22/08/2019 16:44 GMT+7

Rớt nước mắt nữ sinh điểm cao 'đóng khung giấy báo nhập học làm kỷ niệm'

DOÃN HÒA
DOÃN HÒA

TTO - Cầm giấy báo, lòng Ngọc rối bời chạy đến ôm người mẹ cụt một cánh tay, mắc bệnh hiểm nghèo rồi khóc nức nở. Mẹ Ngọc cũng thắt lòng vì lo cho tương lai của con.

Rớt nước mắt nữ sinh điểm cao đóng khung giấy báo nhập học làm kỷ niệm - Ảnh 1.

Mẹ tàn tật lại mắc bệnh hiểm nghèo, Ngọc phụ giúp mẹ làm các công việc trong nhà - Ảnh: DOÃN HÒA

Đó là hoàn cảnh éo le của bạn Trần Thị Hồng Ngọc - cựu học sinh Trường THPT Nghi Lộc 4, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Ngọc vừa thi đỗ vào khoa báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội với 26,5 điểm.

Vượt khó đến trường

Từ lúc lọt lòng, Ngọc đã thiếu vắng tình thương của cha. Mẹ Ngọc - bà Trần Thị Hạt (57 tuổi) - là một người phụ nữ tàn tật từ tuổi thanh niên.

Bà Hạt kể, năm 23 tuổi, trong một lần lao động công ích ở địa phương, bà bị thân cây đập gãy cánh tay trái. Tại họa giáng xuống bất ngờ trong lúc gia cảnh nghèo đói không có tiền chạy chữa nên cánh tay bà phải cắt bỏ.

Rớt nước mắt nữ sinh điểm cao đóng khung giấy báo nhập học làm kỷ niệm - Ảnh 2.

Bà Trần Thị Hạt khóc nghẹn khi hay tin con đỗ đại học nhưng gia cảnh quá nghèo khó - Ảnh: DOÃN HÒA

Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, bà Hạt nhận ra mình lỡ thì con gái nên quyết định "xin" một đứa con làm nơi nương tựa tuổi già.

Không có ruộng đất, cũng không thể kham nổi những công việc nặng nhọc, bà xin nhận làm văn thư cho xã để kiếm thêm thu nhập. Nguồn sống chính hằng tháng của hai mẹ con là những đồng tiền trợ cấp ít ỏi và phụ cấp văn thư.

Ba năm trước, thấy sức khỏe giảm sút, bà đi bệnh viện kiểm tra thì mới phát hiện mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Cuộc sống hai mẹ con lại càng thiếu trước hụt sau hơn bởi những lần bà Hạt đi viện nhiều hơn ở nhà.

"Ngày mẹ em phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo cũng là những tháng em ôn tập chuẩn bị thi vào cấp III. Lúc đó, đã không ít lần em định nghỉ học rồi kiếm việc nào đó làm để lo cho mẹ. Nhưng rồi thầy cô khuyên bảo, mẹ cũng nói cố gắng học cho hết lớp 12 có tấm bằng tốt nghiệp rồi tính tiếp", Ngọc nhớ lại.

Sớm ý thức được hoàn cảnh gia đình nghèo khó, Ngọc luôn cố gắng chăm chỉ học hành. Năm học nào Ngọc cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Cứ vào dịp nghỉ hè, ngày lễ tết được nghỉ học dài, Ngọc xin đi làm thuê, từ rửa bát, gặt lúa thuê, bưng bê phục vụ quán hàng… đỡ đần cho mẹ.

Rớt nước mắt nữ sinh điểm cao đóng khung giấy báo nhập học làm kỷ niệm - Ảnh 3.

Hai mẹ con Ngọc rớt nước mắt khi Ngọc báo tin đỗ đại học - Ảnh: DOÃN HÒA

"Chỉ sợ đứt gánh giữa đường, tội con"

Hôm nhận giấy báo nhập học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Ngọc cầm tờ giấy báo ra hiên nhà sau ôm mặt khóc: "Tiền đâu để nhập học? Chi phí học tập ở thành phố đắt đỏ không biết liệu mình có thể xoay xở được không? Mình đi học rồi ai lo cho mẹ già đau yếu ở nhà?".

Bà Hạt gặng hỏi thì Ngọc chạy đến ôm mẹ, òa khóc nức nở. "Con đỗ đại học rồi mẹ ơi. Nhưng nhà mình nghèo quá, chắc con nghỉ học để giúp mẹ", Ngọc nghẹn giọng.

Rớt nước mắt nữ sinh điểm cao đóng khung giấy báo nhập học làm kỷ niệm - Ảnh 4.

Những ngày trái gió trở trời, bà Hạt lại đau nhói vì vết thương cũ - Ảnh: DOÃN HÒA

Rớt nước mắt nữ sinh điểm cao đóng khung giấy báo nhập học làm kỷ niệm - Ảnh 5.

Nỗi lo lắng của hai mẹ con trước ngày nhập học - Ảnh: DOÃN HÒA

"Khi nhận giấy báo nhập học, em biết hoàn cảnh gia đình mình không thể đến giảng đường nên chỉ cầm khoe với mẹ như là một thành tích mình đã nỗ lực rồi tính đem đóng khung để cất như là một kỷ vật", Ngọc tâm sự.

Bà Hạt quyết định liều đi vay nóng vài triệu đồng của anh em, hàng xóm để con gái nhập học.

"Nuôi con ăn học vất vả, giờ tôi lại mắc bệnh, lại thêm gánh nặng cơm áo nữa. Biết con học giỏi mà mình không lo được cho con, tôi thấy có lỗi lắm. Tôi chỉ sợ mình đứt gánh giữa đường khi sức khỏe ngày càng yếu đi", bà Hạt rơm rớm nước mắt.

Rớt nước mắt nữ sinh điểm cao đóng khung giấy báo nhập học làm kỷ niệm - Ảnh 6.

Nụ cười hiếm hoi của Ngọc - Ảnh: DOÃN HÒA

Những ngày qua, thầy cô, các thế hệ học trò Trường THPT Nghi Lộc 4 cũng phát lời kêu gọi các cá nhân, tập thể, nhà hảo tâm... hỗ trợ Ngọc.

Cô Nguyễn Thị Nhàn - giáo viên chủ nhiệm của Ngọc - chia sẻ Ngọc là một học sinh ngoan, học giỏi và năng nổ trong các phong trào của trường lớp.

"Hôm nhận được giấy báo, Ngọc gọi điện khoe với tôi và nói có lẽ em sẽ đóng khung rồi treo lên tường làm kỷ niệm thôi. Nghe vậy, tôi cũng không cầm được nước mắt", cô Nhàn tâm sự.

Rớt nước mắt nữ sinh điểm cao đóng khung giấy báo nhập học làm kỷ niệm - Ảnh 7.

Phóng viên báo Tuổi Trẻ tại Nghệ An trao học bổng Tiếp sức đến trường cho Ngọc - Ảnh: NGỌC TÚ

Suất học bổng kịp thời

Sau khi nhận thông tin về hoàn cảnh của bạn Trần Thị Hồng Ngọc có thể lỡ dở việc nhập học, ngày 22-8, báo Tuổi Trẻ đã quyết định trao ngay suất học bổng 10 triệu đồng cho Ngọc từ chương trình Tiếp sức đến trường 2019.

Đón nhận suất học bổng nghĩa tình, Ngọc bày tỏ: "Em rất xúc động và cảm ơn trước tấm lòng của bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã kịp thời chia sẻ, hỗ trợ giúp em lo chi phí nhập học. Em sẽ cố gắng học tập và kiếm việc làm thêm để mẹ đỡ vất vả hơn".

Bà Hạt xúc động nói: "Mấy hôm nay, cả hai mẹ con đều khóc, khóc vì gia đình éo le sợ cháu không đi học được. Suất học bổng kịp thời này của báo Tuổi Trẻ sẽ giúp cháu có chi phí ban đầu đi học. Thương con nên tui cũng phải cố gắng để con an tâm lên đường nhập học".

Được biết, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã quyết định miễn toàn bộ chi phí của khóa học và nơi ăn ở trong ký túc xá cho Ngọc suốt 4 năm theo học tại trường.

1.000 suất học bổng Tiếp sức đến trường hỗ trợ tân sinh viên

Dự kiến, năm học 2019-2020 chương trình sẽ dành khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển ĐH, CĐ với số tiền 10 triệu đồng/suất và 15 triệu đồng cho suất đặc biệt.

Mời ứng viên gửi hồ sơ học bổng năm 2019 TẠI ĐÂY.

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên học giỏi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời qua email: congtacxahoi@tuoitre.com.vn hoặc điện thoại: 028.39973838. Đồng thời, bạn đọc có thể ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện đi lại, dụng cụ học tập... cho tân sinh viên. Đây sẽ là sự hỗ trợ ban đầu và động lực tinh thần để các bạn tự tin viết tiếp ước mơ cuộc đời.

Kinh phí ủng hộ đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực; chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên", hoặc tên các cá nhân độc giả muốn giúp đỡ.

Tiếp sức đến trường trao học bổng Tiếp sức đến trường trao học bổng 'nóng': 'Em sẽ vào trường ngay ngày mai'

TTO - Cầm tờ giấy gọi nhập học, hai học trò nghèo vừa đậu vào ĐH Đà Nẵng là Đỗ Thị Bảo Yến và Nguyễn Tấn Hiếu tần ngần, nước mắt như chực trào.

DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên