17/04/2023 21:21 GMT+7

Sau vụ ám sát ông Abe, an ninh Nhật vẫn lỏng lẻo

Vụ tấn công bất thành nhắm vào Thủ tướng Kishida ngày 15-4 cho thấy những lỗ hổng trong quy trình an ninh bảo vệ quan chức đáng ra phải được cải thiện sau vụ ông Abe Shinzo bị ám sát.

Sau vụ ám sát ông Abe, an ninh Nhật vẫn lỏng lẻo - Ảnh 1.

Nghi phạm bị khống chế sau khi ném bom khói vào Thủ tướng Nhật Kishida ngày 15-4 - Ảnh: REUTERS

Theo báo Nikkei Asia, sau vụ ám sát ông Abe Shinzo vào tháng 7-2022, Cơ quan Cảnh sát quốc gia (NPA) Nhật Bản đã chỉnh sửa quy trình an ninh bảo vệ quan chức lần đầu tiên sau 30 năm. 

Các quy tắc mới yêu cầu cảnh sát địa phương chuẩn bị kế hoạch an ninh trước khi quan chức đến thăm một địa điểm nào đó.

Kế hoạch an ninh này ưu tiên ngăn chặn người khả nghi đến gần quan chức. Cảnh sát và các cơ quan liên quan phải kiểm tra địa điểm mà quan chức sẽ phát biểu, đồng thời nhanh chóng xác định đối tượng nguy hiểm và các mối đe dọa tiềm tàng khác.

Trong vụ việc ngày 15-4, kế hoạch an ninh do cảnh sát thành phố Wakayama phác thảo và lãnh đạo đã phê duyệt. Tuy nhiên, diễn biến ngày hôm đó cho thấy kế hoạch này có nhiều lỗ hổng.

Lỗ hổng an ninh

Đầu tiên, nghi phạm (đã bị bắt) đã tiếp cận rất gần ông Kishida khi ông phát biểu tại một cảng cá, nơi có khoảng 200 người tụ tập. 

Mặc dù cảng rộng vài trăm mét vuông nhưng người nghe, bao gồm nghi phạm, được phép tới gần ông Kishida trước khi bài phát biểu bắt đầu.

"Đám đông có thể che khuất tầm nhìn của nhân viên an ninh và khiến họ chậm phát hiện ra nghi phạm", ông Toshihiko Matsumaru, cựu cảnh sát có kinh nghiệm bảo vệ quan chức ở Nhật Bản và nước ngoài, cho biết.

Nhiều cảnh sát có mặt tại hiện trường nhưng không nhận ra mối đe dọa từ nghi phạm cho tới khi nghi phạm ném bom khói về phía thủ tướng.

Cảnh sát thành phố Wakayama cho biết họ không coi nghi phạm là mối đe dọa an ninh. 

Tuy nhiên, có nhân chứng cho hay họ đã chú ý tới nghi phạm vì hắn ta đeo ba lô, đi một mình và không phải người địa phương.

Nhiều nhân chứng khác cũng có cùng nhận định. Vụ việc có thể đã được ngăn chặn nếu cảnh sát "hỏi thăm" Kimura.

Thứ hai, công tác đánh giá an ninh tại địa điểm có vấn đề. Theo quy định, cảnh sát từ trung ương tới địa phương sẽ phải kiểm tra trước địa điểm mà quan chức sẽ phát biểu.

Theo Nikkei Asia, cảnh sát đã không thực hiện quy tắc này vì quan chức hiếm khi có bài phát biểu vận động tại cảng cá.

Vấn đề thứ ba là cảnh sát đã để nghi phạm mang thiết bị nổ trà trộn vào đám đông. Theo cảnh sát địa phương, họ đã không kiểm tra tư trang người tới dự.

Khu vực của người nghe có hàng rào cao 1m vây quanh nhưng ai cũng có thể ra vào địa điểm này bất kỳ lúc nào bằng cách trèo qua hàng rào.

An ninh ở nước ngoài thì sao?

Báo Nikkei Asia cho hay ở Mỹ và châu Âu, các bài phát biểu vận động bầu cử thường tổ chức trong nhà và có máy dò kim loại để kiểm tra đồ đạc cá nhân của mọi người.

Nếu đánh giá có nguy cơ tấn công bằng súng hay bom, nhân viên an ninh sẽ cử chó nghiệp vụ kiểm tra xung quanh địa điểm quan chức phát biểu để tìm chất nổ.

Cựu cảnh sát Toshihiko Matsumaru cho biết ở các quốc gia khác, cảnh sát mặc thường phục và nhân viên an ninh thường đứng lẫn vào người nghe, ngay cả khi quan chức và người nghe đứng cách xa nhau.

"Cảng cá khác với nhà ga hay trung tâm thương mại sầm uất", ông Shiro Kawamoto, giảng viên về xử lý khủng hoảng tại Đại học Nihon (Nhật Bản), nhận định. "Sự kiện lẽ ra phải được tổ chức trong không gian có thể kiểm tra hành lý".

"Chúng ta cần xem xét nghiêm túc việc cảnh sát để xảy ra hai vụ việc nghiêm trọng trong một năm", ông Kawamoto nói thêm.

Nhật tăng cường an ninh cho hội nghị G7 sau vụ ném bom khói Thủ tướng KishidaNhật tăng cường an ninh cho hội nghị G7 sau vụ ném bom khói Thủ tướng Kishida

Thủ tướng Kishida Fumio đã yêu cầu tăng cường an ninh đảm bảo an toàn cho các quan chức và bộ trưởng nhiều nước lớn đến Nhật Bản ngay sau vụ ông bị ném bom khói.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên