Bà Châu Loan với những tập nhật ký ố vàng - Ảnh: Tâm Lụa |
“Hồi nhỏ em rất muốn làm con ễnh ương/Kêu một tiếng thấu ba làng bảy xã/Nó kêu ông kêu bà, kêu nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ/Đường gạch chênh chênh, cơn mưa xứ lạ/Hun hút ngọn gió lùa đụn rạ chân đê/Đã hiểu gì chữ quán, chữ quê/ Lòng vẫn nao nao khi thu về lá đổ”...
Câu thơ của ông Lương Lu đã nói giúp cho bao nhiêu bạn bè mình nỗi nhớ miền Nam, nỗi nhớ mà bây giờ mỗi khi nhắc lại nhiều người còn cảm thấy “rùng mình”.
Nỗi nhớ ấy đã thổi bùng khát khao học tập, rèn luyện, đấu tranh cho một ngày mai thống nhất.
Nhớ từ lúc chưa đi
Nâng niu ba tập nhật ký đã long gáy, ố vàng, nhòe chữ được ghi chép suốt “một thời thiếu nữ đẹp đẽ” từ năm 1954 -1957, bà Nguyễn Châu Loan (Đống Đa, Hà Nội) mỉm cười: “Bây giờ không thể nói lại được nỗi lòng ngày ấy. Ngày ấy cũng không đủ khả năng viết lại được lòng mình”.
Nhật ký của Châu Loan tuổi 15 đã ghi lại nỗi nhớ từ khi chiếc xuồng chở người tập kết cô ngồi chưa rời khỏi bến Chắc Băng (Cà Mau):
“Xuống canô, ngồi bên cửa sổ nhìn sang bờ bên kia thấy những lá cờ đỏ sao vàng tự do bay phất phới trên nền trời xanh, các anh bộ đội đi lui đi tới. L. thích quá, ước gì tụi bạn ở Sài Gòn được thấy cảnh này; ...13-11-1954, tàu đến đón.
Giờ phút xuống tàu sao rất buồn. L. nhìn đồng bào đi đưa cảm động quá. Tàu chạy, đồng bào hai bên hoan hô, vẫy, giơ hai ngón tay. L. muốn khóc...
Tàu đi qua Huế, qua hòn Vọng Phu, qua miền Trung, quê hương thân yêu của L. Miền Trung núi trùng trùng điệp điệp, chiều chiều L. và các bạn lên boong ngắm cảnh. Khi tàu xa, nhìn vào bờ xa tít. Khi tàu chạy gần, thấy rõ đất liền, núi non hùng vĩ, thấy Tổ quốc tươi đẹp quá chừng.
Hết nhìn cảnh lại nhìn nước, sóng gợn lên xuống, đánh tấp vào thuyền tung tóe bọt nước trắng tươi. Tới 16-11-1954, tàu đã đến Sầm Sơn. Tàu to quá không vào bờ được nên phải xuống tàu trung chuyển. L. đứng trên tàu nhìn những thuyền đánh cá thích quá.
Tàu đậu tại bến, đồng bào miền Bắc hoan hô dữ dội. Cảm động quá, nhiều đồng bào chạy đến xách đồ đạc, bế em giùm.
Lên nghỉ tạm tại các làng ở Hải Thôn, mỗi người được phát một cái chăn bông, một cái chén. Rét cóng tay, suốt ngày chỉ muốn trùm chăn ngủ. Đồng bào tiếp đón niềm nở, săn sóc vô cùng.
Rồi cũng đến ngày phải chia tay để phân về các trường. Buồn nhưng vẫn phải đi. Trời nắng chang chang, chiếc xe hơi chở đầy thiếu nhi chạy trên đường đá gập ghềnh. Xe chạy, L. nhìn ra hai bên, nhìn cảnh nông thôn miền Bắc, L. nhớ miền Nam quá...”.
Bao nhiêu ưu tiên, chiêu đãi cũng không lấp được nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ. Biết vậy nên khi tổ chức Trường Học sinh miền Nam, các thầy cô giáo đều được “quán triệt”: cố gắng làm cha, làm mẹ các em, và cố gắng lấp đầy các khoảng thời gian trống.
Ngoài học tập, sinh hoạt, các em còn được tổ chức chơi các môn thể thao, chia đất để trồng rau, trồng hoa, nuôi gà, xuống thực tế giúp dân gặt lúa, kéo lưới, sinh hoạt văn nghệ, đi dã ngoại...
Không thể kể hết được các hoạt động, cũng không thể kể hết được những khó khăn và niềm vui” - thầy giáo Chu Trung Thanh (Hoàn Kiếm, Hà Nội), người gắn bó với Trường Học sinh miền Nam suốt 20 năm tồn tại (từ 1955- 1975 - PV), kể.
Kể những câu chuyện về các học sinh “có lúc còn nghịch hơn cả quỷ, ma” của mình, thầy Thanh nói: “Nghiêm phải rất nghiêm, mà thương phải rất thương, có vậy mới không đẩy các em ra xa mình. Có lúc các em còn cố ý quậy phá để được các thầy cô chú ý, để thử lòng thương của chúng tôi”.
Có lần ba em học sinh bị dân phát hiện đi bẻ trộm mía, bị bắt vào phòng giáo viên chờ kỷ luật. Bỗng một em ngẩng lên nhìn cô giáo: “Em xin cô một cái tát tai. Em nhớ và thèm một cái tát tai của má em lắm”.
Cô giáo đứng lặng người. Trong cuốn lưu bút của các em học sinh lớp 6, thầy cô còn nhớ một câu thơ em nào viết: “Ở đây chẳng thiếu thứ gì/Chỉ duy thiếu mẹ mỗi khi nhớ nhà”.
“Vậy nên làm thầy của các em, chúng tôi rất ít khi về nhà, kể cả ngày tết” - thầy Chu Trung Thanh, thầy Phạm Tất Dong đều nói.
Những ngày tết, chỉ một số em có người thân được đón về gia đình, còn lại ở trường thầy cô và học sinh cùng bắt tay vào làm tết, ăn tết.
Lấy giấy vàng cắt hình hoa mai dán lên cây khô đặt cạnh cành đào rực rỡ, lấy lá dong cuộn tròn cố gắng gói chiếc bánh tét bên cạnh bánh chưng, góp thịt, góp trứng làm nồi thịt kho hột vịt, đổ mẻ bánh xèo. Rồi ca hát, rồi viết thư về Nam...
“Vậy mà vẫn chưa hết buồn, chưa hết ngày. Có lần chúng tôi từ trường ở Hà Đông vừa đi bộ, đi tàu điện lên Hà Nội, ra hồ Gươm, đi bộ hết các dãy phố cổ vào rạp Tháng Tám xem phim rồi lại ra hồ. Trời lạnh cắt da, nhìn những gia đình dắt nhau đi chơi tết, lòng mình còn tê tái hơn cái rét.
Sắp lớn, sắp thành thanh niên rồi mà nước mắt cứ chảy dài. Ngồi mãi hết tàu điện, mấy đứa kéo nhau lủi thủi đi bộ, tới gần sáng mới về tới trường” - ông Tô Duy Hợp, cậu học sinh miền Nam 10 tuổi ngày ấy, kể.
Các nữ sinh của Trường Học sinh miền Nam số 18 - Ảnh: tư liệu |
12-1956
Cuộc sống tập thể rồi cũng làm nguôi nỗi nhớ. Khi ra đi, các cô cậu bé đều đã được dỗ dành: “Đi học hai năm rồi về với ba, má”, nỗi quyến luyến, lo lắng nhờ thế mà trở nên nhỏ hơn sự háo hức trẻ thơ, háo hức được học, được gặp Bác Hồ, được biết nhiều điều mới lạ.
Nhưng rồi hết hai năm hứa hẹn, từ cuối năm 1956 sang 1957, 1958, 1959 là thời điểm khó khăn nhất với những người miền Nam đi tập kết, lại càng khó khăn với các học sinh miền Nam.
Triển vọng thực hiện tổng tuyển cử tắt lụi, từ miền Nam dập dồn những tin xấu: các gia đình cách mạng bị đàn áp, truy bức, nhiều người bị giết hại, các trại tập trung, trại tù ngập người...
Hoang mang, xáo động, sốt ruột, chán nản. Thứ bảy, chủ nhật, từng đoàn học sinh từ Sơn Tây, Hà Đông lũ lượt kéo nhau về Hà Nội, đi vòng quanh hồ Hoàn Kiếm biểu tình đòi chính quyền miền Nam thi hành hiệp định Genève.
Ở trường nữ, cô giáo thường xuyên bắt gặp những em học sinh mắt đỏ hoe vì khóc, có em ngất xỉu khi nghe tin tức từ loa phóng thanh. Ở trường nam, bắt đầu có những em trốn học, trốn trường đòi quay về quê nhà chiến đấu.
Một nhóm nam sinh Trường số 6 Hải Hưng rủ nhau làm giả giấy giới thiệu, trốn về Nam. Các thầy cô đi tìm khắp nơi, cuối cùng gặp được ở tận sông Bến Hải...
Trong các văn bản còn lưu lại của Ban chấp hành trung ương, Thủ tướng phủ năm 1956, 1957, chúng tôi đọc được những ghi nhận, báo cáo tỉ mỉ về tình trạng này và những giải thích, khuyến nghị, chỉ thị được gửi đến các trường học, cơ quan, nhà máy, nông trường để làm mọi cách ổn định tư tưởng học sinh, cán bộ, đồng bào miền Nam.
“Lời chào bằng hai ngón tay thế là đã không thành hiện thực. Những ngày ấy, giờ học sử của cô trò chúng tôi hầu như chỉ nói về miền Nam, miền Nam” - cô Hồ Thị Liên An kể.
Vốn là một nữ sinh Trường Marie Curie ở Sài Gòn, cô Liên An rành tiếng Pháp hơn tiếng Việt.
Năm 1954, cô cũng lên đường ra Bắc, đi học đại học sư phạm để rồi sau hai năm rưỡi đất nước không thống nhất, cô về Trường Học sinh miền Nam cùng các học trò ôn nỗi nhớ quê hương, hun đúc kiến thức, kinh nghiệm từ lịch sử bất khuất của đất nước, chuẩn bị tinh thần cho cuộc đấu tranh thống nhất.
Cô nhỏ nhẹ nhắc: “Một trong những học sinh của tôi là Ca Lê Hiến (tức nhà thơ Lê Anh Xuân - PV). Những ngày ấy, em viết: Quê nội ơi/Mấy năm trời xa cách/Đêm nay, ta nằm nghe mưa rơi/Nghe tiếng trời gầm xa lắc/Cớ sao lòng thấy nhớ thương...”.
___________________
Kỳ tới: 21 năm - hội ngộ trên đất Bắc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận