Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại lễ trao danh hiệu "Ngôi sao thuốc Việt" lần thứ hai, diễn ra ở Hà Nội tối 17-5.
Phát biểu tại sự kiện, bộ trưởng Bộ Y tế nhận định trong những năm qua, ngành dược đã có cố gắng rất lớn, sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho người dân.
"Tính đến nay, có hơn 62.000 cơ sở bán lẻ, 238 nhà máy sản xuất tân dược đạt tiêu chuẩn WHO-GMP, 17 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP và tương đương, hơn 170 doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ bảo quản và hơn 5.000 cơ sở bán buôn thuốc.
Bên cạnh đó, chất lượng thuốc ngày càng được nâng cao, hình thức đẹp không thua kém thuốc ngoại nhập, trong khi giá thành rẻ hơn so với thuốc ngoại nhập cùng loại", bà Lan nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Việt Nam hiện được xếp vào nhóm quốc gia có giá trị dược phẩm và tốc độ phát triển ngành dược nhanh trên thế giới.
Trong đó, tổng giá trị thị trường dược phẩm ước tính đạt 7 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023, giá thuốc của cả nhóm biệt dược gốc và thuốc generic đối với các thuốc sử dụng nhiều nhất của Việt Nam đều ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho hay bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu chung là phát triển ngành dược Việt Nam ngang tầm các nước phát triển trong khu vực, đảm bảo người dân được tiếp cận thuốc với mức giá hợp lý; nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất thuốc mới, biệt dược gốc, đẩy mạnh phát triển dược lâm sàng, tăng cường giám sát sử dụng thuốc an toàn, hợp lý,...
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, lễ trao danh hiệu "Ngôi sao thuốc Việt'" được Bộ Y tế tổ chức lần đầu vào năm 2015. Cho đến nay, đây là danh hiệu danh giá và duy nhất dành cho các doanh nghiệp và sản phẩm trong lĩnh vực dược.
"Tôi tin rằng chính các sản phẩm thuốc đạt danh hiệu hôm nay sẽ góp phần lan tỏa đến cộng đồng, củng cố sự tin tưởng, tín nhiệm của người Việt đối với thuốc Việt, từ đó góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào người Việt dùng thuốc Việt và hướng tới mục tiêu thế giới dùng thuốc Việt", bà Lan nói.
Theo chiến lược phát triển của ngành dược, Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh.
Thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường. Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận