Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay tại Nhà Trắng - Ảnh: AFP
Lý do đơn giản vì cao nguyên Golan là vùng đất Israel từng chiếm đóng của Syria sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tới nay vẫn xem đây là hành động phi pháp.
Năm 1981, Israel thông qua luật chính thức sáp nhập cao nguyên Golan vào lãnh thổ. Liên Hiệp Quốc cũng đã không công nhận việc sáp nhập này. Năm 2018, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc còn ra nghị quyết kêu gọi Israel lập tức rút quân khỏi cao nguyên Golan sau một cuộc bầu cử địa phương ở đây, nơi vẫn còn khoảng 27.000 người Syria đang cư ngụ.
Nhưng đúng như những gì đã thông báo trước trên Twitter giữa tuần qua, Tổng thống Mỹ Trump đã chính thức ký vào tuyên bố công nhận cao nguyên Golan là lãnh thổ Israel.
Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 25-3, ông Trump ca ngợi mối quan hệ "mạnh mẽ" giữa Mỹ và Israel, trong khi ông Netanyahu gọi chữ ký của ông Trump là "công lý mang tính lịch sử" và là một "thắng lợi ngoại giao".
Tổng thống Trump ký tuyên bố công nhận cao nguyên Golan là lãnh thổ Israel - Ảnh: Twitter/Noa Landau
Động thái của ông Trump nêu trên một lần nữa đưa vị tổng thống này thành tâm điểm trên chính trường quốc tế, khi đảo ngược chính sách của Mỹ đối với khu vực này vốn dĩ đã duy trì hơn 50 năm qua. Trước đó, cũng chính ông Trump gây tranh cãi và bị các đồng minh chỉ trích với quyết định di dời đại sứ quán Mỹ về Jerusalem. Nó đồng nghĩa Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, trong lúc đây vẫn là vùng đất tranh chấp giữa người Israel và Palestine.
Với Israel, mà cụ thể là Thủ tướng Netanyahu, đây chẳng khác gì một món quà chính trị khổng lồ mà ông Trump "trao tặng".
Trong bối cảnh vướng áp lực chính trị từ trong nước, ông Netanyahu bỗng thấy vị thế của mình được nâng lên đáng kể với thắng lợi ngoại giao này, ngay vài tuần trước khi cuộc bầu cử ở Israel tiến hành (ngày 9-4).
Nhưng cũng tương tự vụ Jerusalem, bản thân chính quyền Tổng thống Trump hứa hẹn sẽ vấp phải vô vàn chỉ trích từ nước ngoài. Syria (tất nhiên), Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Liên đoàn Ả Rập… là những nước phản đối động thái công nhận cao nguyên Golan là lãnh thổ Israel.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận