15/07/2020 21:52 GMT+7

Ông Tập điện mừng thủ tướng Singapore để 'nhắc nhẹ' chuyện Biển Đông?

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gọi điện chúc mừng Thủ tướng Lý Hiển Long tái đắc cử, tuyên bố sẽ cùng Singapore 'vượt qua những điều phân tâm' để bảo vệ sự ổn định khu vực.

Ông Tập điện mừng thủ tướng Singapore để nhắc nhẹ chuyện Biển Đông? - Ảnh 1.

Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Regan hoạt động tại Biển Đông - Anh: EPA

Theo báo South China Morning Post (SCMP), ngày 14-7 ông Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Trong đó, bên cạnh việc gửi lời chúc mừng ông Lý vừa giành thêm một nhiệm kỳ mới, ông Tập cũng nói tới việc Trung Quốc sẽ cùng với Singapore "vượt qua những phân tâm" để bảo vệ ổn định khu vực.

Nhắc 30 năm quan hệ

Một số chuyên gia nhận định những lời này của ông Tập có thể hiểu như một sự nhắc khéo Singapore không nên chọn đứng về phía nào trong những xung đột căng thẳng hiện nay giữa Washington và Bắc Kinh về Biển Đông và một loạt vấn đề khác như thương mại, nhân quyền…

Thời điểm ông Tập gọi điện chúc mừng ông Lý cũng là yếu tố được giới quan sát chú ý. Một ngày trước cuộc điện mừng, Washington tuyên bố bác bỏ hầu hết các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, và Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã lên tiếng cáo buộc Mỹ làm rối loạn hòa bình và ổn định tại vùng biển tranh chấp.

Hãng tin Tân Hoa xã đưa tin về nội dung điện đàm: "Ông Tập nói mối quan hệ song phương đang ở một điểm khởi đầu lịch sử mới, và hai bên nên tổ chức các hoạt động chào mừng theo những cách thức linh hoạt và đa dạng để tăng thêm sự ủng hộ của công chúng với quan hệ hữu nghị giữa hai nước".

"Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Singapore để vượt qua những phân tâm và cùng bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực", thông báo tiếp.

Ngoại trưởng Singapore phát thông cáo ngắn gọn gồm 3 đoạn, cho biết ông Tập đã gọi điện cho ông Lý, nhắc tới sự kiện kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ Trung Quốc - Singapore. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh quan hệ hợp tác trong giải quyết hệ lụy từ đại dịch COVID-19.

Cùng ngày 14-7, ông Tập Cận Bình cũng điện đàm với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha để thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có tăng cường hợp tác để tìm ra thuốc điều trị COVID-19.

Thái Lan và Philippines là 2 nước duy nhất trong 10 quốc gia thành viên ASEAN có quan hệ đồng minh an ninh với Mỹ.

"Một thông điệp cảnh báo"?

Mặc dù một số nhà quan sát cho rằng nội dung trao đổi vừa nêu chỉ là một cuộc điện đàm thông thường sau bầu cử của chủ tịch Trung Quốc, tuy nhiên cũng có những người không nghĩ thế.

Tờ Thời Báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn nhận định của ông Chen Xiangmiao - nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu quốc gia Nam Hải (Trung Quốc) - cho rằng việc ông Tập điện đàm với hai nhà lãnh đạo của Singapore và Thái Lan, "hai trong số các nước châu Á quan trọng nhất, rõ ràng đã gửi đi tín hiệu tới Mỹ là mối quan hệ của Trung Quốc với các nước trong khu vực không mong manh như Washington hình dung".

Ông Chen cũng cho rằng vì "Singapore được mệnh danh là 'nhà chiến lược' trong khu vực và vì ông Lý đã tuyên bố các nước ASEAN không muốn chọn đứng về phía Trung Quốc hay Mỹ, điều này về cơ bản sẽ mang tính định hướng cho lập trường của các nước châu Á khác với hai cường quốc".

Trong khi đó, ông Dylan Loh - phó giáo sư ngành quốc tế học tại ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) - nhận định "những sự phân tâm" mà ông Tập nhắc tới trong cuộc điện đàm có thể là sự ám chỉ tới vấn đề Biển Đông, cùng "lời nhắc nhở nhẹ nhàng là mối quan hệ Singapore - Trung Quốc còn lớn hơn" những gì đang xảy ra ở vùng biển tranh chấp.

Còn ông Drew Thompson - cựu quan chức Lầu Năm Góc từng phụ trách quản lý các mối quan hệ song phương với Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ - cho rằng cuộc điện đàm giống như một sự răn đe bóng gió với Singapore liên quan tới động thái của Mỹ.

"Nó có thể là lời nhắc nhẹ với Singapore nếu họ không ủng hộ Trung Quốc trong những vấn đề này, Trung Quốc có thể gây ra những sự phân tâm như họ từng làm lần trước với Singapore", ông Thompson nói.

Ông Thompson nhắc lại việc mối quan hệ Singapore - Trung Quốc đã được thử thách vào tháng 11-2016, khi 9 chiếc xe bọc thép của Singapore từ Đài Loan trở về sau khi quân đội Singapore tiến hành đợt huấn luyện định kỳ tại đó đã bị giữ lại Hong Kong.

Theo ông Thompson, động thái đó dẫn tới những ngờ vực rằng Trung Quốc muốn cảnh báo Singapore về mối quan hệ gần gũi với Đài Bắc. "Đó là một sự 'phân tâm'", ông nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng cuộc trao đổi mới nhất "là tuyên bố mập mờ đầy chủ ý nhằm đánh động nỗi sợ hãi tâm trí của một nước nhỏ hơn" và khiến nước nhỏ hơn đó quyết định những điều sợ hãi nhất của họ là gì và Trung Quốc có thể hiện thực hóa những gì trong đó.

Việt Nam lên tiếng về tuyên bố lập trường của Mỹ ở Biển Đông và yêu sách của Trung Quốc Việt Nam lên tiếng về tuyên bố lập trường của Mỹ ở Biển Đông và yêu sách của Trung Quốc

TTO - Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 15-7 khẳng định hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên