Băng rôn cổ vũ nhân viên y tế trên đường phố Paris - Ảnh: Hồ Vũ
Làm sao phong tỏa được làn hương xuân Paris?
Hơn 12 năm sống với Paris, tôi cũng bị "lây nhiễm" cái phong thái lãng mạn nổi tiếng của người dân xứ kinh đô ánh sáng đầy hoa lệ này.
Hằng năm, đây là những ngày tháng người Pháp hân hoan, rộn rã đón chờ nhất. Bởi lẽ đó là lúc mùa xuân rực lên hương sắc thanh tân nồng nàn tuyệt đỉnh sau những ngày đông u ám, giá lạnh.
Cả một tháng trước ngày có lệnh phong tỏa, bầu trời xám xịt, mưa phùn kéo dài lê thê. Vậy mà đúng vào thứ bảy, một ngày sau khi tổng thống Macron tuyên bố nước Pháp chính thức bước vào tình trạng buộc phải cách ly vì dịch bệnh, trời xanh đến ngút ngàn, nắng vàng trong veo dát mỏng khắp không gian.
Các loài hoa cỏ dại như từ dưới đất nở tràn lên, hoa táo, hoa trà mi và hoa mộc lan bung cánh hồng cánh trắng, bắt đầu vũ điệu mùa xuân của mình.
Sau đôi chút ngần ngại, người Paris vẫn ra trước hiên nhà hay nằm trên thảm cỏ sưởi nắng cho thỏa cơn thèm kéo dài suốt mấy tháng liền. Công viên đóng cửa, nhưng người người vẫn dập dìu đi dạo trong rừng, thưởng thức cuộc picnic mà họ đã đợi chờ cả mùa đông.
Mấy tuần trước đó, dù đã nghe về thông tin dịch bệnh, nhưng đa phần người Pháp chỉ nghĩ rằng đó chỉ là một kiểu cúm mùa hằng năm vẫn cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng mà họ vẫn thường chống chọi.
Vì vậy, trong 20 phút đối thoại với người dân trên truyền hình vào tối thứ hai, thủ tướng Pháp phải nhấn mạnh đến 6 lần rằng nước Pháp đang trong tình trạng "chiến tranh" (Nous sommes en guerre) và kêu gọi người dân phải cẩn trọng tối đa. Từ đó, người Pháp mới hiểu rằng những gì họ đang đối mặt thực sự nghiêm trọng.
Hướng dẫn phòng dịch của chính phủ Pháp - Ảnh: Hồ Vũ
Từ trưa thứ 3, lệnh cách ly toàn bộ nước Pháp chính thức được ban hành. Muốn ra khỏi nhà, tôi phải trình bày trong giấy phép thông hành với một trong năm lý do khẩn cấp:
1. Đi từ nhà đến chỗ làm nếu ko thể làm việc từ nhà,
2. Đi mua nhu yếu phẩm,
3. Lý do sức khỏe,
4. Giúp đỡ người thân gặp khó khăn,
5. Tập thể dục một mình nhanh gọn gần nhà hoặc dắt chó đi dạo.
Là người gốc Việt, từ khi nghe tin tức ở quê nhà, vợ chồng tôi đã lo tích trữ thức ăn đủ dùng trong hai tuần. Dù biết mình cần hạn chế ra ngoài, nhưng khi vợ tôi nhìn qua khung cửa sổ và bảo: "Anh ơi, hoa táo nở rồi kìa!", chúng tôi quyết định điền vào giấy thông hành, xin phép đi tập thể dục, để tranh thủ ngắm những nhành hoa táo đầu tiên.
Những cánh hoa mỏng tang không chỉ khiến chúng tôi rung động trước cái đẹp, mà còn cảm thấy nhẹ lòng, bình an và thanh thản giữa những ngày lắm lo âu.
Chốc chốc, vợ chồng tôi phải vờ làm vài động tác thể dục quanh nhành hoa táo để cho "phù hợp" với lý do xin đi ra ngoài. Dù ở chung nhà, nhưng chúng tôi vẫn đứng cách xa nhau 1 mét để thực thi theo khuyến cáo phòng chống lây nhiễm, thể hiện ý thức công dân.
Ngay khoảnh khắc ấy, tôi ước ao, chỉ cần được như mùa xuân năm trước thôi, vợ chồng tôi tay trong tay, cùng ngước nhìn nhành táo mùa xuân nhỏ nhắn, thanh tao.
Nhưng dẫu sao, điều kỳ diệu nhất bây giờ, là táo đang nở hoa.
Người già nương tựa vào đâu?
Cách nhà tôi mấy căn, có một bà cụ hàng xóm 92 tuổi sống một mình. Bình thường, ngày nào chúng tôi cũng thấy cụ đi lại bên ngoài chung cư, nhưng từ khi công bố dịch, bẵng mấy hôm liền, chúng tôi chẳng thấy bóng dáng cụ đâu. Hai vợ chồng cũng đâm lo lo, đôi lúc mở cửa ngóng qua cánh cửa nhà cụ xem động tĩnh.
Hôm chủ nhật, đúng ngày chợ phiên của khu phố, thấy dáng cụ đang đi dưới sân, chúng tôi vội lao ra ban công, vẫy chào và nói vọng xuống từ lầu 3 để hỏi han cụ, vui mừng khôn tả.
Những phiên chợ họp hai, ba lần mỗi tuần trên mảnh đất trống của khu phố là một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người Pháp, chủ yếu để những người láng giềng gặp gỡ nhau trong khi trao đổi rau củ, thịt cá, vật dụng gia đình,... Và bà cụ hàng xóm của chúng tôi không thể ngưng được niềm vui hằng tuần ấy. Như mọi khi, cụ mặc bộ váy thật đẹp, tay cầm chiếc ô nhỏ.
Mọi người đến chợ vội vàng hơn, ít cười nói hơn, nghiêm chỉnh chấp hành khoảng cách 1m, nhưng lòng ai rộn một niềm vui vì thấy mình vẫn đang hoạt động giữa lúc trận dịch hoành hành và đóng băng nhiều quốc gia.
Ở sảnh chung cư, những tờ thư gửi cho các cụ già với lời nhắn nhủ nếu các cụ có cần mua thức ăn, đồ dùng hằng ngày thì hãy gọi đến các số điện thoại của cư dân tình nguyện, sẽ có người đến giúp đỡ các cụ.
Những lời nhắn ấy không chỉ làm ấm lòng người già neo đơn, mà cả những người trẻ chúng tôi, bởi ngày nào đó chúng tôi cũng sẽ già đi và chỉ mong, trong cơn hoạn nạn, gặp được những tâm hồn tử tế như thế.
Những cộng đồng cửa sổ và ban công
Đã một tuần sống trong tình trạng bị phong tỏa trôi qua. Ở từng căn hộ, cửa sổ và ban công là không gian chúng tôi hiện diện nhiều nhất, để nhìn được thế giới bên ngoài, để thấy mình gần gũi với cộng đồng.
Lời hẹn vỗ tay lúc 20h để cảm ơn nhân viên y tế cùng cảnh sát - Ảnh: Hồ Vũ
Cũng như ở Ý và Tây Ban Nha, người Pháp hẹn nhau vỗ tay vào lúc 20h để cảm ơn các nhân viên y tế và cảnh sát ở tuyến đầu đã vất vả chống dịch, đồng thời, cũng để tìm kiếm sự giao kết với nhau sau một ngày cách ly dài dặc.
Từ những ô cửa sổ, những dáng người hiện ra, tiếng vỗ tay, tiếng huýt sáo rộ lên, vang động, hòa vào nhau, khiến cho cả không trung rộn rã âm thanh con người. Đêm nào nghe tiếng vỗ tay, vợ chồng tôi cũng cảm động, thấy lòng nghẹn lại trước sự gắn kết giản dị mà thiêng liêng của cộng đồng.
Người dân vỗ tay trên ban công lúc 20h - Video: Hồ Vũ
Trên mạng, rất nhiều người lo ngại dịch bệnh sẽ tạo ra khoảng cách và sự im lặng, nhưng dường như, tôi thấy bao giờ con người cũng cần có đồng loại và chúng ta sẽ tìm ra cách để cất lên âm thanh của loài mình, dẫu hoàn cảnh sống có cùng cực đến đâu đi chăng nữa.
Giữa tâm dịch, có nhiều câu chuyện khiến tôi thấm thía rằng, cuộc đời này thật đáng sống. Ngày 19-3, có một nhóm 40 người Việt Nam trở về nước từ sân bay Paris Charles de Gaulle. Sau khi đã hoàn tất thủ tục xuất cảnh và ngồi chờ đến giờ lên máy bay, họ nhận được tin chuyến bay bị hủy.
Lúc đó, chính phủ Pháp đã ban lệnh phong tỏa biên giới và họ trở thành những người ở trong vùng quốc tế (international zone), tiến thoái lưỡng nan. Sau đó, chính phủ Việt Nam đã cho máy bay đến để đưa họ về nước.
Chuyến trở về này có lẽ là một kỷ niệm khó phai trong suốt cuộc đời họ. Và tôi tin rằng, có thể, khi chạm chân xuống đất đai Tổ quốc, họ sẽ thấy một niềm vui, một niềm thương kỳ lạ với quê hương.
Trong hoàn cảnh gian khó, tập đoàn nổi tiếng như LVMH, Pernod Ricard quyết định ngưng sản xuất nước hoa, rượu và chuyển sang sản xuất dung dịch rửa tay miễn phí cho nhân viên y tế.
Nhà hát Garnier (nhà hát opera lớn nhất Paris) phát miễn phí các chương trình biểu diễn nhạc kịch trên trang web của mình. Tập đoàn sách FNAC cũng cung cấp 500 đầu sách miễn phí cho người dân. Hơn 100 ngàn cảnh sát được huy động để thực thi lệnh phong tỏa.
Giữa không khí im lặng đầy lo âu, một viên cảnh sát đã nhảy những vũ điệu tươi vui giữa đường phố Paris để giúp mọi người giải tỏa căng thẳng. Bên cạnh mối quan tâm về sinh mệnh, thể lý, người Pháp đã nhanh chóng chăm sóc nhau về tinh thần với những san sẻ thiện lành.
Ở Pháp, trên tấm bảng hướng dẫn cách phòng chống virus corona, có dòng chữ mà người ta sẽ thấy ít hoặc không xuất hiện ở các quốc gia khác: Không ôm hôn khi chào hỏi nhau.
Có thể, chính những khuyến cáo này khiến cho người ta càng khao khát được sống như ngày bình thường, làm những điều bình thường, quen thuộc đến mức nhiều khi không ý thức đến sự tồn tại của chúng. Rồi khi không còn bình thường được nữa, chúng ta khát khao sự đơn giản đến tận cùng.
Tôi ngước mắt ngắm nhìn hoa táo lần cuối, trước khi quay trở về và nhớ đến những câu thơ nổi tiếng của Guillaume Apollinaire:
"Dưới cầu Mirabeau, dòng sông Seine trôi chảy
Và cuộc tình chúng ta cũng vậy
Biết có cần nên nhớ lại không
Sau nỗi buồn mênh mông
niềm vui thường xuất hiện" (Hoàng Nguyên Chương dịch)
Và tôi tin niềm vui sẽ xuất hiện, như dòng sông Seine vẫn chảy, dưới cầu Mirabeau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận