Doanh nhân đi học - Kỳ cuối: Không chỉ quanh quẩn bếp núc
TT - Vào các lớp đào tạo giám đốc hiện nay thấy số doanh nhân nữ có mặt ngày càng nhiều. Nhận thấy nhu cầu cần “đào tạo lại” mình để chạy theo kịp thời cuộc, nhiều nữ doanh nhân đã hi sinh chuyện chăm lo gia đình để “miệt mài kinh sử”.
Và chuyện cơm nước, bếp núc dường như đã không còn gắn chặt trong ước mơ của họ, nữ doanh nhân không chỉ quanh quẩn bếp núc mà còn thu xếp việc gia đình để quanh quẩn... cổng trường mỗi khi đêm xuống.
>> Kỳ 1: Học làm giám đốc>> Kỳ 2: Tuổi 50 bám lớp>> Kỳ 3: Phá sản mới đi học
Ngày càng nhiều nữ doanh nhân có mặt trong các lớp học về quản lý tại Trường đại học Mở TP.HCM - Ảnh: A.Thoa |
Nhịn đói đi học
“Trước đây làm marketing cứ áp dụng phương châm bán cái gì mình có. Đi học khóa đào tạo sau đại học, khoa quản trị kinh doanh, đọc được câu nói nổi tiếng của Philip Kotler: “nên bán cái gì khách hàng cần”. Và nó đã làm thay đổi hẳn tư duy trong quá trình làm công tác marketing”, phó tổng giám đốc Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành Ngô Thị Hồng Thu tâm đắc.
Rời trường đại học với tấm bằng cử nhân tiếng Anh và một chút vốn liếng kinh nghiệm có được của những năm tháng vừa học vừa làm, Hồng Thu bắt đầu tập tành vào vai doanh nhân. Khoảng đầu tháng 11-2000, cô về Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành làm thư ký tổng giám đốc. Một năm sau, cô được giao hẳn một kế hoạch chuẩn bị cho ra đời phòng marketing.
“Quả thật khi sếp giao nhiệm vụ rồi mới ngỡ ra mình còn lắm cái không biết, nhất là khoản tài chính cứ nhùng nhà nhùng nhằng. Tối về vắt tay lên trán nghĩ chẳng lẽ đụng phải cái gì cũng đi hỏi, thế là quyết định đi học MBA khoa quản trị kinh doanh Bỉ - Việt tại Trường đại học Mở TP.HCM”, Thu nhớ lại.
Với doanh nhân, việc vừa học vừa làm có hiệu quả rất cao và có thể áp dụng ngay vào cuộc sống, điều này khác hẳn với sinh viên khi phần lớn vẫn học lý thuyết và chưa gần với thực tiễn. Năm 2005, Hồng Thu viết luận văn đề tài “nhà máy chế biến gỗ tại Lào”. Ra trường, cô áp dụng ngay mô hình này vào thực tiễn và kiến nghị ban giám đốc đầu tư mở nhà máy chế biến gỗ tại Lào. Đến nay, khi thực hiện đề tài tiến sĩ, cô lại chọn đề tài “giá trị của rừng thông qua chế biến gỗ”.
“Những đề tài này đều dựa vào thực tế công việc hằng ngày. Nếu chúng ta trồng rừng cho mục đích chế biến gỗ thì khu rừng đó sẽ có vốn để tái đầu tư và hạn chế tình trạng chặt phá, trộm cắp gỗ. Tuy nhiên nó được nhìn dưới góc độ khai thác bền vững” - Thu nói.
Điệp khúc sáng chiều đi làm, tối đến cắp sách đến trường học trở thành một hành trình khó khăn với nữ doanh nhân trẻ này. Có những hôm trời mưa tầm tã, rời công ty là Hồng Thu lại vội vã đến lớp nghe thầy giảng bài mà gắng quên cả đói.
Cô kể: “Thuở mới ra trường, hay nghe nói đến dòng vốn, dự toán lời - lãi... mà cứ mù mờ, chẳng định hình được. Đến lớp hỏi thầy, thông được mấy từ chuyên ngành này lại đẻ ra hàng loạt cái mù mờ khác nên gắng sức bám lớp, bám trường. Có hôm đi làm về bụng đói meo đành ngậm vội miếng sôcôla. Nhưng cái đói kiến thức lắm lúc còn cồn cào hơn cả đói ăn. Học mới biết khó nhất của người làm marketing quốc tế là phải làm sao cho khách hàng nước ngoài biết mình, tìm hiểu và tin tưởng mình”.
Lương Thị Sao Băng - giám đốc Công ty bảo vệ chuyên nghiệp Tiên Phong: “Đi học chẳng màng gì bằng cấp mà chỉ muốn định hình một mô hình phát triển bền vững” |
Đàn ông cực một, phụ nữ cực hai
Hồng Thu kể ba mẹ cô thấy cô làm và học nhiều quá nên lắm lúc nhìn con bằng ánh mắt không hài lòng, có hôm mẹ cô buồn rồi nhắc khéo chuyện chồng con nhưng phải lảng tránh. Nhiều đêm khuya nghe tiếng bước chân mẹ lại gần phòng, cô lại vặn nhỏ đèn đọc sách hay ôm laptop trùm mền tham khảo tài liệu vì “Làm thế để mẹ đỡ lo. Trước đây mẹ hay nói xa nhắc gần chuyện chồng con, rồi buồn buồn vì con cứ ham sách, ham việc. Nhưng rồi giờ thấy con gái được thăng chức, có chỗ đứng trong công ty nên cũng đỡ rầy hơn”.
Nói đến đó Thu nhìn về phía những nữ nhân viên rồi bảo: “Mình cũng quan niệm gia đình và vai trò của người phụ nữ như bao người bình thường khác. Nhưng sáng mở mắt là đi làm, tối về lại đi học, khi rảnh một tí thì nghĩ kinh doanh sao cho hiệu quả... Cứ thế cuộc sống chẳng có mấy phút dừng chân để nghĩ riêng cho mình”.
Với doanh nhân Lương Thị Sao Băng - giám đốc Công ty bảo vệ chuyên nghiệp Tiên Phong (quận 12, TP.HCM), việc vừa học vừa làm là một chặng đường dài, vất vả. “Công việc cứ cuốn tôi vào toan tính chiến lược cho tương lai, xoay xở với hiện tại và phát triển mạng lưới ở các tỉnh khu vực miền Đông, rồi phía Bắc... Thoáng đâu đó những đêm thầm nghĩ đến chuyện lập gia đình nhưng rồi chốc lát lại trôi đi”, Băng một chút trầm tư.
Năm 1999, Sao Băng tốt nghiệp Trường đại học Văn Lang, rồi trải qua đằng đẵng hơn 10 năm đi làm thuê cho nhiều công ty. Đó cũng là khoảng thời gian cô nếm trải hàng loạt thất bại vì thiếu kiến thức thương trường. “Khi nhận chức vụ phó tổng giám đốc ở Công ty Ngày Và Đêm, tôi từng tham gia đấu giá dịch vụ ở nhiều công ty, cao ốc. Nhưng cứ đấu giá là thua, cứ lọt vào được vòng trong là rớt, có tháng tham gia đấu giá năm cái rớt cả năm”.
Đau đầu suy nghĩ mấy tuần liền, nhưng cô cứ mập mờ đoán già đoán non. Mấy hôm sau cô quyết định đăng ký học thêm về lớp quản trị kinh doanh ở Học viện Hành chính quốc gia. “Học mới ngộ ra được thất bại vì cái tội nhắm mắt mà bước, không biết mình biết ta. Từ kinh nghiệm thầy truyền đạt, tôi đã tự thân đi điều tra nhu cầu khách hàng trước khi tham gia đấu thầu xem khách hàng cần gì, loại dịch vụ nào. Nhờ đó dần dần tóm được nhiều hợp đồng khá”, Băng kể lại.
Tháng 6-2009, Sao Băng quyết định hợp tác mua lại Công ty Tiên Phong. Đêm đêm cô cứ ước mong xây dựng được một thương hiệu bảo vệ chuyên nghiệp, trở thành một công ty mạnh với hàng loạt dịch vụ trọn gói như: dịch vụ đưa đón các cháu đi học, cung ứng người cho các cuộc hẹn... Tháng rồi, cô thi đậu vào khóa học MBA (chương trình liên kết giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Help của Malaysia).
“Đi học ở tuổi này, vị trí này chẳng màng gì bằng cấp mà chỉ muốn định hình một mô hình phát triển bền vững. Thân gái trên dặm trường kinh doanh cũng có nhiều vất vả. Nhưng làm dịch vụ mà, có vẻ phụ nữ lại nhẹ nhàng, kiên nhẫn và dịu dàng hơn nam doanh nhân chăng?”, Băng cười.
Đêm, áp lực công việc thường khiến Sao Băng rời văn phòng trễ. Con đường đến trường như xa hơn. Cô ghé qua tiệm bánh bên lề đường mua chiếc bánh ngọt ăn dằn bụng. “Nữ doanh nhân trên thương trường cũng lắm gian nan và mất mát. Phải thu xếp việc nhà, đàn ông đi học cực một thì phụ nữ đi học cực hai, nhưng cũng phải cố đi học thôi, phụ nữ thời nay đâu chỉ quanh quẩn bếp núc”, Sao Băng cười rồi ôm cặp đi học.
ANH THOA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận