20/10/2014 12:50 GMT+7

60 năm miền Bắc đón miền Nam - Kỳ 1: Lòng người mênh mông

PHẠM VŨ - HÀ ĐỒNG
PHẠM VŨ - HÀ ĐỒNG

TT - 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết. Đình chiến, nhưng đất nước lại chia đôi.

Đón cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc - Ảnh tư liệu
Đón cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc - Ảnh tư liệu

Bắt đầu những chuyến tàu tập kết ra Bắc, di cư vào Nam. Cuộc chia ly ở miền Nam thấm nhiều nước mắt, nhưng đó là cuộc chia ly để hẹn ngày thống nhất.

Cái hẹn hai năm trở về đã hóa thành hai mươi năm máu lửa chiến tranh.

60 năm đã trôi qua, bắt đầu từ tháng 10-1954...

86 tuổi, mắt đã lòa, chân đã yếu, thầy giáo Lê Kim Tâm (Q.3, TP.HCM) vẫn háo hức chờ đợi đến ngày họp mặt học sinh miền Nam đang được các học trò của ông sắp xếp, tổ chức. Thông qua đôi mắt và giọng đọc của vợ, ông vẫn theo dõi đầy đủ thông tin thời sự trên báo chí, và nhất là tin tức về các học sinh miền Nam khi xưa.

“Một đoạn đời sôi nổi” - thầy Tâm bảo thế và ông kể chuyện không dứt về những ngày sôi nổi ấy, nhắc tên từng người đồng sự, từng cô cậu học trò, dù rằng đã 60 năm trôi qua.

Đợi khách  miền Nam

Mối tình thắm thiết

“Mối tình giữa đồng bào Nam - Bắc rất thắm thiết. Được tin có anh chị em ở miền Nam ra, đồng bào nô nức đi đón, có người phải đi bộ hai, ba ngày. Đợt đầu có đến 40.000 đồng bào đón. Những lúc bất thường, cấp bách như cuộc đón 800 anh em ở Bần Yên Nhân trong tháng 10-1954 chỉ biết trước một đêm, nhưng đến mờ sáng đã có trên 20.000 người đứng đợi dọc đường. Mưa, gió rét đồng bào vẫn kiên nhẫn đứng, có chị bế con mới 5 tháng đi đón. Nhiều lúc tàu chập chờn vì sóng gió đến chậm, đồng bào vẫn đợi tuy không còn lương ăn. Nhờ tinh thần tích cực của anh em nhân viên và thuyền chài ở Cửa Hội, có lần đã chuyển được 15 khẩu đại bác 105 li vào bờ an toàn. Có ngày ở Sầm Sơn 5.000-6.000 người lên bờ một lượt, việc tiếp đón vẫn được chu đáo...”.

(Báo cáo của Ban đón tiếp quân đội và cán bộ miền Nam trung ương - tháng 12-1954)

“Tham gia kháng chiến từ 15 tuổi, vừa hoạt động vừa học “chạy”, trường lớp nay ở lán, mai nhà dân, mốt bụi cây... nhưng các thầy đều rất giỏi. Năm 1954, tôi tốt nghiệp sư phạm, xung phong về “Bình Trị Thiên khói lửa” nhận công tác. Chưa kịp thì sự kiện Điện Biên Phủ - Hiệp định Genève diễn ra, và sau đó tôi cùng các đồng nghiệp được giao đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết...” - ông Tâm hào hứng kể. 

Từ Sầm Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Hội, Cửa Lò (Nghệ An) hối hả, tưng bừng vào việc. Chỉ với một mảnh giấy bé bằng bàn tay viết lời đề nghị giúp đỡ của ban tiếp đón, ông Tâm đã đi mượn được xe, người, xin được vật liệu, lương thực.

Những dãy lán vừa dùng trong việc trao trả tù binh được sửa sang lại, dựng mới thêm. Những bà mẹ, những cô gái xăng xái dọn dẹp nhà cửa để có chỗ sạch sẽ, ấm cúng đón khách.

Những thanh niên trai tráng xung phong dầm biển lạnh để dựng cầu tàu. Từ Nam Định, Hải Dương, những chiếc xe tấp nập chở về gạo trắng, gạo thơm. Từ Hà Nội là những chiếc xe chở chăn màn, quần áo. Tất cả được gửi ở nhà dân.

“Gạo không hao hụt một hạt. Áo không mất một chiếc. Việc cần đến đâu là có người đáp ứng đến đó, lúc nào cũng như dư thừa. Nếu hiểu tình cảnh của người dân Thanh Hóa, Nghệ An lúc ấy mới thấy được lòng dân bao dung và trong sáng đến mức nào” - ông Tâm nhắc lại.

Năm ấy Thanh Hóa, Nghệ An vừa trải qua một đợt lụt ngay sau hạn hán, thất mùa. Trước đó nữa thì tất cả nhân lực, vật lực đều đã được huy động cho kháng chiến. Không gia đình nào đủ gạo ăn, nồi cơm, nồi cháo phải độn bằng rau má, lá su hào và cả củ chuối. Khoai lang mới lớn bằng ngón chân đã buộc phải đào lên ăn. Không em bé nào có đủ áo để mặc khi những cơn gió lạnh mùa đông đã bắt đầu buôn buốt. 

Tất cả những ấm áp, no đủ, lành sạch được để dành đợi khách miền Nam.

Ông Trần Trí Hợi (phải) kể lại chuyện không quên 60 năm trước ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) -	Ảnh: hà đồng
Ông Trần Trí Hợi (phải) kể lại chuyện không quên 60 năm trước ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) - Ảnh: Hà Đồng

Ngày hội Sầm Sơn

Nay đã 90 tuổi, ông Trần Trí Hợi (thôn Toàn Thắng, phường Quảng Tiến, Sầm Sơn, Thanh Hóa) vẫn nói rành rọt khi nhắc về những ngày ấy: “Vui như ngày hội và không thể phai mờ”. Năm 1954-1955, ông Hợi vừa là bí thư chi bộ, vừa là chủ tịch UBND xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến - PV), ông đã huy động nhân dân xây dựng khu lán A (dài 500m, rộng 30m) dọc bến xóm Toàn đến xóm Thành Lập và khu lán B nằm về phía tây xóm Phúc chờ đón đồng bào miền Nam.

Trong nhiều ngày liên tiếp, dân quân, nông dân đã trần lưng vận chuyển đất đá, hàng chục nghìn cây luồng để đắp nên con đường từ trụ sở của chính quyền xã ra tận mép nước của bến Sầm Sơn. Ở các khu lán, nhà bếp, trạm xá cũng được chuẩn bị chu đáo. Khi biết tàu lớn không cặp bờ được, cầu tàu đã làm xong lại không thể sử dụng, xã lại huy động ngư dân chèo hàng chục chiếc thuyền đánh cá ra tận nơi đón, dù có lúc gió mưa, lúc sóng lớn.

Ông Hợi kể: “Những ngày đón tiếp đồng bào miền Nam lưu lại bến Sầm Sơn, khu vực lán A và lán B lúc nào cũng đông vui như ngày hội. Nhóm nấu ăn, nhóm ca hát, kể chuyện, nhóm đốt lửa sưởi. Nhiều em nhỏ miền Nam đi biển dài ngày, lại thêm say sóng, cảm lạnh, chúng tôi đã chăm sóc, thuốc thang rất tận tình, chu đáo...”.

Ông Nguyễn Thế Lý cũng 90 tuổi, lúc bấy giờ là cán bộ tuyên truyền của xã Quảng Tiến, kể lại: “Đội thông tin - tuyên truyền chúng tôi đã làm rất nhiều băng rôn, biểu ngữ với những dòng chữ “Hòa bình cho Việt Nam”, “Nhiệt liệt chào đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc”... treo dọc suốt hai bên đường từ thị xã Thanh Hóa xuống bến Sầm Sơn. Chuyến tàu đầu tiên thực dân Pháp trao trả những chiến sĩ của ta, hàng ngàn đồng bào ở Sầm Sơn và các huyện lân cận đứng chật hai bên đường chào đón”.

Cũng như ông Hợi, ông Lý lại nghẹn ngào khi nhắc về người dân xứ Thanh, Nghệ. Ngày ấy người dân các huyện vùng biển Thanh Hóa còn quá khó khăn, đói khổ. Nhưng các mẹ, các chị, các ngư dân Sầm Sơn, Quảng Xương hằng ngày vẫn tự nguyện góp gạo, ngô, khoai, mắm, cá đưa về tập trung ở khu nhà bếp để nấu nướng, chăm sóc cho đồng bào miền Nam từng bữa ăn chu đáo, đủ đầy. Trong nhà, những tấm phản cao ráo nhất, ổ rơm dày nhất, chiếc chăn bông, tấm áo len ấm nhất cũng được nhường cho người miền Nam.

Ấy thế mà mùa đông ấy còn có những “đêm nóng” nữa. Ông Trần Trí Hợi kể: “Nhiều đêm, chúng tôi tổ chức văn nghệ, có lúc có đoàn văn công phục vụ, có lúc thì “tự biên tự diễn”. Nhiều người miền Nam, nhất là các em nhỏ, rất thích thú khi được nghe những bản nhạc hùng hồn của kháng chiến thời ấy. Còn dân Bắc chúng tôi thì cứ ngẩn người khi lần đầu nghe người Nam hạ câu vọng cổ, nghe giọng người miền Trung hát dân ca. Cứ thế, giọng hát của đủ mọi miền hòa vào nhau, vang xa cho đêm đông ấm nóng...”.

___________

Kỳ tới: Những bữa cơm ăn riêng

 

PHẠM VŨ - HÀ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên