29/04/2015 15:21 GMT+7

​Những tờ báo biết bay

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Giữa Sài Gòn, những truyền đơn, bản tin, báo, tạp chí của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vẫn in ấn, xuất bản, phát hành đều đặn với số lượng ngày một nhiều.

Những tờ báo Sài Gòn Vùng Lên, Trí Thức Mới, Cờ Giải Phóng... được in ấn bí mật và phát hành ngay trong nội ô Sài Gòn - Ảnh: kiều xuân long

Kết quả là đường lối đấu tranh cho hòa bình, thống nhất của Mặt trận ngày càng thấm vào lòng nhiều người.

Giữa Paris, phái đoàn của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhận được tin tức, báo chí từ Hà Nội, Sài Gòn đều đặn, kết quả là những dẫn chứng chính xác, lập luận sắc sảo cho các phát biểu, tuyên bố trên bàn hội nghị. Và đó là kết quả những công việc rất thầm lặng của những người thầm lặng.

Xưởng in giữa phố

Trong một căn nhà nhỏ nép trong hẻm chợ Bàn Cờ, gian ngoài, một phụ nữ ngồi đạp máy may đồ bộ cho lối xóm, gian trong một phụ nữ khác làm công việc đánh máy giáo trình giảng dạy cho trường học, như việc mưu sinh của bao nhiêu người khác ở khu này. Thế nhưng từ đây, những tờ báo Trí Thức Mới, Trung Lập, Sài Gòn Vùng Lên... đã ra đời.

“Việc biên tập, đánh máy có thể làm ban ngày cùng với các tài liệu nhận bên ngoài, ban đêm hai chúng tôi hì hục in bằng trục lăn. Lúc đầu chỉ vài chục số, sau tăng lên đến vài trăm số. Không lương thưởng lại nguy hiểm nhưng tất cả chúng tôi rất thoải mái, tự tin, không hề biết sợ là gì. Tinh thần từ những bài báo in ấn mỗi ngày mỗi thấm vào lòng mình” - bà Từ Thanh Mỹ, làm công việc đánh máy, biên tập báo những ngày ấy, kể.

Đến hôm nay bà Mỹ vẫn còn nhớ nội dung những bài báo ấy: kêu gọi đấu tranh cho hòa bình, động viên lòng yêu nước của nhân dân, lý giải vì sao phải chống Mỹ xâm lược, giải thích về Việt cộng, thông báo tình hình các vùng giải phóng, thơ văn của Hưởng Triều, Giang Nam, Tế Hanh...

Những trí thức Sài Gòn chuyền tay nhau đọc, trả tiền mua báo bằng những khoản tiếp tế lớn, đóng góp bài vở, đóng góp những hoạt động của mình. Sinh viên, học sinh, những người dân Sài Gòn cũng chuyền tay, rỉ tai nhau để rồi ngày một trưởng thành trong phong trào.

“Nhu cầu của người đọc ngày một cao về số lượng và cả chất lượng, chúng tôi bàn nhau phải tổ chức in typo và vì thế phải chuyển nhà”. Nhà in thứ hai nằm trên đường Nguyễn Trãi, chỉ cách Tổng nha Cảnh sát có 600m. Nhà in thứ ba nằm trong khu nhà xưa ở Nơ Trang Long.

“Những khu xóm lao động nghèo người dân thường có cảm tình với cách mạng và ý thức bảo vệ cán bộ. Ở đó chúng tôi cũng có thể dễ dàng tạo bình phong cho mình” - bà Từ Thanh Mỹ giải thích. Nơi tổng phát hành báo cũng là một cơ sở rất nổi tiếng tại miền Nam lúc đó: nhà sản xuất bột Bích Chi quen thuộc với nhãn hiệu “Mẹ bồng con”.

Giữa những thùng bột gạo lứt, đậu nành, đậu xanh cao ngất trong nhà là những thùng báo Trí Thức Mới, truyền đơn của Mặt trận. Trong những chuyến xe đi giao bột, qua tay những đại lý đến lấy hàng, những tờ báo, truyền đơn được phân phối đi khắp nơi.

Tất nhiên chính quyền Sài Gòn cũng nhận ra điều đó. Cảnh sát, mật vụ được lệnh dò xét, lục soát khắp nơi. Mười người làm việc ở các xưởng in đã lần lượt bị bắt vì các lý do khác nhau, trong các hoạt động khác nhau.

Thế nhưng suốt mười mấy năm, ba cơ sở không bị lộ, vẫn tiếp tục hoạt động, máy móc, tài liệu cất giấu trong hầm bí mật, các hốc tường đôi vẫn còn y nguyên cho đến ngày 30-4-1975.

“Ngoài sự trung kiên của các anh chị em phải kể đến sự che chở, bảo vệ của bà con xóm giềng, chúng tôi không bao giờ hết biết ơn”, các bà Từ Thanh Mỹ, Nguyễn Thị Ngọc Lành, Nguyễn Ngọc Mai, những người đã trực tiếp in ấn, phát hành báo Trí Thức Mới năm xưa, không bao giờ quên nhắc nhở mỗi khi nói về những ngày sôi động của tuổi trẻ ấy.

Bà Trần Thị Ngọc Sương - Ảnh: Tự Trung

Từ Bưu điện Sài Gòn đến Paris

“Cả chúng tôi cũng vậy. Công việc của tôi không thể hoàn thành nếu không có các anh chị em đồng nghiệp giúp đỡ. Họ đã cùng tôi tham gia một công việc mạo hiểm và kéo dài dù chẳng phải đảng viên, cán bộ...” - bà Trần Thị Ngọc Sương nhắc.

Là một nhân viên Bưu điện Sài Gòn, bà Ngọc Sương đã tổ chức cả một mạng lưới để chọn lọc, thu thập báo chí, đóng gói gửi sang những địa chỉ bí mật tại Paris, để rồi từ đó chuyển đến tay bà Nguyễn Thị Bình, trưởng phái đoàn ngoại giao của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

“Rất nhiều khâu phức tạp vì chúng tôi vừa phải đảm bảo bí mật, vừa phải theo đúng luật bưu chính quốc tế. Mỗi người cộng tác với tôi ở một điểm và chỉ biết việc của mình, thế nhưng lại phải rất nhanh và nhịp nhàng thì gói hàng mới chạy thông suốt được” - bà Sương kể lại.

Đầu tiên là khâu mua báo. Phải chọn lọc và mua từ nhiều nơi, gom báo từ nhiều nguồn khác nhau để có thông tin phong phú và không bị nghi ngờ. Rồi phải có hai gói hàng hình thức giống nhau, chỉ khác địa chỉ, một gói vào sổ khâu thư đến, một gói xuất ra khâu thư đi.

“Thời gian ấy thư từ, bưu phẩm gửi qua bưu điện ngồn ngộn như núi. Để tìm ra và thay thế được kiện hàng cùng các giấy tờ liên quan, người thực hiện phải rất tinh tế, nhanh nhạy, tỉnh táo. Thêm vào đó, trong bưu điện còn có một mạng lưới an ninh mật của chính quyền Sài Gòn rất chặt chẽ ở các khâu...”.

Bà Sương đã khéo léo làm quen với gia đình trưởng phái đoàn chính quyền Sài Gòn và nhận chuyển quà giúp cho ông ta. Gói hàng ở khâu tiếp nhận được ghi tên và địa chỉ của ông này, đến khâu chuyển đi, lại được giữ thay bằng gói khác ghi những địa chỉ bí mật của phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Gói hàng ban đầu sẽ được chuyển trong chuyến thư sau đó. Những người cộng tác với bà đã lặng lẽ mà nhịp nhàng phối hợp với nhau hoàn tất công việc, kể cả khi bà bị bắt.

“Năm 1970, một giao liên của chúng tôi bị bắt, trong người có lá thư nhắc đến tên tôi. Tôi bị bắt, bị tra khảo, ở tù mà lòng lo lắng nghĩ đến hệ thống chuyển bưu kiện, bưu phẩm. Ấy thế mà các anh chị em, tất cả chỉ là những người dân có cảm tình với cách mạng, vẫn không sợ hãi, nao núng, vẫn hết lòng tin tưởng tôi sẽ không khai báo và tiếp tục làm công việc của mình, kiêm luôn cả việc của tôi. Đường dây vẫn thông suốt, tin tức, báo chí vẫn tiếp tục được chuyển đi cho đến năm 1971, khi có một tuyến thông tin khác, an toàn hơn được thiết lập” - bà Sương kể mà vẫn chưa hết ngạc nhiên về sự kỳ diệu ấy.

Sau này, trong những câu chuyện kể về quá trình đấu tranh ngoại giao ở hội nghị Paris, ông Trần Bửu Kiếm, bà Nguyễn Thị Bình đều kể những câu chuyện thú vị: phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam luôn là nơi nhận được tin tức đấu tranh của các phong trào công nhân, thanh niên, sinh viên, học sinh, phụ nữ, tiểu thương, người lao động... ở Sài Gòn và các tỉnh sớm nhất.

Các tin tức ấy được các nhà ngoại giao đưa ngay lập tức vào các bài phát biểu của mình, dẫn chứng nguồn gốc từ các báo cụ thể để tăng phần thuyết phục cho những lý lẽ sắc bén.

Có những lúc phái đoàn của chính quyền Sài Gòn đã phải sửng sốt vì chính họ đại diện cho Sài Gòn mà lại chưa được nghe thông báo về những sự kiện ấy.

Những việc nhỏ thầm lặng đã góp phần vào việc lớn như thế.

_________

Kỳ tới: Nối vòng tay lớn

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên