Sáng 16-4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Bổ sung quy định cho phép trung tâm y tế được mở nhà thuốc
Bà Nguyễn Thị Hải Yến - khoa dược Đại học Y Dược TP.HCM - nêu ý kiến về quy định điều kiện kinh doanh thuốc.
Theo bà Yến, từ đầu năm 2024, điều kiện cấp mới giấy phép hành nghề quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 đối với các chức danh bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh…, trong đó có việc đánh giá đủ năng lực hành nghề qua kiểm tra năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, chất lượng đào tạo dược sĩ tại các trường trên cả nước hiện nay không đồng đều, có sự khác biệt lớn.
“Năm 2023, chỉ tiêu về số dược sĩ đại học trên 10.000 đã vượt chỉ tiêu. Do đó, trong đó Luật Dược nên bổ sung quy định về hình thức thi chứng chỉ hành nghề cho một số loại hình kinh doanh dược.
Hiện nay tại tất cả các nước trên thế giới, kể cả các nước đang phát triển đều có quy định này”, bà Yến đề xuất.
Còn trưởng khoa dược, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) Nguyễn Thị Bích Ngọc đề xuất nên có quy định cụ thể cho việc ứng dụng thương mại điện tử vào kinh doanh dược, bởi hiện nay bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đang nở rộ.
Bà Ngọc cho rằng việc quy định sẽ tạo điều kiện cho đơn vị kinh doanh mở rộng và các đơn vị cũng quản lý tốt hơn.
Ông Trịnh Văn Tiến - Trung tâm Y tế quận Gò Vấp - đề xuất bổ sung quy định cho phép các trung tâm y tế được mở nhà thuốc tương tự như bệnh viện. “Hiện, nhân viên y tế tại trung tâm có trình độ đại học từ 60-70%, đủ điều kiện mở nhà thuốc, nhưng mới chỉ được mở tủ thuốc”, ông Tiến nói.
Cần lập đơn vị nghiên cứu sản xuất thuốc hiếm
Tại hội thảo, ông Lê Ngọc Danh - trưởng phòng nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP - cho biết việc quản lý giá thuốc hiện nay chặt chẽ, từ kê khai đến đấu thầu, niêm yết giá. Nhưng chính các quy định niêm yết giá trong luật gây ra một số khó khăn cho công tác quản lý, thanh kiểm tra, khi có đến hơn 25.000 nhà thuốc hoạt động.
Theo ông Danh, chỉ nên quản lý những thuốc cần thiết. Đặc biệt, cần có quy định đảm bảo sản xuất, cung ứng thuốc, trong đó có thuốc hiếm.
Đơn cử gần đây, thuốc hiếm điều trị ngộ độc thực phẩm nguy cơ tử vong cao nhưng không có ở Việt Nam. Việc sản xuất thuốc hiếm hầu như chỉ có trên thế giới bởi nhu cầu trong nước rất thấp khiến nhà kinh doanh không mặn mà.
Nên có quy định giao cho một đơn vị nghiên cứu sản xuất thuốc hiếm để phục vụ cho đất nước.
Đối với những thuốc không nghiên cứu sản xuất được, nên thành lập trung tâm dự trữ quốc gia. Việc đưa vào luật sẽ có căn cứ mạnh mẽ để các đơn vị thực hiện.
“Thuốc hiếm mua về để dự trữ, cơ hội sử dụng cũng thấp, có thể phải hủy bỏ dẫn đến quy trách nhiệm và ảnh hưởng kinh phí bệnh viện. Kinh phí mua thuốc hiếm cần huy động từ nguồn lực Nhà nước hoặc nguồn lực xã hội để đảm bảo có thuốc, tránh nguy cơ lãng phí”, ông Danh nói.
Cùng quan điểm trên, bà Phạm Khánh Phong Lan - giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP - cũng nhấn mạnh cần luật hóa thuốc hiếm. Dù ít sử dụng, thuốc hiếm không thể không có. Các công ty đứng ra nhập khẩu chủ yếu giúp đỡ bệnh viện, không có lợi nhuận.
Ngoài ra, đặt vấn đề cho ngành bảo hiểm xã hội, bà Lan nhấn mạnh trường hợp người dân sử dụng bảo hiểm mua thuốc trong bệnh viện nhưng không có, bắt buộc phải mua bên ngoài thì ai sẽ chịu trách nhiệm.
“Khi mua thuốc hợp pháp tại nhà thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép nhưng khi phát hiện thuốc giả thì ai đứng ra đền? Do đó, vấn đề này cũng phải được quy định một cách rõ ràng trong luật, bởi những thiệt hại hầu như người dân phải chịu”, bà Lan trăn trở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận