Tàu sân bay USS Abraham Lincoln được triển khai tới vùng Vịnh - Ảnh: AFP
Với Mỹ, tình hình đang khá nghiêm trọng
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 15-5 khẳng định Mỹ không muốn chiến tranh với Iran. Dù vậy, thực trạng mối quan hệ Washington - Tehran rõ ràng đang rất xấu.
Hôm 5-5, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, một nhân vật bị nhận xét có khuynh hướng "diều hâu" trong nội các ông Trump, tuyên bố triển khai nhóm tàu tác chiến do tàu sân bay USS Abraham Lincoln dẫn đầu đến vùng Vịnh.
Đi kèm hàng không mẫu hạm lớp Nimitz này là lực lượng máy bay ném bom B-52. Vài ngày sau, Lầu Năm Góc bổ sung một hệ thống tên lửa Patriot và tàu tấn công đổ bộ.
Ông Pompeo ở Sochi (Nga) khẳng định "về cơ bản không muốn chiến tranh" với Iran, còn Tổng thống Trump trong dòng trạng thái ngày 15-5 kỳ vọng áp lực lên Iran sẽ giúp đưa Tehran trở lại bàn đàm phán.
Tuy vậy, song song với những phát biểu đó, tờ New York Times tuần trước đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã trình Nhà Trắng bản kế hoạch phản ứng khi bị Iran tấn công, bao gồm việc triển khai 120.000 lính Mỹ tới khu vực Trung Đông.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: AFP
Hãng tin AFP nói đây không phải số lượng đủ để xâm lược Iran, nhưng đủ để tấn công nước này từ biên giới. Bản thân tờ New York Times thì bi quan hơn khi cho rằng đó là quy mô gần với những gì Mỹ thể hiện trong lần xâm lược Iraq năm 2003.
Và ít nhất nếu kế hoạch được triển khai y như vậy, Lầu Năm Góc thời ông Trump sẽ đảo ngược nỗ lực của chính quyền cựu tổng thống Barack Obama về việc rút quân khỏi Iraq năm 2011.
Như để bổ sung những tình tiết căng thẳng về nguy cơ chiến tranh, Mỹ vừa qua yêu cầu rút bớt nhân viên ngoại giao ở nước này.
Với đồng minh thì chưa chắc
Iran tính tới nay chưa đưa ra bất kỳ mối đe dọa trực tiếp nào về việc triển khai quân sự của Mỹ. Cùng lắm, Hãng thông tấn trung ương Iran IRNA ngày 15-5 chỉ dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Amir Hatami nói sẽ "đánh bại mặt trận Zion-Mỹ", ý đề cập tới liên minh Mỹ và Israel.
Tuy vậy, các nhà phân tích tại Washington vẫn giữ mối lo về việc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran đã âm thầm triển khai một cuộc tấn công nhằm trả đũa sau khi bị Mỹ gắn mác tổ chức khủng bố hồi tháng 4.
Giới quan sát tuy vậy cho rằng Mỹ đang cường điệu hóa "mối nguy hiểm" từ Iran, một phần vì các nước lớn ở châu Âu như Anh, Pháp và Đức đều không hài lòng với quyết định của ông Trump về việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Tới nay, quân đội Anh, Hà Lan và Đức trong liên minh chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria đều xem nhẹ mối đe dọa từ Iran, ít nhất trong thời điểm này.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói Berlin "vẫn tôn trọng thỏa thuận hạt nhân và xem đây là nền tảng để đảm bảo Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân trong tương lai, và chúng tôi xem đó như sự hiện diện cho an ninh".
Châu Âu ở thế khó vì họ cũng là đồng minh thân cận của Mỹ. Đức và Hà Lan được biết vẫn tạm ngưng các cuộc tập luyện quân đội ở Iraq vì tình trạng báo động hiện nay.
Phản ứng rõ ràng nhất thuộc về Tây Ban Nha khi nước này đã rút tàu hộ vệ Mendez Nunez khỏi nhóm tàu tác chiến của USS Abraham Lincoln, khẳng định chỉ hành động theo tiếng gọi của NATO và EU.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận