Anh bộ đội Nguyễn Trọng Luân trong buổi giao lưu với các thầy cô giáo Trường Lê Quý Đôn sáng 1-5-1975 - Ảnh: tư liệu |
Hòa bình, thống nhất bao năm mong ước đã thành hiện thực.
Câu chuyện ở Trường Lê Quý Đôn
Trong lễ kỷ niệm 140 năm Trường trung học Chasseloup Laubat - Jean Jacques Rousseau - Lê Quý Đôn tổ chức tháng 2-2015 có một nhà văn từ Hà Nội vào dự. Không phải là cựu học sinh nhưng ông Nguyễn Trọng Luân vẫn bồi hồi xúc động khi bước trong sân trường, vẫn nghẹn lời khi kể câu chuyện 40 năm trước, ngày 1-5-1975:
“Hồi ấy tôi là bộ đội ở sư đoàn 320. Ngày 30-4-1975, lần đầu tiên bước chân đến Sài Gòn, gác súng bên cổng Trường Lê Quý Đôn chĩa về phía dinh Độc Lập. Bắn một loạt đạn vào bụi cây, tiếp tục cảnh giới cho đến khi tôi thấy bóng một anh bộ đội chạy đến xua tay. Chiến tranh chấm dứt đúng vào lúc ấy.
Giữa trưa, vòm phượng vĩ trong sân trường đỏ rực. Đêm đầu tiên không còn tiếng súng, giấc ngủ thao thức trên mấy chiếc bàn học ghép lại, nhìn dòng phấn trên bảng dừng trong giờ Việt văn “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”, chúng tôi nhớ miền Bắc, lòng nhẩm những dòng sẽ viết trong lá thư ngày mai gửi mẹ.
Sáng hôm sau, đại diện ban giám hiệu đến gặp chỉ huy của chúng tôi và đề nghị tổ chức một cuộc gặp mặt, hội thảo giữa các thầy cô giáo và quân giải phóng”.
Nguyễn Trọng Luân là một trong ba người được cử làm đại diện giao lưu vì trước khi vào bộ đội, anh là sinh viên đại học ở Hà Nội. Các thầy cô giáo mặc quần áo thật đẹp, lần lượt đến ngồi chật kín hội trường.
Và im lặng
Đã bao nhiêu lâu Luân không được nhìn thấy tà áo dài, chiếc áo sơmi, cà vạt, tấm bảng đen, dòng phấn trắng. Anh lúng túng bước lên bục rồi lại bước xuống, cảm nhận rõ sự chờ đợi căng thẳng.
Anh cúi đầu: “Em thưa các thầy cô giáo” như thói quen ngày đi học. Phía dưới bỗng xôn xao. Một thầy giáo đứng lên ngạc nhiên hỏi lại: “Quý anh giải phóng gọi chúng tôi là các thầy cô giáo à?”.
Luân lễ độ: “Thưa vâng, vì trước mặt em là các thầy cô giáo dạy chữ và dạy người. Em từng là học trò, vì lý tưởng và nghĩa vụ mà phải cầm súng, và đang chờ từng ngày hòa bình lập lại để trở lại làm một sinh viên”.
Có cô giáo bắt đầu rơi nước mắt.
Thầy giáo vẫn hỏi tiếp: “Các anh có biết ở Sài Gòn, ở trường chúng tôi cũng có phong trào đấu tranh yêu nước không?”. Luân đáp: “Em biết ạ!”, và để chứng minh, anh hát: “Dậy mà đi, đồng bào ơi! Dậy mà đi, đồng bào ơi! Mẹ Việt Nam có hay chăng giờ này đàn con đã lên đường. Vượt rào gai dẫu khói mù vẫn đi, máu đã chảy sân trường càng giục ta bền chí...”.
Bài hát Những đêm không ngủ của nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác ở Hà Nội về phong trào “Hát cho dân tôi nghe” của học sinh sinh viên Sài Gòn đã thật sự làm nên chiếc cầu của sự thông hiểu. Buổi nói chuyện về chính sách “hòa hợp, không phân biệt đối xử” của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam sau đó đã diễn ra xuôi chảy.
“Bốn mươi năm qua, tôi không thể nào quên giọt nước mắt của cô giáo Trường Lê Quý Đôn” - nhà văn Nguyễn Trọng Luân lặp lại. Khi nhận được lệnh chuyển quân, trước lúc rời sân trường, anh bộ đội Nguyễn Trọng Luân còn sáng tác bài thơ Nước mắt sân trường mà sau này đã được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc thành bài hát Sân trường một sáng tháng năm.
Sau 40 năm, giọng hát của ông Luân giữa sân Trường Lê Quý Đôn cũng có nước mắt: “Nước mắt sân trường một sáng tháng năm/ Nước mắt của ba mươi năm dồn lại/ Tấm bảng đen nét chữ thầy nghiêng trước/ Bồi hồi rưng rưng sân trường sáng nay...”.
Các phóng viên phương Tây phấn khích trên chiếc xe tăng quân giải phóng ở Sài Gòn chiều 30-4-1975 - Ảnh: tư liệu của T.Terzani |
Dựng lại hòa bình
Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều “người Mặt trận” khi xưa đang cùng góp tên, góp mặt, góp tâm, góp sức ở Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam, dù đa số họ đều đã tuổi cao sức yếu, tóc bạc da mồi.
Đã bước sang tuổi 90, mỗi sáng nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình vẫn đến làm việc đều đặn ở trụ sở Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam, bất kể mùa đông hay mùa hè.
Vẫn tiếp tục những công việc, những câu chuyện xoay quanh chủ đề hòa bình và đất nước, đôi mắt bà vẫn đau đáu như cái ngày mà một nhà báo Pháp miêu tả: “Nhìn vào mắt Bình có thể thấy cả bi kịch của miền Nam Việt Nam”.
Chỉ vào chồng báo chí, giấy tờ trên bàn, bà bảo: “Cuộc chiến tranh của chúng ta là chiến tranh nhân dân. Chiến tranh đã rèn luyện nhân dân và hình thành nhiều phẩm chất, ý chí, kỹ năng cho người Việt Nam, nhưng đồng thời chiến tranh cũng phá hoại xã hội, làm đổ vỡ văn hóa, tổn thương tình cảm con người.
Hòa bình rồi, chúng ta phải xây dựng lại, cả kinh tế, văn hóa, xã hội, con người. Tất nhiên là không dễ và cần có thời gian. Mỗi ngày của chúng ta hôm nay không còn khốc liệt như thời chiến tranh nhưng thử thách vẫn cam go, lựa chọn vẫn sống chết. Và chỉ có thể dựa vào dân tộc, vào sức mạnh của đoàn kết dân tộc mà đi tới”.
Ngừng lại một lát, bà nói tiếp: “Chúng tôi ai cũng mong rút ngắn thời gian ấy, rút ngắn sự tụt hậu của Việt Nam với thế giới để nhân dân được sống hạnh phúc hơn”.
Mong muốn ấy thể hiện qua hoạt động của Quỹ Hòa bình: huy động các tổ chức xã hội hoạt động vì hòa bình, hợp tác, phát triển; vận động trong nước và quốc tế ủng hộ công lý cho nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam; khuyến khích, hỗ trợ phát triển văn hóa, giáo dục, pháp luật qua các công trình nghiên cứu, các quỹ học bổng, các buổi tọa đàm...
Những người đồng đội của bà ở Mặt trận một thời như đại sứ Nguyễn Anh Tuấn, luật sư Triệu Quốc Mạnh nay lại tiếp tục sát cánh cùng nhau vì hòa bình và phát triển của đất nước. Một “người Mặt trận” khác là bà Trần Tố Nga lại đang tiếp tục cuộc chiến đấu giành công lý cho nạn nhân chất độc da cam, là bản thân mình và hàng triệu người khác, ở tận nước Pháp xa xôi.
Những người đồng đội khác nữa lại miệt mài ngày đêm nghiên cứu những chính sách phát triển, chiến lược bảo vệ đất nước.
Không khỏi có lúc mỏi mệt, không khỏi có lúc muốn buông bỏ, nhưng rồi họ vẫn tiếp tục hoạt động, tiếp tục đóng góp ý kiến để tiếp tục lý tưởng, mục tiêu của Mặt trận mà mình đã chọn từ tuổi thanh xuân: “Phải hòa bình, phải độc lập, phải dân chủ, phải cơm no áo ấm, phải hòa bình thống nhất Tổ quốc, vì quyền lợi tối cao của Tổ quốc, thuận theo trào lưu tiến bộ trên thế giới”.
“Đó là những chuyện buộc phải làm, không được mơ hồ, không được trì hoãn” - bà Nguyễn Thị Bình một lần nữa nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận