22/10/2020 17:09 GMT+7

Phía sau huyền thoại 'người gốc Á luôn giàu có' ở Mỹ

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Không ít người xem San Francisco là một thiên đường thịnh vượng của người Mỹ gốc Á. Có ai ngờ huyền thoại về những con người vóc dáng nhỏ nhắn, giỏi tiết kiệm và thành công đã trở thành định kiến, ngăn những người khó khăn nhận được hỗ trợ.

Phía sau huyền thoại người gốc Á luôn giàu có ở Mỹ - Ảnh 1.

Khi Mei Chan Lao nói bà ở khu Chinatown (phố Tàu), không ai nghĩ căn phòng thực sự trông như thế này - Ảnh chụp màn hình USA Today

Việc được xem là hình mẫu của thành công, là giàu có ở nơi được cho là thế giới của các cơ hội công bằng liệu có gây hại trong cuộc sống?

Với những người như chị Mandy Rong, câu trả lời là "có" và có rất nhiều cái hại. Như bàn tay ngón ngắn ngón dài, không phải người Mỹ gốc Á nào cũng sống trong giàu sang phú quý.

Nhật báo USA Today của Mỹ đã làm cuộc tìm hiểu sâu về những thân phận ở phố Tàu.

Bệnh không dám đi khám

Mandy Rong đã vô cùng kinh hãi khi đứa con gái 12 tuổi bị nhiễm COVID-19. Lúc đó là 2h sáng, con bé lên cơn sốt và xé sự tĩnh lặng của màn đêm bằng những tràng ho. "Mẹ ơi, sao mắt con cứ nóng như lửa đốt?".

Cầm vài loại thuốc đã hết hạn trong tay, Rong chỉ biết cho con hớp một ngụm nước ấm và tự hỏi liệu con mình có chết trong căn phòng chỉ có 7m vuông ở khu Chinatown (phố Tàu) của San Francisco, nơi người ta vẫn luôn nghĩ là chỗ của những người giàu có. 

Đâu ai biết căn phòng không cửa sổ này là nơi che mưa che gió của 4 con người: hai mẹ con Rong và cha mẹ của cô.

Đêm đầu tháng 3 hôm ấy dường như dài vô tận. Cơn sốt biến mất khi trời sáng nhưng trở lại một tuần sau đó và lại thêm một đêm dài nữa đến.

Xét nghiệm COVID-19 dường như không phải là lựa chọn của Rong. Tin đồn là các cuộc xét nghiệm rất tốn kém, nhưng cái chính là Rong sợ sự kỳ thị của những người hàng xóm. "Nếu con tôi lỡ dương tính, tất cả sẽ nhìn con bé và cả nhà tôi như ma quỷ".

Tòa nhà nơi cả gia đình Rong đang chen chúc cũng là nơi ở của nhiều người gốc Á khó khăn khác. Hành lang chật chội, phòng tắm và bếp dùng chung với nhiều người - một điều kiện lý tưởng cho virus corona chủng mới hoành hành.

Tại một tòa nhà khác trong khu lao động Bayview của San Francisco, mẹ của Xing Tam nhận được kết quả dương tính với COVID-19. Triệu chứng của bà khá nhẹ nên được cho ở nhà nhưng phải cách ly. Căn nhà gần 20 người chen chúc bỗng trở nên ngột ngạt, ai cũng lo sợ mình sẽ trở thành người tiếp theo.

Khi mẹ đã bình phục, Tam mới bắt đầu lo chuyện gì sẽ xảy ra nếu người bệnh là mình. Anh sợ bác sĩ sẽ nói với anh bằng những từ anh không thể hiểu được.

Năm năm trước, những người thân của Tam ở San Francisco thúc giục anh rời tỉnh Quảng Đông và thử vận ​​may ở Mỹ. Khi đã bập bẹ được tiếng Anh, Tam kiếm được chân chạy bàn tại một khách sạn. Rồi COVID-19 ập tới, cuốn trôi công việc của anh.

"Tôi có thể hiểu tại sao một số người nhìn vào người châu Á ở đây và cảm thấy chúng tôi đều khá giả. Chúng tôi làm việc chăm chỉ và tiết kiệm bất cứ khi nào có thể. Nhưng giữa chúng tôi với nhau, cuộc sống đầy rẫy thách thức", Tam tâm sự.

Phía sau huyền thoại người gốc Á luôn giàu có ở Mỹ - Ảnh 2.

Định kiến về người Mỹ gốc Á đã thay đổi sau Thế chiến thứ hai, từ chỗ bị coi là "hiểm họa da vàng" giờ đây họ được coi là một nhóm nhỏ thành công hơn cả người da trắng vì biết tích góp tài sản - Ảnh chụp màn hình USA Today

Bi kịch vì được xem là người giàu

"Có rất nhiều định kiến về người gốc Á. Tất cả chúng tôi đều được nghĩ là những người chăm học, không thích gây sự và chấp hành pháp luật. Ngay cả những người nghèo cũng không gặp vấn đề gì với hệ thống chăm sóc y tế đắt đỏ", Ellen Wu - giáo sư lịch sử tại Đại học Indiana, nói về định kiến ba chữ M với người gốc Á ở Mỹ: Model Minority Myth (tạm dịch: Huyền thoại về nhóm thiểu số kiểu mẫu).

Judy Young, giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Đông Nam Á - một tổ chức phi lợi nhuận ở San Francisco chuyên giúp đỡ dân nhập cư từ Việt Nam, Lào và Campuchia - cho biết 80% những người gốc Á mà cô gặp đã bị mất việc trong đại dịch COVID-19.

Khác với tên gọi, có ít nhất 20 nhóm quốc tịch khác nhau tại Chinatown của San Francisco, từ người Hawaii bản địa, người dân đảo Thái Bình Dương đến người Việt Nam, người Ấn Độ và người Philippines.

Sự đa dạng đó cho thấy thấy cộng đồng gốc Á tại San Francisco là một tập hợp rất lỏng lẻo và mong manh, trái với định kiến "giàu có và đùm bọc".

San Francisco là một trong số ít địa phương ở theo dõi tình hình đại dịch trong cộng đồng người gốc Á. 38% số ca tử vong vì COVID-19 của thành phố là người gốc Á, nhiều hơn bất kỳ nhóm thiểu số nào khác.

Ông Jeffrey Caballero, giám đốc một hiệp hội y tế ở Mỹ, nhận xét tỉ lệ tử vong cao của người gốc Á cho thấy "hoặc là việc xét nghiệm vẫn chưa đủ hoặc người ta đang phải đợi quá lâu để được chăm sóc khi đã mắc bệnh".

Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, thu nhập trung bình hàng năm của các hộ gia đình gốc Á là 73.060 USD, so với 53.600 USD của tất cả các hộ gia đình ở Mỹ. Con số đáng mơ ước cùng những huyền thoại lập nghiệp của "dân da vàng" đã che khuất thực tế khắc nghiệt mà nhiều gia đình gốc Á đang đối mặt.

Tiến sĩ Tung Nguyen, giáo sư y khoa Đại học California cơ sở San Francisco, chua chát thừa nhận định kiến 3 chữ M mà mọi người nghĩ là tốt đẹp đã biến người Mỹ gốc Á thành "những người thua cuộc".

Phía sau huyền thoại người gốc Á luôn giàu có ở Mỹ - Ảnh 3.

Tỉ lệ chết vì COVID-19 của người gốc Á tại San Francisco so với các nhóm khác và tỉ lệ của những nhóm này trong dân số thành phố - Ảnh chụp màn hình USA Today

Người Mỹ gốc Á không phải là một nhóm nhỏ, chiếm tới 5,6% dân số Mỹ. Nhưng không ai biết trong số hơn 8,5 triệu ca mắc COVID-19 ở Mỹ có bao nhiêu là người gốc Á.

Việc thống kê rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng tới việc chính quyền sẽ chi bao nhiêu ngân sách cho các cộng đồng bị tổn thương bởi đại dịch.

Nhóm Mỹ gốc Phi và Mỹ Latinh, thậm chí nhóm người bản địa Hawaii và các đảo Thái Bình Dương, đã được tách ra riêng từ lâu. Nhờ đó ngày nay người ta mới biết nhóm dân các đảo Thái Bình Dương đứng thứ 3 về số người chết do COVID-19, chỉ sau nhóm gốc Phi và Mỹ Latinh. Nhưng nhóm gốc Á thì không.

"Khi Tổng thống Donald Trump liên tục gọi virus corona là "virus Trung Quốc" hay ‘Kung Flu’ (nhại theo chữ Kung Fu), điều đó càng khiến người gốc Á gặp khó khăn khi muốn tìm sự giúp đỡ. Điều này đã từng xảy ra với những người đồng tính vào buổi đầu dịch HIV/AIDS" - Karthick Ramakrishnan, giáo sư về chính sách công tại Đại học California cơ sở Riverside, nêu quan điểm.

Phía sau huyền thoại người gốc Á luôn giàu có ở Mỹ - Ảnh 4.

Một góc khu Chinatown của San Francisco - Ảnh chụp màn hình USA Today

Doanh nghiệp Mỹ đang đổ về Việt Nam vì chống dịch COVID-19 tốt Doanh nghiệp Mỹ đang đổ về Việt Nam vì chống dịch COVID-19 tốt Hạ viện Mỹ Hạ viện Mỹ 'mâu thuẫn' vì nghị quyết lên án cách gọi 'virus Trung Quốc' Brazil Brazil 'khen' vắc xin COVID-19 Trung Quốc nhưng tổng thống 'chắc chắn... không mua'
BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên