Hàng tồn kho nhiều, dòng tiền về chậm trong khi hàng loạt chi phí vận hành, chi trả lương không thể hoãn khiến doanh nghiệp (DN) "cõng" lên vai gánh nặng hai đầu đó là dòng tiền và nguy cơ nhảy nhóm nợ.
Do đó nhiều DN đều mong muốn sớm được giãn, hoãn các khoản nợ để có cơ hội "làm lại" khi kinh tế khá lên.
Thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất
Thời gian qua, ông Đinh Hồng Kỳ - chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin - cho biết cũng như các DN ngành vật liệu xây dựng, DN này đang gặp nhiều khó khăn khi đơn hàng xuất khẩu lẫn nội địa đều giảm mạnh.
Trong tháng 3-2023, đơn hàng trong nước giảm 60%, đơn hàng xuất khẩu giảm đến 70%. "Khoảng 40% DN trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng đang trong giai đoạn "thở oxy" hoặc buộc phải ngưng hoạt động và con số này tiếp tục tăng nếu tình trạng này vẫn kéo dài", ông Kỳ dự báo.
Với những ngành vốn sử dụng nhiều lao động, việc thiếu hụt đơn hàng đã khiến rất nhiều DN phải cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng trong khi hàng hóa tồn cả đầu vào lẫn đầu ra.
Ông Nguyễn Văn Khánh - phó chủ tịch Hội Da giày TP.HCM - cũng cho biết nhiều DN phải giãn, giảm giờ làm, thậm chí phải đóng cửa tạm thời do các thị trường truyền thống đều giảm mạnh nhu cầu, đơn hàng giảm.
Ông Phạm Văn Việt - tổng giám đốc Việt Thắng Jeans, phó chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM - cho biết ngành dệt may đang giảm 19% lượng đơn hàng xuất khẩu so với cùng kỳ, trong đó thị trường Mỹ và EU giảm khoảng 40%, thị trường Nhật giảm 17%.
Do đó, những khoản nợ cũ đã đến hạn hoặc chuẩn bị đáo hạn đang là một áp lực rất lớn đối với DN dệt may.
Đang trong giai đoạn đầu tư dự án lắp ráp xe, ông T.V.H. - tổng giám đốc một đơn vị sản xuất ô tô (huyện Củ Chi, TP.HCM) - cho biết đang gặp vô vàn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn với lãi suất cao. Nếu không vay vốn, khả năng sẽ tụt mất đơn hàng.
Nhưng nếu được vay, DN không thể gồng nổi với lãi suất quá cao hiện nay. Theo ông H., DN đang thử nghiệm lắp ráp một mẫu xe tải điện cho đối tác nên phải đầu tư thêm dây chuyền, bổ sung nhân sự.
Tuy nhiên, trong hai năm ảnh hưởng dịch và sức mua ô tô trầm lắng khiến lượng xe tồn kho nhiều, vòng quay vốn không được thuận lợi nên dòng tiền gặp rất nhiều khó khăn. "Giờ vay cũng không dám.
Co cụm để vượt qua giai đoạn này chứ tiền trả lãi, gốc hằng tháng của công ty lên đến vài chục tỉ, không thể liều được", ông H. nói và cho biết DN đang như "cá mắc cạn" vì thấy cơ hội cũng không dám đầu tư. Các vệ tinh liên quan như đại lý, buôn bán phụ tùng, sửa chữa xe... cũng bị ảnh hưởng dây chuyền.
Lo rơi vào "danh sách đen" nợ xấu
Theo ông Nguyễn Kim Thanh - tổng giám đốc Công ty vận tải Kim Phát (quận 12, TP.HCM), đội xe (hơn 30 chiếc) của DN này đang phải nằm bãi vì thiếu nguồn hàng, trong khi tài sản công ty phần lớn nằm ở phương tiện.
"Đứt nguồn hàng, hoạt động ngưng trệ nhưng tiền ngân hàng vẫn phải gồng lên để trả lãi đều đặn, tránh nợ xấu. Đã có nhiều DN trong ngành chấp nhận thanh lý xe cộ để giảm gánh nặng ngân hàng", ông Thanh cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Hòa, chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), cho biết từ đầu năm đến nay, các ngành xuất khẩu chủ lực của TP đều sụt giảm mạnh từ 20-40%. Dù các DN hạn chế mở rộng kinh doanh, nhưng vẫn rất cần nguồn vốn để cầm cự giai đoạn ngặt nghèo này.
"Các DN đang bị chôn vốn lớn vào lượng hàng tồn kho trong khi đầu ra giảm sút, dòng tiền về chậm mà vẫn phải trả lãi, vốn cho các khoản vay cũ dẫn đến nguy cơ cao là DN sẽ nhảy nhóm nợ", ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, với các DN đang gặp khó về đầu ra nhưng nặng gánh lãi ngân hàng, DN đều mong muốn chính sách giãn, hoãn cho các khoản nợ.
Nếu Nhà nước tung ra chính sách giãn nợ sẽ "cứu" DN, giúp DN có đồng vốn giữ lại để chi trả lương cho người lao động, cầm cự trong giai đoạn khó và phục hồi khi kinh tế "ấm lên". Tuy nhiên, cần phải có chính sách giãn theo quy tắc "tịnh tiến đều" để hỗ trợ DN.
"Với các DN vay vốn thời hạn 5-7 năm, có thể kéo dài thành 6-8 năm, tránh tình trạng giãn nợ trong năm nay nhưng lại dồn lại để 2024 trả một lúc cả lãi vay lẫn nợ gốc cho cả hai năm cũng khiến DN "chết".
Việc định giá lại tài sản thế chấp cũng là cái khó khăn đối với DN khi bất động sản hạ giá, ngân hàng lại yêu cầu bổ sung tài sản thế chấp. Do đó, bên cạnh việc giãn nợ, cần có các chính sách "mềm" hơn với các khoản vay vũ, tránh định giá lại tài sản trong lúc khó khăn này", ông Hòa đề xuất.
"Nếu không có các chính sách tái cấu trúc, giữ nguyên nhóm nợ hoặc giãn, hoãn các khoản nợ thì nguy cơ DN chuyển sang nợ xấu rất cao, DN canh cánh nỗi lo nhảy nhóm nợ", ông Việt nói.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, giám đốc Công ty TNHH xây dựng - thương mại Lê Thành, trong bối cảnh sức mua yếu như hiện nay, Chính phủ cần nghiên cứu các chính sách để giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng, đồng thời nghiên cứu chính sách giảm thuế thu nhập DN có thời hạn và gia hạn thời gian đóng thuế cho các DN.
Mong sớm được giãn, hoãn nợ
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ba tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 2,06%. Điều này xuất phát từ tình hình khó khăn tại nhiều lĩnh vực khiến nhu cầu vốn của DN chững lại.
Ông Đào Minh Tú, phó thống đốc NHNN, cho biết NHNN đã nghiên cứu, đề xuất Chính phủ chính sách giãn, hoãn nợ hỗ trợ đối với một số ngành nghề, lĩnh vực đang gặp khó khăn. Khi Chính phủ có nghị quyết về chính sách này, NHNN sẽ kịp thời ban hành thông tư hướng dẫn.
Theo ông Tú, quan điểm của NHNN là sẽ hỗ trợ những đối tượng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, dòng tiền không được như mong muốn. "Tuy nhiên, đối tượng nào, ngành nghề nào được giãn, hoãn nợ trong năm nay sẽ được tính toán kỹ nhằm hỗ trợ đúng cho DN gặp khó khăn.
Song chính sách cũng phải đảm bảo độ an toàn và bản chất nợ của nền kinh tế, không để xảy ra tình trạng nợ xấu bị che giấu dưới hình thức giãn, hoãn này" - ông Tú nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết tại buổi làm việc với HUBA mới đây, NHNN đã ghi nhận cụ thể những trường hợp gặp khó, do HUBA cung cấp, các ngân hàng sẽ xác minh và tìm cách gỡ khó.
"Sau đó ngân hàng có thể giải quyết được hay không cũng phải có trả lời cụ thể, rõ ràng cho DN. Tới đây cứ định kỳ hai tuần hai bên ngồi lại để xem xét cụ thể những phản ánh của DN để làm sao cho ngân hàng - DN có thể gặp nhau", ông Lệnh nói.
Một chuyên gia lĩnh vực ngân hàng cũng cho rằng lãi suất cho vay cần giảm về mức hợp lý, nằm trong mức chịu đựng của DN, nền kinh tế. Vì với mức lãi vay trên 10%/năm thì các DN, đặc biệt ở ngành sản xuất, không gồng nổi, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
"Các điều kiện về tài sản đảm bảo, điều kiện cho vay cũng cần linh hoạt hơn. Còn nếu vẫn giữ điều kiện như trong bối cảnh bình thường, DN vẫn gặp khó trong tiếp cận vốn", vị này nói.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.HCM cho rằng chính sách hoãn, giãn nợ cho DN là điều mà DN và ngân hàng cũng rất mong chờ. Nhưng cần phải có quy định cụ thể, rõ ràng để đảm bảo độ an toàn và bản chất nợ của nền kinh tế, không để xảy ra tình trạng nợ xấu bị che giấu dưới hình thức giãn, hoãn nợ.
"Cần phải có nhiều giải pháp đi kèm để đảm bảo DN, người vay có thể phục hồi và trả được nợ ở thì tương lai, khi áp lực nợ mới và cũ cùng đến, tránh dồn rủi ro cho các ngân hàng", vị này gợi ý.
Phải giảm lãi suất huy động và cho vay
Tại nghị quyết 50 kết luận hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa được Chính phủ ban hành, nội dung đáng chú ý được nhấn mạnh là hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chính phủ giao NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Các tổ chức tín dụng cũng được yêu cầu tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất huy động và cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, DN.
Theo các chuyên gia, đây là tin vui cho những người vay đang gặp khó khăn về dòng tiền vì sẽ không bị chuyển nhóm nợ, có cơ hội "làm lại" khi tình hình kinh tế tốt hơn.
Nếu không, không chỉ DN mà cả các ngân hàng cũng gặp khó vì một khi DN đã vướng nợ xấu ở một ngân hàng, tất cả dư nợ ở các ngân hàng khác của DN này cũng bị chuyển nhóm nợ theo. Các ngân hàng này phải trích lập dự phòng, trong khi DN càng thêm khó khăn do không còn cơ hội vay vốn, quay trở lại kinh doanh khi tình hình tốt lên.
"Với việc hoãn, giãn nợ này, các ngân hàng cũng có thể tiếp tục cho vay với DN, giúp đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng vốn chỉ tăng hơn 2% trong ba tháng đầu năm nay, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh", một chuyên gia nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận