11/09/2018 11:29 GMT+7

Nữ doanh nhân Ca Dong

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TTO - Ở thị tứ Tắk Pỏ, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam từ vài năm nay có cửa hàng dược liệu đặc sản của vùng cao Ngọc Linh, chủ nhân là một phụ nữ Ca Dong - chị Hồ Thị Mười, người Xơ Đăng...

Nữ doanh nhân Ca Dong - Ảnh 1.

Chị Hồ Thị Mười cùng một công nhân Xơ Đăng vô bao bì sản phẩm giảo cổ lam đã sơ chế - Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ

Cửa hàng của chị Hồ Thị Mười nằm ngay bên con đường dẫn đến quốc lộ 40B để đến các xã nằm ở sườn đông Ngọc Linh. 

Từ ngoài đường nhìn vào đã thấy các tủ hàng bày kín các dược liệu sơ chế chứa trong bao bì có nhãn hiệu, các loại dược liệu đang phơi/sấy tỏa ra hương thơm.

Chuyện buôn bán chắc là nó khó lắm? Nhưng người ta làm được thì mình cũng có thể làm được chứ? Tại sao bản thân mình không thử làm?

Doanh nhân HỒ THỊ MƯỜI

Chưa rành việc nhưng cứ làm

"Mình đang sấy một ít giảo cổ lam còn lại. Nó đã được phơi nắng nhưng cũng cần sấy lại để vô bao bì được an toàn" - chị Mười nói khi đứng bên máy sấy. Vừa sấy xong, chị lại cùng cô công nhân trẻ người Xơ Đăng lấy ra bao hồng đẳng sâm để cho vô bao bì. 

"Mình lúc mô cũng bận. Vì còn làm việc ở trạm khuyến nông huyện mà - chị Mười vừa làm vừa nói - Bởi rứa mình thường phải làm thêm ban đêm. Chuyện mua bán cực nhưng được cái là nó làm mình thấy phấn khởi...".

Nhưng quả là không dễ khi một phụ nữ Ca Dong có gia đình, luôn đi công tác ở các xã rẻo cao lại lao vào chuyện kinh doanh là việc làm quá mới mẻ với người vùng cao. 

"Mình cứ tính tới tính lui miết, tính lâu lắm rồi mới vô việc đó!" - Mười nói về việc khởi nghiệp kinh doanh của mình.

Thực ra ý nghĩ làm kinh doanh đã quanh quẩn trong đầu cô gái Ca Dong vốn sớm biết tính toán. Mười tốt nghiệp trung cấp tài chính - kế toán trước khi vào làm ở trạm khuyến nông huyện. 

Thấy người miền xuôi buôn bán ở thị tứ, ở thành phố ai cũng khá giả, giàu có, nhiều lần Mười đã tự hỏi tại sao người vùng cao mình xưa nay không ai biết buôn bán, kinh doanh? 

Chuyện buôn bán chắc là nó khó lắm? Nhưng người ta làm được thì mình cũng có thể làm được chứ? Tại sao bản thân mình không thử làm?" - Mười nhắc lại những trăn trở một thời của mình.

Và rồi Hồ Thị Mười đã vào cuộc thật sự sau một thời gian len lỏi tìm kiếm một loại hình kinh doanh có thể vừa giúp được cho dân làng cũng vừa hợp với điều kiện của mình. 

Từ những chuyến công tác ở cơ sở, Mười nhận ra vùng dược liệu Ngọc Linh quê mình phong phú về chủng loại, tốt về chất lượng, như lá tuyết nhung, sâm nước, sâm cau đỏ, hồng đẳng sâm, sơn tra, giảo cổ lam, ngũ vị tử, chè dây, khổ qua rừng... 

Nhưng thật đáng tiếc, khi thu hái bà con đã không bán hết được, phải vứt bỏ một số vì chất lượng kém do cách thu hái, phơi phóng, bảo quản không đạt. Rồi đến một số dược liệu trồng bí đầu ra, bị người mua ép giá.

Biết là mình đã tìm ra "lối đi", lặng lẽ Hồ Thị Mười lên mạng tìm hiểu mọi thông tin về các loại dược liệu thảo mộc có ở quê mình, lập trang web, Facebook cá nhân cho việc kinh doanh dược liệu bước đầu của mình. 

"Mình thu mua dược liệu của bà con ở vùng Ngọc Linh tức là Nam Trà My bắt đầu từ năm 2013. Ít vốn, lại chưa rành việc buôn bán, nhưng mình quyết phải làm, vừa làm vừa học. Cái ngày mình được bà con đem hàng tới bán, được khách hàng hỏi mua, chưa nói đến chuyện lỗ lời, mình mừng quá trời..." - Mười kể lại bước khởi nghiệp ở tuổi 30 của mình.

Những bước tiến vững vàng

Lấy ra gần chục loại dược liệu sơ chế được chứa trong bao bì có nhãn hiệu với kích cỡ và màu sắc khá giống nhau, Mười cười: "Lâu nay mình cứ bị khách hàng chê là tại sao không cho mỗi loại sản phẩm có một kiểu bao bì khác, màu sắc khác để dễ phân biệt. Họ nói đúng. 

Cũng tại mình ở vùng cao, đã không biết, lại cũng không biết hỏi han ai để nhờ chỉ bày cho. Nay thì mình đang tính nhờ người có chuyên môn tạo lại mẫu bao bì cho từng loại sản phẩm".

Nhưng nhìn lại những gì mà nữ doanh nhân Ca Dong này làm được giữa bốn bề Trường Sơn quả là một bước tiến vừa nhanh vừa chắc. 

"Vài ba năm nay lượng hàng của Mười Cường (tên cơ sở sản xuất - kinh doanh của Hồ Thị Mười) bán ra cứ tăng dần. Mình vừa bán sỉ vừa bán lẻ. Khách cũ giữ được, khách mới có thêm" - Mười cho biết. 

Để có được nguồn dược liệu đạt chất lượng, Mười đã đến tận các bản làng hướng dẫn bà con cách thu hái, phơi phóng, bảo quản; loại nào cần đưa về bán tại cơ sở sớm nhất.

Cũng để bảo đảm chất lượng cho sản phẩm ở khâu sơ chế, năm 2016 Mười đã chi cả trăm triệu mua máy cắt lát/cắt đoạn, máy sấy, máy hút chân không bao bì. 

Nắm bắt được yêu cầu kinh doanh hiện đại, Mười luôn theo dõi để tham gia các hội chợ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận để giới thiệu các loại đặc sản vùng cao của mình. 

Có lẽ cũng nhờ đó phần nào, vài ba năm lại đây sản phẩm của Mười Cường đã đến được Hà Nội, Quảng Ninh, Sài Gòn, Đà Nẵng. 

Niềm vui với Mười trước mỗi hội chợ là "nhà mình thành cái xưởng, có gần cả chục bà con Ca Dong, Xơ Đăng đến làm cho kịp hàng". Mỗi năm Mười tham gia đến 3-4 hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.

Điều vui mừng vượt cả mong đợi với Mười là tên chị và cả tộc danh đồng bào Ca Dong của chị được gọi lên ở Hội chợ giới thiệu sản phẩm - dịch vụ chất lượng cao Asean tại Singapore hồi tháng 3-2018. 

"Mình giữ được bình tĩnh khi được mời phát biểu với tư cách là chủ doanh nghiệp. Nhưng sau đó mình đã ứa nước mắt khi nghĩ về làng bản mình, người Ca Dong mình. Thật sung sướng!" - Mười xúc động. 

Và cơ sở sản xuất Mười Cường đã được Ủy ban Tổ chức đánh giá và truyền thông về sản phẩm dịch vụ chất lượng cao Asean tại Singapore cấp chứng chỉ công nhận và cúp lưu niệm trong dịp này.

Sự kiện trên có lẽ đã tạo hiệu ứng lan tỏa về uy tín của cơ sở sản xuất Mười Cường. Mười cho biết gần đây chị đã được nhiều tổ chức mời dự các sự kiện giao lưu, hợp tác kinh tế ở một số nước trong những tháng cuối năm 2018 như Malaysia, Indonesia, Singapore.

 Còn ở trong nước, Mười cũng đã được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2018 với chủ đề "Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy: Kết nối và sáng tạo" với sự tham gia của nhiều đoàn nước ngoài vào khoảng giữa tháng 9 này. "Được người ta biết đến mình thấy phấn khởi" - chị tỏ bày.

"Giá mà mình có được nguồn vốn vay hỗ trợ, chẳng hạn cho doanh nghiệp vùng cao, miền núi thì đỡ biết mấy - Mười chia sẻ - Nhưng chưa có thì mình phải tự xoay xở thôi. Thiên nhiên đã cho vùng cao Nam Trà My mình nhiều loại dược liệu quý, nhiều nguồn thức ăn sạch, mình phải cố làm ăn với nó mới được...".

Và vợ chồng chị đã "cầm sổ lương" của cả hai để vay trên 200 triệu đồng để mở rộng chuyện làm ăn.

Quả là Mười đã dốc mình cho công cuộc kinh doanh mà chị đã chọn, không chỉ cho riêng mình mà còn cho cả cộng đồng Ca Dong, Xơ Đăng, Bh’noong dưới chân Ngọc Linh quê mình.

Mong có đồng vốn

Cái cần nhất với chị Hồ Thị Mười là đồng vốn. Chị nói có được nguồn vốn sẽ tổ chức cho cơ sở ươm trồng, vừa làm chủ được nguồn dược liệu ưu tiên, vừa tạo được việc làm cho bà con ở các nóc làng.

Đồng vốn có đủ cũng sẽ giúp cho việc chế biến sâu một số dược liệu thay vì sơ chế ở dạng nguyên liệu sẽ tạo giá trị cao hơn cho sản phẩm, lợi cho cả người thu hái, trồng trọt.

Những việc này thuận lợi với Mười về chuyên môn bởi chị vừa tốt nghiệp kỹ sư nông lâm (hệ tại chức).

Nhiều doanh nhân Việt kiều nằm trong danh sách tỉ phú thế giới Nhiều doanh nhân Việt kiều nằm trong danh sách tỉ phú thế giới

TTO - Hiện có khoảng 3.000 doanh nhân Việt kiều đang đầu tư, kinh doanh tại VN với tổng số vốn khoảng 4 tỉ USD. Trong số doanh nhân đó, nhiều người đã có tên trong danh sách tỉ phú của thế giới.

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên