16/06/2013 12:26 GMT+7

Doanh nhân Việt đang "bay" đến Yangon

HẢI ĐĂNG
HẢI ĐĂNG

TT - Vừa bước lên “sân khấu” nhỏ tại tiền sảnh khách sạn Sedona, TP Yangon, nữ ca sĩ Myanmar duyên dáng lên tiếng: “Chào những vị khách đến từ VN” bằng tiếng Anh, trước khi cất cao giọng hát ngọt ngào. Phía dưới “sân khấu”, các doanh nhân VN đang ngồi kín hàng chục bàn, vừa nhâm nhi bia Myanmar vừa bàn chuyện làm ăn.

Kỳ 1: Phép mầu “open government” Kỳ 2: Xứ sở thân thiện

QinAOjz3.jpgPhóng to
Công trình của Hoàng Anh Gia Lai vừa được khởi công tại Yangon - Ảnh:Thuận Thắng

Quá nhiều cơ hội...

Lôi từ thùng cactông to tướng ra một viên gạch, ông Mẫn - một doanh nhân đến từ TP.HCM - cho biết loại gạch này do Myanmar sản xuất theo công nghệ cũ, nặng gấp đôi loại gạch thông thường tại VN. “Tôi đang liên kết với một đối tác Myanmar để xây dựng một nhà máy sản xuất loại gạch nhẹ hơn nhưng chất lượng tốt hơn, giá thành cạnh tranh hơn...” - ông Mẫn hào hứng.

Theo ông Mẫn, tiềm năng thị trường của sản phẩm này rất lớn, do phù hợp với các công trình cao tầng đang và sẽ mọc lên tại Myanmar, trong đó có dự án của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai VN. “Khoảng giữa năm 2014, chậm nhất là đến cuối năm, nhà máy liên doanh sản xuất này sẽ được đưa vào hoạt động” - ông Mẫn khẳng định.

Từng có hơn 20 chuyến sang thị sát và tìm cơ hội đầu tư kinh doanh tại Myanmar, ông Mẫn cho biết đã tìm được một số khu đất rất thích hợp cho việc xây dựng nhà xưởng, kho chứa hàng... Ngoài ra, một trong những sản phẩm mà nhóm doanh nghiệp của ông Mẫn nhắm đến là sản xuất các loại máy phát điện phục vụ nhu cầu của người dân.

Ông Lê Hùng Dũng - chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) - ủng hộ ý tưởng đầu tư nhà máy lắp ráp máy phát điện mà ông Mẫn đưa ra, đồng thời khẳng định Eximbank sẵn sàng tài trợ vốn cho dự án này. Theo ông Dũng, trong ba ngày có mặt tại TP Yangon, ngày nào cũng xảy ra hiện tượng cúp điện. “Với tình trạng thiếu điện và cúp điện thường xuyên ngay tại một thành phố lớn như Yangon, các loại máy phát điện có giá từ 500-1.000 USD chắc chắn sẽ được tiêu thụ rất tốt” - ông Dũng nhận định.

Cũng góp mặt trong buổi gặp gỡ này, tổng giám đốc Công ty chứng khoán Phú Gia Phạm Quang Trung, người đã thực hiện hàng chục chuyến đi sang Myanmar với vai trò tư vấn cho một số doanh nghiệp VN, gợi ý “nên sớm tính toán đầu tư một nhà máy ximăng tại Yangon” để đón đầu các dự án nhà cao tầng sắp tới. Theo ông Trung, vào giữa tháng 6 này, một đoàn doanh nghiệp Myanmar sẽ sang VN tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy ximăng, do thị trường này hiện đang tiêu thụ chủ yếu là ximăng Thái Lan.

XonOSs1J.jpgPhóng to
Cà phê G7 và áo dài Lan Phương trên đường phố Yangon - Ảnh:Thuận Thắng

Những bước đi đầu tiên

Chính thức khởi công dự án khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center tại TP Yangon vào ngày 5-6, với số vốn lên tới 440 triệu USD, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) được xem là doanh nghiệp VN đầu tiên xây dựng chỗ đứng khá vững chắc tại thị trường đầy tiềm năng này. Theo dự kiến, dự án này sẽ hoàn tất giai đoạn 1 vào cuối năm 2014 và giai đoạn 2 là cuối năm 2016. Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Nguyên Đức - chủ tịch HAGL - tự tin khẳng định dự án này chắc chắn sẽ thành công, đặc biệt là khối văn phòng cho thuê do giá thuê văn phòng tại thành phố này hiện dao động từ 80-130 USD/m2.

“Với 250.000m2 văn phòng cho thuê, sau khi hoàn thành chỉ cần cho thuê với giá 80 USD/m2, HAGL sẽ nhanh chóng lấy lại vốn, chưa kể khách sạn 5 sao 480 phòng và bốn khối căn hộ cao cấp 1.800 căn...” - ông Đức nói. Ông Lê Hùng Dũng cũng chia sẻ nhận định này khi cho rằng với làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào Myanmar ngày càng tăng, trong đó có các doanh nghiệp VN, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê của khu phức hợp này sẽ là địa chỉ hút khách và sự thành công của HAGL là “đương nhiên”.

Vừa trở về trong chuyến làm việc tại Myanmar, ông Lê Quang Định - phó tổng giám đốc Công ty CP Dây cáp điện VN (Cadivi) - cho biết doanh nghiệp này đang xúc tiến việc ký hợp đồng hợp tác thương mại với hai đối tác đến từ Myanmar để đưa sản phẩm cáp điện sang tiêu thụ tại thị trường này. “Chậm nhất là cuối tháng này, chúng tôi sẽ ký kết đại lý độc quyền với hai đối tác Myanmar” - ông Định cho biết. Theo ông Định, khảo sát ban đầu cho thấy tại Myanmar hiện chỉ có chưa đến mười nhà sản xuất cáp điện, nguồn cung ít và chất lượng không cao, chưa kể cáp điện Trung Quốc cũng bị thị trường này chê nên khả năng thành công của Cadivi rất lớn.

Tương tự, ông Văn Đức Mười - tổng giám đốc Công ty Vissan - cho biết doanh nghiệp này đã ký hợp đồng độc quyền phân phối sản phẩm Vissan, chủ yếu là đồ hộp và đồ khô, cho thị trường Myanmar. Theo ông Mười, trong đợt hội chợ thương mại hàng VN tại Yangon mới đây, sản phẩm của Vissan đã nhanh chóng được tiêu thụ sạch. “Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn thăm dò để chuẩn bị cơ sở cho việc thâm nhập sâu hơn vào thị trường này trong tương lai, khi các chính sách về thuế đối với mặt hàng thực phẩm nhập khẩu của Myanmar cởi mở hơn” - ông Mười nói. Ông cũng cho biết hàng loạt doanh nghiệp khác thuộc các lĩnh vực dệt may, da giày, sữa, vật liệu xây dựng... cũng đang có kế hoạch đầu tư vào thị trường này.

Theo thông tin từ Tổng công ty Hàng không VN (VN Airlines), hãng này đang khai thác mỗi tuần năm chuyến (thứ hai, tư, sáu, bảy và chủ nhật) bay thẳng từ Hà Nội sang Yangon, Myanmar (và ngược lại) với thời gian bay khoảng 2 giờ 05 phút/chuyến, khởi hành từ Hà Nội lúc 16g35 và đến Yangon lúc 18g10 (giờ địa phương).

Tại TP.HCM, VN Airlines cũng khai thác bốn chuyến bay đi TP Yangon mỗi tuần (thứ hai, ba, năm và chủ nhật). Thời gian bay là 2 giờ 20 phút, khởi hành lúc 15g45 và đến Yangon lúc 18g35 (giờ địa phương).

Kỳ tới: “Vào nhanh lên và đừng nản lòng!”

HẢI ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên