
Đây rất có thể là nơi yên nghỉ của một vị vua từng cai trị Thượng Ai Cập từ năm 1640 đến 1540 trước Công nguyên - Ảnh: The Penn Museum
Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra hầm mộ bằng đá vôi quy mô lớn, có nhiều phòng và một lối vào được trang trí công phu tại thành phố Abydos, Ai Cập.
Tuy nhiên, danh tính người được chôn cất trong ngôi mộ xa hoa này vẫn còn là điều bí ẩn.
Hé lộ thông tin về Ai Cập cổ đại
Những kẻ đào trộm mộ đã làm hư hỏng dòng chữ tượng hình được vẽ trên những viên gạch tại lối vào, khiến cho tên của người đã khuất không thể đọc được, theo thông cáo báo chí của Bảo tàng Penn thuộc Đại học Pennsylvania.
Ngôi mộ cũng không chứa hài cốt nào có thể giúp nhận dạng chủ nhân. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thực hiện cuộc khai quật tin rằng đây rất có thể là nơi yên nghỉ của một vị vua từng cai trị Thượng Ai Cập từ năm 1640 đến 1540 trước Công nguyên, thuộc triều đại Abydos.
Đây là một trong những triều đại ít được biết đến nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại.
"Triều đại này hết sức bí ẩn, gần như bị lãng quên khỏi những ghi chép cổ xưa của Ai Cập, tồn tại trong giai đoạn suy tàn và chia cắt chính trị", nhà Ai Cập học Josef Wegner, giáo sư khảo cổ Ai Cập tại Đại học Pennsylvania, cho biết.
Vị pharaoh bí ẩn
Ngôi mộ ở độ sâu gần 7m dưới lòng đất tại một nghĩa địa cổ, còn gọi là "thành phố của người chết".
Hơn một thập kỷ trước, Wegner và nhóm của ông đã phát hiện ngôi mộ đầu tiên trong nghĩa địa, xác nhận sự tồn tại của triều đại Abydos - một dòng dõi từng được nhà Ai Cập học Kim Ryholt đặt giả thuyết lần đầu vào năm 1997.
Các nhà khoa học nghi ngờ ngôi mộ có thể thuộc về vua Senaiib hoặc vua Paentjeni, hai vị vua được nhắc đến trong ghi chép khảo cổ rời rạc của triều đại này, thông qua một tượng đài đặc biệt.
Ngôi mộ vẫn còn hai bức tranh vẽ nữ thần Isis và Nephthys - hai vị nữ thần thường xuất hiện trong các nghi thức tang lễ, như thể đang than khóc người đã khuất.
Các nhà nghiên cứu dự định khảo sát thêm khoảng 10.000m2 địa hình sa mạc của khu vực nhằm tìm thêm các ngôi mộ khác, Wegner nói.
Các vị vua thuộc triều đại Abydos như Seneb-Kay là trường hợp đặc biệt vì họ không xuất hiện trong các danh sách vua chúa mà người Ai Cập cổ từng lưu giữ.
"Các vị vua Ai Cập thích trình bày lịch sử về mình một cách thẳng thắn và họ ghi lại tên các vị vua theo thứ tự. Những vị vua này không có trong đó.
Nên nếu chúng ta chỉ nhìn vào hồ sơ lịch sử, thì không có chỗ nào dành cho họ", nhà Ai Cập học Laurel Bestock, phó giáo sư khảo cổ tại Đại học Brown (bang Rhode Island), nhận định.
Hiện tại, danh tính của vị vua được chôn trong hầm mộ vẫn là bí ẩn, nhưng mục tiêu của Wegner là ngày nào đó sẽ xác định được danh tính của người này để gắn kết ông vào dòng thời gian lịch sử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận