Ở tuổi 20, Khánh Phong có lần đầu tiên dự SEA Games tại Việt Nam vào năm ngoái. Tại nội dung vòng treo môn thể dục dụng cụ, anh chỉ về nhì và nhận huy chương bạc. Thất bại này đa phần đến từ chính bản thân anh. Nhưng rồi chính nhờ vậy mà Khánh Phong đã trưởng thành chỉ sau một năm.
Đứng lên từ một cú trượt chân
Ngay trên sân nhà, trước sự cổ vũ của khán giả nhà ở SEA Games 31, Khánh Phong đã có màn thể hiện xuất sắc. Anh thực hiện những động tác khó trên vòng treo một cách thuần thục, dẻo dai. Nhưng tất cả đều trở nên vô nghĩa chỉ vì một khoảnh khắc.
Cuối bài thi, như bao VĐV khác, Khánh Phong thực hiện cú xoay người bay lượn trên không trước khi tiếp đất. Cú bay này cũng đẹp không kém màn trình diễn trước đó. Vấn đề nằm ở chỗ, cú tiếp đất của anh lại bị lỗi. Khánh Phong đã trượt chân và lao người về phía trước.
Cả với những ai ít theo dõi thể dục dụng cụ thì cũng biết pha tiếp đất như vậy tai hại ra làm sao. Chính bản thân Khánh Phong cũng hiểu điều đó, thể hiện qua thái độ tiếc nuối.
Dĩ nhiên, đối thủ của anh là Carlos Yulo (Philippines) có đẳng cấp thế giới. Nhưng đây chỉ là một phần lý do. Rõ ràng phần nhiều là lỗi của bản thân Khánh Phong. Trong một lần trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ sau này, Phong từng nói không muốn nhắc đến chuyện này vì vẫn thấy buồn. Còn HLV tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam Trương Minh Sang chia sẻ: "Cú tiếp đất tai hại quá. Nếu không có khi Phong đã lấy vàng rồi".
Thấm thoát sau một năm, định mệnh đưa Khánh Phong và Carlos Yulo gặp lại nhau ở chung kết vòng treo tại SEA Games 32. Không chỉ đối diện với kỷ niệm buồn của quá khứ, Phong còn gặp nhiều áp lực khác.
Ở vòng loại, VĐV của Việt Nam giành được số điểm lên đến 14,05. Con số này đủ giúp nhiều VĐV giành huy chương vàng SEA Games. Thế nhưng, Carlos Yulo vẫn vượt lên với thành tích 14,15 điểm. Khi vào chung kết, Yulo được thi đấu trước và giữ được phong độ cao, ghi được 14 điểm.
Còn Khánh Phong lại phải thi sau cùng. Vượt qua mốc 14 điểm là điều không hề đơn giản. Thế nhưng bằng ý chí quyết tâm, lần này Khánh Phong đã làm quá tốt. Không còn là một cú trượt chân, mà là một pha tiếp đất hoàn hảo.
Với màn trình diễn đó, anh được chấm 14,2 điểm và vượt qua Yulo, giành huy chương vàng.
Ý chí vượt qua chính mình
Trong khoảng một năm, Khánh Phong đã biến một cú trượt chân thành tấm huy chương vàng. Anh cho thấy sự tiến bộ rõ rệt về mặt kỹ năng. Nhưng cùng với đó, anh còn tiến bộ cả về ý thức và sự chuyên nghiệp. Bởi anh hiểu rõ đối thủ lớn nhất của anh không phải là Carlos Yulo, mà là chính bản thân mình.
Trước khi bước vào thi đấu, vẻ mặt của Phong lộ rõ sự căng thẳng. Anh ít khi nói chuyện với các đồng đội và ban huấn luyện. Với mọi VĐV, áp lực tâm lý quá nặng nề có thể ảnh hưởng đến khả năng thi đấu.
Nhưng dường như thất bại trong quá khứ đã giúp anh trui rèn được bản lĩnh. Bởi bất chấp vẻ căng thẳng, anh giữ được sự tập trung. Chia sẻ về áp lực khi bước vào thi đấu, Phong nói: "Đã thi đấu thì phải căng thẳng thôi. Không căng thì không phải là thi đấu. Nó là một phần của VĐV chúng tôi rồi".
Phong cũng nói thêm: "Để có được tấm huy chương vàng này, tôi đã phải chuẩn bị rất nhiều. Ngày hôm nay, điều lớn nhất tôi đã làm được là vượt qua chính bản thân mình. Phải vượt qua được chính bản thân thì tôi mới cảm thấy xứng đáng nhận huy chương vàng".
Trước SEA Games 32, Khánh Phong bất ngờ gặp chấn thương. Ngoài chấn thương này, anh còn một chấn thương khác đã tồn tại dai dẳng vì sự khổ luyện. Khánh Phong vì thế đã phải dùng thuốc giảm đau theo sự hướng dẫn của các bác sĩ. Nhịn đau, chịu đựng áp lực, đối mặt với khó khăn rồi bùng nổ đúng lúc, tấm huy chương vàng của Khánh Phong tại SEA Games 32 thật sự là nguồn cảm hứng cho không ít người.
Cùng Tuổi Trẻ đi tìm "Nhân vật truyền cảm hứng tại SEA Games 32"
1. Nội dung:
Trong mọi sự kiện thể thao lớn, luôn có những câu chuyện hay, nhân văn được chuyển tải đến cộng đồng.
Phóng viên và cộng tác viên Tuổi Trẻ tác nghiệp tại SEA Games 32 sẽ phát hiện, ghi nhận và giới thiệu các câu chuyện truyền cảm hứng tại kỳ đại hội này qua các hình thức như bài viết, chùm ảnh hoặc video trên chuyên mục "Nhân vật truyền cảm hứng tại SEA Games 32", đăng tải trên các ấn phẩm của báo Tuổi Trẻ.
Sau khi kết thúc SEA Games, dựa trên những tác phẩm đã được đăng tải, ban giám khảo sẽ bình chọn ba (03) nhân vật truyền cảm hứng ấn tượng nhất tại SEA Games 32. Số điểm của ban giám khảo sẽ chiếm 70% và lượt like của bạn đọc dành cho nhân vật sẽ chiếm 30% tổng điểm để quyết định chọn ba nhân vật truyền cảm hứng tốt nhất.
2. Đối tượng bình chọn:
Tất cả những VĐV, HLV, tình nguyện viên, khán giả và những người góp mặt tại SEA Games 32 có câu chuyện truyền cảm hứng phù hợp với tinh thần và giá trị của kỳ đại hội này đều là đối tượng hướng tới của chương trình.
Đặc biệt, "Nhân vật truyền cảm hứng SEA Games 32" không chỉ trong phạm vi đoàn thể thao Việt Nam mà sẽ mở rộng nhân vật và câu chuyện ấn tượng của các đoàn thể thao khác tại đại hội.
3. Giải thưởng:
Ba nhân vật đoạt giải truyền cảm hứng sẽ nhận được phần thưởng từ chương trình trị giá 20 triệu đồng/giải thưởng. Nếu nhân vật truyền cảm hứng đến từ các quốc gia khác trong khu vực, ban tổ chức sẽ mời sang Việt Nam để nhận giải và giao lưu tại lễ trao thưởng cuộc thi "SEA Games 32 trong mắt tôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận