Mưu sinh từ bãi rác
Theo Hãng tin AFP, rất nhiều người Syria sinh sống tại tỉnh Idlib, khu vực do quân nổi dậy kiểm soát, vẫn đi nhặt rác tại những bãi rác lớn để mưu sinh, và để tìm kiếm những vật dụng còn có thể sử dụng được.
Tại một bãi rác ở phía tây bắc Syria, anh Mohammed Behlal (39 tuổi) đang lục lọi trong núi rác để tìm nhựa, sau đó đem bán lại cho những người chuyên thu mua nhựa cũ để tái chế chúng thành các vật dụng khác, trong đó có cả những tấm thảm trải sàn.
Tại khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở Syria, tái chế rác thải không phải là một hành động vì môi trường, mà việc làm này lại chính là "bát cơm" của những người dân nghèo đói.
Anh Behlal là một trong số rất nhiều người di tản khỏi tỉnh Aleppo trong cuộc chiến ở Syria. Hằng ngày, anh cùng các con đi nhặt rác để kiếm sống tại một bãi rác ở làng Hezreh, tỉnh Idlib.
Với mức thu nhập chỉ khoảng từ 7 đến 10 USD mỗi người trong một tuần, nhưng thế này đã là may mắn đối với anh - một trong những người dân ở khu vực còn hỗn loạn bởi những cuộc đụng độ quân sự.
"Thật mệt mỏi nhưng chúng tôi có thể làm gì được đây. Chúng tôi phải chấp nhận làm công việc nặng nhọc này", anh Behlal vừa kể với AFP.
Bất chấp mùi hôi thối, côn trùng và nguy cơ dịch bệnh, anh Behlal vẫn dùng tay không và lưỡi hái đào bới đống rác với niềm hy vọng mình sẽ nhặt nhạnh được thứ gì đó.
Sau đó, anh Behlal và những người "đồng nghiệp" sẽ gom tất cả những thứ mình thu được và gửi đến một cơ sở phế liệu ở gần đó.
Những túi rác thải nhựa sau khi được phân loại theo màu sẽ được cắt vụn, nghiền thành mảnh nhỏ, rửa sạch và nấu chảy thành những viên nhựa để tái chế.
Những tấm thảm được dệt từ sợi nhựa
Anh Farhan Sleiman (29 tuổi), một trong số những người chuyên xử lý những vật liệu nhựa từ bãi rác, cho biết: "Chúng tôi mua lại nhựa từ những chiếc xe tải chở rác và trẻ em đi nhặt rác".
Bên cạnh đó, anh Sleiman cũng bày tỏ những lo ngại về nguy cơ mắc bệnh tả hay các bệnh mãn tính do làm việc với rác.
"Chúng tôi có đến hơn 30 nhân viên trong nhà máy này", anh Khaled Rashu (34 tuổi), chủ một nhà máy dệt thảm, "khoe" với AFP, bởi số lượng nhân viên như thế này đã là đông đảo ngay giữa khu vực có nhiều người thất nghiệp.
Theo anh Mohammed al-Qassem (30 tuổi) - chủ một cửa hàng bán thảm, mặt hàng này là sản phẩm bán chạy nhất, bởi địa phương này là nơi người dân phải liên tục di dời nơi ở và sinh sống trong những căn lều hay nhà tạm bợ.
Những tấm thảm được dệt từ sợi nhựa tái chế có giá thành khá rẻ, chỉ từ 5 đến 15 USD, trong khi đó một tấm thảm dệt kiểu Ba Tư truyền thống có giá khoảng 100 USD.
"Vào mùa hè, nhu cầu mua loại thảm này tăng lên nhiều hơn vì những sợi nhựa thoát nhiệt khá tốt. Đây cũng là sản phẩm được ưa chuộng vào cả mùa đông vì giá thành khá rẻ", anh Qassem nói với AFP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận