18/12/2019 09:22 GMT+7

'Sách giáo khoa toán cho trẻ có bài phải giáo sư mới hiểu được'

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Những đứa trẻ chưa đọc thông viết thạo cần trực quan sờ, nắm, quan sát thấy được, nhưng sách giáo khoa toán hiện hành lại đưa ra những kiến thức quá khó, có bài phải các giáo sư toán mới hiểu được.

Sách giáo khoa toán cho trẻ có bài phải giáo sư mới hiểu được - Ảnh 1.

Nhiều người quan tâm tới cách tiếp cận của những cuốn sách giáo khoa - Ảnh: VĨNH HÀ

GS.TSKH Đỗ Đức Thái - tổng chủ biên môn toán của bộ sách giáo khoa (SGK) mới 'Cánh diều' - đã nhận xét điều này tại buổi ra mắt bộ SGK mà ông tham gia. 

Ông lấy ví dụ: ngay từ đầu đã bắt trẻ học đề đường thẳng - một khái niệm rất trừu tượng. "Đó là điều khiến môn toán trở thành nỗi khiếp đảm của nhiều học sinh", ông Thái nêu vấn đề. 

"Chúng tôi muốn mở toang cánh cửa của nhà trường ra để cuộc sống tràn vào trong các nhà trường, để học sinh không phải chỉ học số 1, 2, 3... mà quan trọng là những điều đó biến thành năng lực để có thể giải quyết được những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống", ông Đỗ Đức Thái bày tỏ quan điểm.

Trước đó, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - người sáng lập chương trình Toán POMATH - cũng đưa ra một định hướng mới cho môn toán là để trẻ học toán qua các hoạt động, qua trò chơi. Mọi đứa trẻ đều có thể học toán và say mê toán, chứ không phải toán chỉ dành cho những đứa trẻ thông minh.

Bày tỏ quan điểm trong việc thiết kế môn toán tiểu học, GS.TSKH Đinh Thế Lục - tổng chủ biên môn toán tiểu học của một bộ SGK khác có tên "Cùng học để phát triển năng lực" - cũng đưa ra một cách tiếp cận: "Bắt đầu từ những tình huống thực tiễn trong cuộc sống gần gũi với học sinh để trẻ thao tác, tương tác, làm ra sản phẩm và từ đó mới đưa về các nội dung toán học". Với cách này, trẻ không chỉ học các phép tính một cách máy móc mà không hiểu nó dùng để làm gì, ngược lại, toán được soi sáng bằng những bài học thực tiễn.

Trong những ngày này, lần lượt nhiều bộ SGK mới đã ra mắt. Nhiều tác giả SGK đã trình bày tư tưởng thể hiện trong SGK mới theo hướng gần gũi với cuộc sống thực tế và phù hợp với khả năng quan sát, nhận biết của học sinh. Kiến thức hình thành qua các hoạt động học.

Mỗi bộ SGK sẽ có những ưu, nhược điểm khác nhau. Nhưng nếu các tác giả đều cùng chọn một cách tiếp cận mới là đi từ cuộc sống để vào bài học thì thực sự là một tín hiệu tốt khi triển khai chương trình SGK mới.

Tuy vậy, các tác giả SGK cũng không chỉ chê quá khứ. Điển hình là ở SGK tiếng Việt, GS Nguyễn Minh Thuyết - tổng chủ biên SGK tiếng Việt của nhóm Cánh diều - cho biết sách kế thừa từ sách hiện hành nhiều. Ưu điểm của việc này là giáo viên dễ tiếp cận, thậm chí không cần phải tập huấn.

Cuối tháng 11-2019, Bộ GD-ĐT công bố đã phê duyệt 32 SGK mới thuộc 5 bộ SGK của ba nhà xuất bản. Các SGK này thuộc 8 môn học. SGK môn cuối cùng của lớp 1 là tiếng Anh của các đơn vị này sẽ được phê duyệt vào cuối tháng 12-2019.

Chọn sách giáo khoa: Ai chi tiền tỉ sách mẫu, phân định sao nếu không sách nào Chọn sách giáo khoa: Ai chi tiền tỉ sách mẫu, phân định sao nếu không sách nào 'quá bán'?

TTO - Dự thảo thông tư hướng dẫn việc chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông đang được Bộ Giáo dục và đào tạo trưng cầu ý kiến rộng rãi. Bước đầu đã có những ý kiến băn khoăn từ các trường trong việc lựa chọn sách giáo khoa.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên