Khách thanh toán mua hàng bằng thẻ tín dụng - Ảnh: T.T.D.
Dù việc thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở nên quen thuộc, nhưng nhiều khoản chi tiêu hằng ngày như đi chợ, mua sắm lặt vặt... vẫn được người dân trả tiền mặt. Và thị trường này đang được nhiều ngân hàng, công ty thanh toán thẻ chạy đua khai thác.
Theo kết quả khảo sát vừa được Visa công bố, người Việt Nam mang theo tiền mặt ít hơn, thay vào đó là thanh toán qua thẻ hoặc qua di động.
46% người được hỏi trong năm 2018 cho biết đem theo ít tiền trong ví hơn 2 năm trước, tăng 10% so với năm 2017.
Ngược lại, tỉ lệ người trả lời mang nhiều tiền hơn hoặc không thay đổi so với cách đây 2 năm đều giảm 5%.
Tung khuyến mãi
Những năm gần đây, khi mua sắm các vật dụng trong nhà như sofa, tủ lạnh, máy lạnh..., chị Kim Phương (Q.Bình Tân, TP.HCM) thường cà thẻ nhưng chi tiêu các khoản nhỏ hằng ngày như uống ly cà phê, ăn trưa, đi taxi... chị vẫn quen trả bằng tiền mặt dù gặp không ít phiền toái như không có tiền lẻ, bị thối lại tiền cũ, rách.
Chưa kể có lúc còn bị người bán càm ràm khi đưa tiền mệnh giá quá lớn.
Gần đây khi hàng loạt ví điện tử, ứng dụng thanh toán của ngân hàng (NH) dồn dập khuyến mãi khi thanh toán bằng hình thức quét mã QR, chị Phương đã dần thay đổi thói quen tuy chưa thể "đoạn tuyệt" hẳn với tiền mặt.
Tương tự, anh Tuấn Vũ (Q.3) cũng cho biết đã từ bỏ thói quen thanh toán các khoản nhỏ lẻ bằng tiền sang cà thẻ.
"Trước đây, khi không có tiền trong người, tôi cảm thấy không tự tin vì xài những khoản lặt vặt rất khó, nhưng gần đây cà thẻ hay quét mã QR tôi được lợi hơn. Chẳng hạn một chuyến taxi từ nhà đến công ty nếu trả bằng tiền mặt lên đến hơn 100.000 đồng, nhưng nạp tiền vào ví điện tử để thanh toán chỉ còn 60.000 đồng. Càng thanh toán, càng nhiều khuyến mãi..." - anh Tuấn Vũ nói.
Nhiều người cũng cho biết từ chỗ ham các ưu đãi đã dần quen với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và xài linh hoạt giữa các hình thức như thẻ, ứng dụng công nghệ hoặc ví điện tử, tùy theo hình thức nào có lợi hơn ở thời điểm chi tiêu.
Theo chị Ngọc Thúy (Q.Phú Nhuận), nếu khéo tận dụng các ưu đãi, người dùng tiết kiệm được một khoản không nhỏ so với xài tiền mặt.
Chẳng hạn thẻ Visa chị sử dụng do một ngân hàng phát hành có chương trình ưu đãi mạnh vào thứ ba khi uống trà sữa, ăn kem hoặc mua sắm ở một số thương hiệu, do vậy vừa qua có nhu cầu mua giày thay vì chọn dịp cuối tuần, chị chờ đến tối thứ ba và thanh toán bằng thẻ.
"Đôi giày 500.000 đồng tôi được giảm 30%, tương đương 150.000 đồng, là số tiền không hề nhỏ" - chị Thúy cho hay.
Mua bánh mì ở quận 1, TP.HCM và thanh toán qua quét mã QR - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Nhắm đến người trẻ
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, những người trẻ tuổi, dân văn phòng là những đối tượng hào hứng nhất với các hình thức thanh toán mới nên các ngân hàng, công ty thanh toán cũng "nhắm" vào các đối tượng này để nhân rộng hình thức thanh toán mới.
Một lãnh đạo ngân hàng cho biết khi ngân hàng đẩy mạnh các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều người trẻ, đặc biệt là nhân viên văn phòng, người làm trong giới tài chính rất hào hứng.
Tại ngân hàng này, số lượng và giá trị giao dịch qua thẻ tín dụng tăng hơn 40% trong năm 2018. Với thẻ ghi nợ, số lượng giao dịch tăng gấp 3 lần, còn giá trị giao dịch tăng gấp 6 lần.
Hình thức thanh toán qua mã QR những tháng đầu năm nay cũng tăng rất mạnh. Đại diện Sacombank cho biết dù mới triển khai ứng dụng SacombankPay khoảng 3 tháng nhưng lượng người sử dụng mới đăng ký mỗi ngày tăng thêm vài ngàn, đặc biệt người trẻ rất thích sử dụng hình thức thanh toán qua mã QR.
"Trước đây các khoản thanh toán nhỏ người dùng phải tìm tiền mệnh giá nhỏ để dễ chi tiêu, còn người bán cũng phải lo "thủ" sẵn tiền lẻ để thối, trong khi nếu thanh toán bằng quét mã thực hiện rất nhanh, chỉ trong vài giây mà cả bên bán lẫn bên mua đều không phải lo chuyện tiền lẻ, tiền rách, kiểm đếm tiền" - vị này nói và cho biết ngoài TP.HCM, ngân hàng này cũng đang triển khai ra địa bàn các tỉnh ĐBSCL.
Do hướng đến đối tượng trẻ, trên ứng dụng của các ngân hàng và công ty thanh toán cũng tích hợp rất nhiều tính năng "vui vui".
Chẳng hạn, một số ngân hàng có tính năng chia sẻ tiền khi cả nhóm đi ăn chung. Theo đó, một người trong nhóm sẽ đại diện thanh toán tiền bằng ứng dụng, sau đó sẽ chụp hóa đơn và "tag" tên những người còn lại trong nhóm vào kèm theo những câu vui vui để nhắc nợ. Những người còn lại cũng sẽ chuyển trả tiền qua chính ứng dụng này.
Thu hút cả người bán
Các NH và công ty thanh toán cũng có nhiều chiêu thức để những người buôn bán nhỏ lẻ đồng ý triển khai trong giai đoạn đầu.
Ngoài hướng dẫn đơn giản, dễ hiểu, cho nhân viên xuống tận nơi tư vấn, các đơn vị này còn tặng quà, phổ biến là thẻ điện thoại 50.000-100.000 đồng "xem như hỗ trợ chi phí 3G".
Lý do là để thanh toán bằng cách quét mã QR qua các ứng dụng cần phải có mạng nhưng nhiều người bán hàng rong hoặc bán tạp hóa không đăng ký dịch vụ 3G.
Nhờ hình thức hỗ trợ này, số lượng điểm chấp nhận thanh toán qua thẻ đang tăng lên rất nhanh.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy các xe hàng rong, bán nước cam, cà phê, bán xôi buổi sáng trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM đã có biểu tượng thanh toán qua các ứng dụng hoặc ví điện tử.
Về phía người sử dụng, nếu giới thiệu được bạn bè tham gia hình thức thanh toán mới này cũng được một số NH tặng thẻ điện thoại 50.000 đồng nhằm nhân rộng số người dùng.
Lãnh đạo phụ trách NH điện tử của một ngân hàng thương mại cho rằng dù chỉ là các món thanh toán nhỏ lẻ nhưng giá trị thị trường này tại Việt Nam rất lớn do đây là các khoản mà người dân phải chi tiêu hằng ngày, như buổi sáng phải đi ăn sáng, mua ly cà phê, trưa phải ăn trưa, hằng tuần phải đổ xăng... có nghĩa là "mở mắt ra đã phải chi tiêu".
"Thị trường này đang còn tiềm năng rất lớn để các NH, công ty thanh toán chạy đua lôi kéo khách hàng, do thói quen thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm phần lớn" - vị này nói.
Lãnh đạo một hãng thẻ quốc tế tại Việt Nam cho biết thanh toán kỹ thuật số đang là một phần trong cuộc sống hằng ngày của rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam, từ mua sắm của nhà bán lẻ trực tuyến nước ngoài hay đơn giản là thanh toán nhu yếu phẩm ở siêu thị.
"44% số người được khảo sát cho biết đang sử dụng hình thức thanh toán qua các ứng dụng, trong khi có 32% đang sử dụng các công nghệ thanh toán không tiếp xúc và 19% đã sử dụng hình thức thanh toán bằng mã QR" - vị lãnh đạo này cho biết.
Thị trường tỉ đô
Việt Nam có dân số trẻ với hơn 90 triệu người, trong đó hơn 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để các hình thức thanh toán mới khai phá.
Theo một số liệu được công bố trước đây, những khoản chuyển tiền nhỏ hơn 5 triệu đồng tại Việt Nam lên đến 35 tỉ USD.
Người dùng vẫn sợ rủi ro
Tuy nhiên, nhiều người dùng vẫn còn e ngại với phương thức thanh toán mới vì nhiều lý do, trong đó có lý do an toàn.
Lo ngại này là chính đáng vì không phải ai cũng rành công nghệ. Chưa kể thời gian qua có nhiều thông tin về tội phạm thẻ hay các vụ mất tiền trong tài khoản cũng khiến nhiều người hoang mang, có tâm lý "tiền mặt vẫn an toàn hơn" dù thực tế các hình thức thanh toán mới giảm thiểu được hàng loạt rủi ro so với xài tiền mặt.
"Khi tính tiện dụng của các hình thức thanh toán mới tăng lên, e ngại của người dùng sẽ bớt đi" - ông Phạm Quang Đệ, phó giám đốc ngân hàng điện tử LienVietPostBank, nói.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng cho rằng những cảnh báo về những thủ đoạn của tội phạm thẻ thời gian qua là cần thiết, bởi nhiều người vẫn lọt bẫy tội phạm khi chúng đưa ra các món lợi như được trúng thưởng, chia thừa kế... dù thủ đoạn này được lặp đi lặp lại.
Người dùng nên đọc các cảnh báo của ngân hàng và cảnh giác trước các chiêu lừa. Không nên quá e dè với các công nghệ thanh toán mới vì tiện dụng và an toàn hơn so với dùng tiền mặt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận