Khởi hành từ căn cứ không quân Andrews, gần thủ đô Washington, ông Biden dự kiến tới New Delhi (Ấn Độ) ngày 8-9.
Ông Biden và cam kết của Mỹ tại G20
Báo chí quốc tế nhận định ông Biden sẽ tận dụng G20 như một cách thu hút các nền kinh tế đang phát triển, đưa ra thông điệp của Mỹ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin vắng mặt.
Hiện Mỹ đang có cuộc cạnh tranh sức ảnh hưởng gắt gao với Trung Quốc. Reuters nhận định khi ông Biden tới New Delhi, thông điệp mà tổng thống Mỹ dành cho các nước đang phát triển sẽ rất cụ thể: bất kể chuyện gì xảy ra đối với nền kinh tế Trung Quốc, Mỹ cũng có thể tài trợ cho sự phát triển của các bạn.
Trung Quốc lâu nay đã gia tăng sức ảnh hưởng đối với các nền kinh tế đang phát triển, có tăng trưởng nhanh ở châu Phi, Nam Mỹ, và châu Á.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trình bày kế hoạch Vành đai và Con đường đầy tham vọng, kết nối các tuyến giao thương xuyên suốt như mô hình Con đường tơ lụa trong quá khứ.
Các quốc gia tham gia Vành đai và Con đường nhận hàng tỉ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng, một chi tiết có thể giúp củng cố vị thế của Trung Quốc.
Tại Ấn Độ, ông Biden sẽ dựa vào nguồn tiền từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) và lời hứa về sự gắn kết của Mỹ để làm đối trọng, theo Reuters. Ông sẽ cố gắng thuyết phục các nước trên rằng Mỹ là sự lựa chọn thay thế cho Vành đai và Con đường.
Trọng tâm trong các đề xuất của ông Biden là kế hoạch cải cách World Bank, tăng cường tài trợ cho các khoản viện trợ chi cho cơ sở hạ tầng và vấn đề khí hậu của các nước đang phát triển. Điều này có thể giải phóng hàng trăm tỉ USD đối với các khoản cho vay và mượn.
Không dễ cho ông Biden
Trong một động thái dường như nhằm thể hiện vai trò quan trọng của Vành đai và Con đường, hôm 7-9, Trung Quốc cho biết 90 quốc gia trên thế giới đã xác nhận tham gia hội nghị về sáng kiến này, dự kiến tổ chức tháng 10 tới.
Ông Zach Cooper, nhà nghiên cứu cấp cao về châu Á tại Trung tâm nghiên cứu American Enterprise Institute, nhận xét rằng sự vắng mặt của ông Tập tại G20 mang tới một thời cơ cho Mỹ. Thời cơ này còn được nhấn mạnh ở chỗ kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và có thể ảnh hưởng tới Vành đai và Con đường.
Nhưng câu hỏi ở đây là liệu Mỹ sẽ có thể xúc tiến các nỗ lực này không. Hai trong số các mục tiêu cụ thể của ông Biden giai đoạn này là quản lý sự cạnh tranh với Trung Quốc, và thuyết phục các nước phản đối cuộc chiến của Nga tại Ukraine.
Theo Reuters, các kế hoạch này tương đối thành công với các đối tác truyền thống, nhưng ít được các nước đang phát triển hưởng ứng, như Brazil, Ấn Độ và Nam Phi. Họ đều tránh rơi vào vòng xoáy cạnh tranh Mỹ - Trung hay căng thẳng Mỹ - Nga, kể cả khi muốn tăng đầu tư từ phương Tây.
Khulu Mbatha, từng là cố vấn chính sách đối ngoại cho Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, nói: "Chúng tôi phải có khả năng vận động mà không cần chọn phe, cũng giống như trong trường hợp Ukraine".
Nhiệm vụ của chính quyền ông Biden sẽ càng khó khăn hơn khi nhóm các nền kinh tế BRICS đang muốn mở rộng sức ảnh hưởng. BRICS là chữ viết tắt từ tên của năm nước gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận