo viên dạy sinh học, là nhà giáo ưu tú. Trong đợt cử giáo viên biệt phái năm trước, dù bản thân có lý do để thoái thác nhưng cô cũng đến Trường THPT Nguyễn Trãi (Nghĩa Lộ, Yên Bái), cách trường cũ 90 km. 

Cô Oanh mang theo cả nhiệt huyết đổi mới đến Trường Nguyễn Trãi, dạy học sinh cách ứng dụng kiến thức sinh học, dạy các em biết cách làm việc nhóm, khích lệ học sinh tương tác và tự chủ trong học tập.

Sau một năm, món quà bất ngờ dành cho cô là thông tin từ thầy hiệu trưởng "trong số 46 học sinh của lớp, có 36 em đăng ký thi tốt nghiệp THPT với tổ hợp có môn sinh học". Cô chia sẻ mình vẫn sẵn sàng "biệt phái" ở năm học mới này.

Sẻ chia với học trò vùng khó khăn - Kỳ 1: Những giáo viên 'biệt phái' - Ảnh 9.

Đầu năm học 2024-2025, cô Vũ Hà Thu Phương trở lại Mù Cang Chải với chuyến hàng là quà tặng cho học sinh để động viên các bé nhân dịp tựu trường. Tuy chưa quay lại với tư cách "giáo viên biệt phái" lần nữa, nhưng cô Phương duy trì kết nối với thầy, trò ở Lao Chải và luôn sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn hoặc kết nối cho các tổ chức từ thiện giúp đỡ học sinh ở nơi này như một cách tri ân với vùng đất mình từng gắn bó. Trong ảnh: cô Phương chụp ảnh cùng học trò trong trang phục áo cờ đỏ sao vàng mà cô và nhóm thiện nguyện trao tặng cho học sinh (ảnh nhân vật cung cấp)

"Không thở được vì sợ"

Cô Hoàng Thị Bảy, giáo viên dạy toán ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Mồ Dề của huyện Mù Cang Chải, cũng là một giáo viên được biệt phái lên Trường Chế Tạo, cách đó 35 km.

Chỉ cách vài chục km nhưng là chặng đường hẹp, quanh co ven các sườn núi dốc, xuyên qua khu rừng già. Cô Bảy là giáo viên nữ đầu tiên đến Trường Chế Tạo năm đó.

Cô kể: "Từ trường vào thôn để vận động học sinh đi học, chúng tôi phải đi thêm 20 km nữa. Khi vào thôn tìm học sinh, tôi ngồi sau xe thầy hiệu trưởng mà cảm thấy không thể thở được vì sợ. Đi một chặng, thầy phải dừng xe bảo thôi cô thở đi rồi mình đi tiếp. Thầy hiểu nỗi sợ của người lần đầu đến đó.

Thời gian đầu mới đến, tôi và nhiều cô giáo biệt phái buồn lắm. Ngoài giờ dạy, các cô chỉ biết ngồi ngắm mây mù bao phủ xung quanh và… quét lá đào rụng, đốt lá quanh khu nhà công vụ".

"Sau này, tôi không quên được mùi lá đào đốt ấy. Nó như in hằn trong tâm trí khi tôi nhớ về những ngày biệt phái. Có lẽ những khó khăn qua rồi thì còn lại chỉ là nỗi nhớ, sự cảm thông muốn sẻ chia với nơi đó", cô Bảy nói.

"Xung phong đi tiếp"

Chuyện thiếu giáo viên ở Yên Bái khá điển hình cho các địa phương miền núi phía Bắc. Trong đó, khó khăn nhất là huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Tới năm học này, Yên Bái còn thiếu 1.686 giáo viên so với biên chế được giao và thiếu 3.306 người so với định mức biên chế. Riêng môn tiếng Anh thiếu 327 giáo viên so với định mức. Có 5/9 huyện không có đủ giáo viên tiếng Anh.

Bà Nguyễn Thu Hương, phó giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái, cho biết tỉnh có nhiều chính sách thu hút giáo viên. Riêng giáo viên tiếng Anh nếu tình nguyện lên hai huyện khó khăn công tác sẽ được hỗ trợ một lần 100 triệu đồng ngoài chế độ thường xuyên khác.

Nhưng trong ba năm, chỉ tiêu 300 giáo viên tiếng Anh chỉ tuyển được 29 người. Có người sau khi tuyển dụng, được phân công lên Mù Cang Chải là xin chuyển nghề luôn.

Cử giáo viên từ thành phố và các huyện khác biệt phái lên hai huyện khó khăn là giải pháp tạm thời trong nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. "Ban đầu giáo viên cũng tâm tư, nhưng giờ nhiều người đi 1 năm lại xung phong đi tiếp", bà Nguyễn Thu Hương chia sẻ.

-----------------------

Kỳ 2: Những lớp học "kết nối"

Sẻ chia với học trò vùng khó khăn - Kỳ 1: Những giáo viên 'biệt phái' - Ảnh 3.Tiếp sức giáo viên và học trò vượt khó ở Phú Yên

Trong buổi lễ Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên ở Phú Yên chiều 4-11, niềm vui như được nhân đôi khi thầy cô và các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh được nhận các suất học bổng và phần quà từ chương trình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên