04/10/2009 00:02 GMT+7

Doanh nhân đi học - Kỳ 3: Phá sản mới đi học

ANH THOA - BẠCH HOÀN
ANH THOA - BẠCH HOÀN

TT - Công ty phá sản, có giám đốc ngậm ngùi nói với nhân viên bằng ánh mắt cầu mong sự thông cảm. Không còn công ty, nhân viên, giám đốc bỏ đi khắp nơi tìm dự án rồi làm thuê kiếm sống.

Doanh nhân đi học - Kỳ 3: Phá sản mới đi học

TT - Công ty phá sản, có giám đốc ngậm ngùi nói với nhân viên bằng ánh mắt cầu mong sự thông cảm. Không còn công ty, nhân viên, giám đốc bỏ đi khắp nơi tìm dự án rồi làm thuê kiếm sống.

Có những đêm dài ngẫm nghĩ lại chặng đường đã qua mà thấy mình liều mạng. Có giám đốc nhận ra điểm khiếm khuyết của công ty mình sau một thời gian hoạt động lỗ lã, thế là cắp sách đi học.

ImageView.aspx?ThumbnailID=365921

Ông Nguyễn Thanh Hiền - phó giám đốc Công ty AC AD: “Đi học, tôi nhận thấy được thất bại của ngày hôm qua...” - Ảnh: A.Thoa

>> Kỳ 1: Học làm giám đốc>> Kỳ 2: Tuổi 50 bám lớp

Bài học phá sản

Năm 2000, Nguyễn Thanh Hiền rời Trường đại học Mỹ thuật, sáu năm sau đó Hiền đầu quân cho công ty xây dựng và dịch vụ nhà. Nhưng rồi thấy bạn bè ai cũng đua nhau mở công ty riêng, Hiền gom tiền tiết kiệm và tiền gia đình hỗ trợ được gần 1 tỉ đồng, hoạch định chiến lược làm ăn mới. Đầu năm 2007, ông thành lập Công ty Việt Phát chuyên thiết kế và thi công công trình.

Là dân kỹ thuật, một chữ cắn đôi về kinh doanh ông Hiền cũng không biết. Nhiều đêm băn khoăn, trăn trở nhưng nghĩ hoài không ra “xơ múi” gì, chỉ biết ngậm đắng nuốt cay với túi tiền cạn dần. Sáu tháng trôi qua, ông giấu trong lòng nỗi buồn và tự an ủi: “Hết mưa là nắng hửng lên thôi”. Nhưng rồi đằng đẵng sau đó vẫn là những ngày “mưa dầm” mà chẳng hề kiếm được giọt “nắng”.

“Bước vào công ty với vẻ mặt buồn rũ rượi nhưng sĩ diện với bạn bè nên ông gắng làm như không có chuyện gì xảy ra. Ba mẹ có hỏi thì cười gượng mà bảo rằng công ty vẫn ăn nên làm ra”, ông Hiền nhớ lại.

Gồng gánh được gần hai năm và đến tháng 9-2008 khi vốn đã cạn, dự án tìm vàng mắt cũng không thấy, ông đành buông tay công bố công ty phá sản. Gần 1 tỉ đồng tan biến mà không biết nguyên nhân vì sao. Nhân viên đã đi hết, công ty đã tháo bảng hiệu, chỉ còn lại mình cựu giám đốc chưa biết sẽ đi đâu và đối diện như thế nào với thực tại. Để kiếm tiền, ông Hiền rong ruổi nhiều nơi, nhiều con phố tìm dự án. Hơn chín tháng tự kinh doanh đã giúp ông lấy lại được bình tĩnh để bước vào một chặng đường mới.

Cách nay khoảng ba tháng, ông Hiền quyết định đăng ký đi học tại một trường đào tạo doanh nhân ở quận 1 (TP.HCM). Trải qua những buổi phân tích tình huống thực tế trong kinh doanh, ông Hiền mới ngộ ra rằng: thất bại trong kinh doanh là điều đương nhiên.

“Bây giờ tôi mới nhìn thấy trước đây mình đã đi ngược quy trình. Chưa có đầu vào, chưa xây dựng được mối quan hệ, chưa hoạch định được chiến lược đã xây dựng một bộ máy nhân viên cồng kềnh. Có những lúc ba tháng trời không có một dự án cầm hơi nhưng vẫn phải nhăn mặt vét tiền trả lương cho nhân viên. Một ngày mới chưa biết sẽ làm được việc gì nhưng ít nhất đã phải chi hơn 1 triệu đồng tiền công. Chỉ tính lương nhân viên ở văn phòng chiếm hơn 35 triệu đồng/tháng. Gánh nặng ấy đã dần đẩy công ty vào cửa khó”, ông Hiền rút ra bài học.

Càng học ông càng nhận ra mình trước đây “là một doanh nhân liều, không biết bơi cũng gắng bơi, kết cục là không chết đuối nhưng uống nước no nê”.

Nhận thức được những sai lầm đã qua cũng là lúc ông Hiền gặp được hai người thợ lành nghề khi đang thi công một công trình ở Phú Mỹ Hưng, họ nảy ra ý định thành lập công ty thiết kế - xây dựng và thương mại. Tháng 6 vừa rồi, Công ty AC AD đã chính thức ra đời và ông Hiền làm phó giám đốc.

Ông Hiền kể: “Trước khi công ty thành lập, chúng tôi cũng đã thi công nhiều dự án. Khi lợi nhuận ổn định, nguồn hàng và các mối quan hệ vững vàng chúng tôi đã quyết định thành lập công ty. Thực tế cho thấy thời gian qua công ty làm ăn ngày càng khá và lợi nhuận không ngừng tăng lên. Tôi cứ ước giá mà mình được đi học sớm hơn”.

Ông Hiền nói ở công ty mới thành lập có bộ máy rất đơn giản, không kềnh càng, “oai phong” như công ty trước. Cả giám đốc và hai phó giám đốc đều phải trực tiếp đến công trường làm việc. “Bây giờ tôi đang biết mình là ai. Thật là đau khi những thất bại trước đây của mình đã được thế giới đúc kết trong sách vở mà không hay biết. Đêm qua tôi đọc cuốn sách về triết lý kinh doanh mà giật mình về những việc đã làm”, ông Hiền chiêm nghiệm.

ImageView.aspx?ThumbnailID=365922

Lớp học dành cho doanh nhân và các trưởng, phó phòng tại Đại học Mở TP.HCM - Ảnh: A.Thoa

Giã từ “đánh du kích”

Năm 1990, Trần Thanh Tùng thi vào Trường đại học Kinh tế, khoa quản trị kinh doanh. Suốt bốn năm học đại học cũng là quãng thời gian Tùng tìm việc làm thêm, được nhận về làm cho một công ty phân phối của Mỹ. Nghe có vẻ oách nhưng đằng đẵng sau đó là những năm tháng cõng hàng đến từng nhà vừa tiếp thị, vừa năn nỉ khách mua hàng. Thời gian sau tình cờ gặp một doanh nhân Úc kinh doanh trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường, Tùng đồng ý hợp tác mở văn phòng đại diện tại TP.HCM. Nhưng rồi sự bén duyên kinh doanh không lâu thì tan vỡ.

Năm 2002, ông Tùng thành lập công ty nghiên cứu thị trường VMI. “Bước lên chức vụ giám đốc rồi mới biết mình thiếu nhiều thứ. Trước đây mấy khoản thu, chi cứ nghĩ sao làm vậy. Tiền vào, tiền ra cũng ghi chép nhưng cứ nhập nhằng, khó hiểu và chìm nghỉm trong đống sổ sách chẳng biết đâu mà lần. Thế rồi năm 2008, tôi quyết định học chương trình sau đại học về quản trị kinh doanh do Việt Bỉ hợp tác đào tạo”, ông Tùng quyết tâm.

Biết cực nhưng ông nói đang ấp ủ một dự định lớn trong việc phát triển và mở rộng công ty, nên cực nhọc ấy nhỏ nhoi và lọt thỏm trong khát khao. “Mình chẳng màng bằng cấp, chỉ quan tâm đến chuyện mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp. Mấy tháng trước thầy giảng về hệ thống báo cáo của Mỹ và châu Âu, mình sướng rân cả người. Đây là điều cần thiết để minh bạch hóa tài chính công ty. Nếu lúc trước số liệu nhập vào chẳng nói được điều gì thì giờ áp dụng hiện ra hết khoản lời, lỗ”, doanh nhân Tùng vui mừng.

Cũng như ông Tùng, doanh nhân Trương Minh Châu, chủ cơ sở Lilico (chuyên sản xuất tủ nhôm, cửa kính ở quận 10, TP.HCM), cho biết năm sau ông sẽ nâng tầm công ty nên bây giờ đang đi học lớp CEO. Ông Châu đúc kết: “Khi cánh cửa hội nhập mở ra tôi đã nhận thấy nhiều cơ hội, nhưng nói thật mình đã quen “đánh du kích” rồi, bây giờ vươn vai là dễ bị... phá sản. Phải giã từ cách “đánh du kích” thôi. Đi học khiến tôi định hình được một mô hình doanh nghiệp”.

ANH THOA - BẠCH HOÀN

______________

Trong lớp học có nhiều nữ doanh nhân. Sáng mở mắt là đi làm, tối về lại đi học, khi rảnh một tí thì nghĩ kinh doanh sao cho hiệu quả. Họ thu xếp ra sao cho mái ấm của riêng mình?

Kỳ tới: Không chỉ quanh quẩn bếp núc

ANH THOA - BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên