Theo Hãng tin Reuters, ngày 6-7, người phát ngôn lực lượng tuần duyên Philippines Jay Tarriela khẳng định Trung Quốc đã đưa tàu lớn nhất của lực lượng hải cảnh nước này vào neo đậu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila ở Biển Đông.
Chia sẻ với một diễn đàn thông tấn, ông Tarriela khẳng định con tàu hải cảnh trên dài đến 165m, đã tiến vào vùng EEZ của Philippines hôm 2-7.
Tuần duyên Philippines khi đó đã cảnh báo con tàu Trung Quốc đang đi vào vùng EEZ của Manila và yêu cầu tàu này khai báo mục đích của việc đó.
"Đó là động thái đe dọa đến từ phía hải cảnh Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không chùn bước và chúng tôi sẽ không bị hăm dọa", ông Tarriela tuyên bố.
Ngoài ra, người phát ngôn lực lượng tuần duyên Philippines cũng cho rằng tàu Trung Quốc trên neo đậu tại vị trí chỉ cách tàu của Manila hơn 700m.
Đến nay, phía Trung Quốc vẫn chưa phản hồi về những tuyên bố của Manila.
Trước đó, trong tuyên bố ngày 24-6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Philippines "nên chấm dứt hành vi xâm phạm và khiêu khích", "hợp tác với Trung Quốc để bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông".
Họ cũng kêu gọi Philippines chấm dứt "các hành vi vi phạm" và "gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế".
Tuyên bố của Manila và Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh thời gian gần đây căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, đáng chú ý ở khu vực quanh bãi Cỏ Mây với các vụ va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu tiếp tế Philippines.
Nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bãi Cỏ Mây cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 1.000km.
Trước đó, ngày 21-6, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước vụ va chạm ngày 17-6 giữa tàu Trung Quốc và tàu tiếp tế của Philippines ở bãi Cỏ Mây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ vụ việc.
Việt Nam đề nghị các bên liên quan kiềm chế tối đa, hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của quốc gia ven biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Việt Nam cũng đề nghị các bên thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tôn trọng và tuân thủ các quy định quốc tế về an toàn hàng hải, hàng không, phòng chống đâm va trên biển, giải quyết các tranh chấp, khác biệt bằng các biện pháp hòa bình, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận