Sáng 13-5, phát biểu khai mạc phiên họp 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch thường trực, điều hành hoạt động Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết phiên họp dự kiến diễn ra 3 ngày.
Tại phiên họp sẽ cho ý kiến với 14 nhóm nội dung và cho ý kiến bằng văn bản với 5 nhóm nội dung.
Xem xét nhiều nội dung liên quan lập pháp
Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về nội dung dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Về công tác lập pháp, theo ông Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Cùng với đó, cho ý kiến dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung nghị quyết 119/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Cho ý kiến dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
"Các nội dung này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại phiên họp 32. Đối với dự thảo 2 nghị quyết, Bộ Chính trị đã có các nghị quyết, kết luận.
Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến hồ sơ nội dung từng dự án, dự thảo...", ông Mẫn nêu.
Xem xét nhiều nội dung về kinh tế - xã hội
Về công tác giám sát, các vấn đề kinh tế - xã hội, theo ông Trần Thanh Mẫn, tại phiên họp cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, trong đó có nội dung báo cáo thực hiện quy định tại khoản 6 điều 3 của nghị quyết số 91/2023 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và nghị quyết 94/2019 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Cùng với đó là cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 và tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 7...
Về các vấn đề quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với 4 nội dung, trong đó có quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035...
Bên cạnh đó, cũng cho ý kiến lần cuối vào việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 và tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 7.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào 2 nội dung thuộc thẩm quyền là xem xét dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định tại khoản 4 điều 15 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đồng thời, xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 4-2024.
Ông Mẫn nêu rõ đây là phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát, xem xét những nội dung còn lại trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 và xem xét các điều kiện đảm bảo kỳ họp.
Ông Mẫn thông tin thêm để đảm bảo chất lượng, tiến độ, tài liệu, nội dung kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 2 văn bản đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện nội dung thuộc trách nhiệm, gửi sớm tài liệu để Quốc hội nghiên cứu, tham gia ý kiến.
"Lần này, nếu Chính phủ có báo cáo, tờ trình nào, chúng tôi sẽ gửi cho đại biểu ngay và sau đó, nếu bổ sung sẽ tiếp tục gửi cho đại biểu. Còn Hội đồng Dân tộc, các ủy ban thẩm tra sẽ tiếp tục gửi cho đại biểu.
Theo quy định phải gửi tài liệu trước 1 tuần cho đại biểu, do đó, đề nghị Phó thủ tướng rà soát lại các bộ ngành có liên quan đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu hay chưa và tiếp tục gửi...", ông Mẫn nói thêm.
Ông cũng cho biết thêm Đảng đoàn Quốc hội và Chính phủ sẽ có cuộc họp rà soát các công việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận