21/10/2014 14:25 GMT+7

60 năm miền Bắc đón miền Nam - Kỳ 2: Bữa cơm ăn riêng

PHẠM VŨ - TÂM LỤA
PHẠM VŨ - TÂM LỤA

TT - Những ấn tượng mãi không phai trong tâm trí đồng bào miền Nam khi các chuyến tàu tập kết đến bờ sau bao ngày bão gió.

Khi tàu cập bến miền Bắc - Ảnh: tư liệu
Khi tàu cập bến miền Bắc - Ảnh: tư liệu

“Trên bờ biển, một bức tường áo nâu chờ đón chúng tôi” - bà Mạc Thị Kim Cúc, người đã bế con trai chưa tròn tháng lên tàu tập kết theo chồng, kể.

“Bữa cơm nóng đầu tiên với tô canh cải nấu tép ngon không thể tả” - ông Nguyễn Tấn Vạn, chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, kể với ấn tượng của cậu bé 12 tuổi ngày ấy.

“Chao, ở xứ Quảng khổ lắm, mà mấy ngày đầu ra Bắc được bà con cho ăn uống lu bù” - ông Quách Đăng Triều, nguyên viện trưởng Viện Hóa học, không ngớt lời ngợi ca cái tình của các bà mẹ miền Bắc.

“Sao hồi ấy người ta tốt thế...”

Trời Bắc Nam càng thắm thiết/Biển rộng làn nước xanh xanh thắm tươi/ Dòng sông câu hò vang trời/Lòng nhân dân đón mừng bộ đội/Đàn em bé vui reo cười/Mẹ già lòng vui nói không nên lời/Trên bến dưới sông hát vang/Bến sông hò vang, mừng anh bộ đội trong Nam...

Chưa kịp hỏi, ông Lê Du Phong, nguyên hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, đã hát ngay cho chúng tôi nghe những câu hát rộn ràng tả cảnh bà con ở bến Sầm Sơn chào mừng đoàn người tập kết 60 năm trước.

“Kể không thể hết được, các em bây giờ có nghe cũng không thể tưởng tượng được” - ông Phong nói vậy.

10 tuổi, Phong cùng đoàn học sinh miền Nam lên tàu Kilinski. Vừa thấy bến Sầm Sơn là thấy hàng đoàn người đứng trên bờ biển vẫy tay reo hò. Cờ, biểu ngữ, hoa tung bay trong gió. Người dân thay nhau đưa thuyền nan ra đón.

Trên bờ, những chậu nước nóng được đặt sẵn để mọi người rửa mặt, tỉnh cơn say sóng, người nấu cơm, cháo, người dẫn học sinh đi nhận quần áo được cấp phát...

“Vừa chiến tranh xong, đời sống người dân thế nào không nói chắc mọi người cũng biết. Thế mà bà con vẫn dành tất cả cho học sinh miền Nam” - ông Phong bồi hồi nhớ lại. Nhưng đó là điều mà sau này ông mới hiểu.

Còn cậu bé Phong 10 tuổi ngày ấy rất sung sướng được ăn một bữa cháo gà trên bãi biển Sầm Sơn, cũng như cậu bé Nguyễn Tấn Vạn 12 tuổi nhớ mãi chén cơm nóng với tép kho khô, tô canh cải và đĩa lạc rang trên biển Cửa Hội (Nghệ An).

“Mấy ngày đi tàu không ăn được, hôm ấy ăn bữa cơm rồi ngả ra ngủ một giấc thật đã đời” - ông Vạn nhắc. Cho đến hôm nay, trên bàn ăn nhà ông chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN vẫn thường xuyên xuất hiện món canh cải nấu tép khô xứ Nghệ.

Được chia ra từng tổ ở trong nhà dân, học sinh miền Nam có bếp ăn riêng, ngày hai lần đến bữa bưng mâm về ăn. Cơm trắng, thịt cá, rau đậu, canh xào, vô tư, vui vẻ và sung sướng.

Sáng không có tiêu chuẩn, nhưng vừa mở mắt dậy đã thấy bác chủ nhà để dành cho đĩa khoai, sắn mới luộc còn nóng hổi, chỉ lạ là khoai sao bé thế, có củ chỉ như ngón tay.

Trời sang đông, gió lạnh căn cắt, được phát chăn bông, áo len, được nhường tấm phản duy nhất trong nhà, các cô cậu bé miền Nam vẫn run lên vì lạnh. Bác chủ nhà lại nhường thêm cho cái ổ rơm ấm hơi người, lại kéo thêm củi để cơi bếp sưởi.

“Phải đến cả tuần, thân thiết, lên nhà xuống bếp, trò chuyện với trẻ con người lớn cởi mở rồi chúng tôi mới biết...” - ông Phong, ông Triều kể, giọng nhuốm chút ăn năn.

Các cô cậu học sinh miền Nam ngỡ ngàng khám phá ra những nồi “cơm” độn khoai ít mà rau thì nhiều, lúc ấy mới hiểu được ánh mắt của mấy đứa trẻ cứ đứng chéo chân nhìn cả nhóm ngồi quanh mâm cơm, mới biết được ý nghĩa của những cái xua tay quầy quậy mỗi khi ai đó xăng xái xuống bếp, mới vỡ lẽ vì sao mấy đứa trẻ cứ khóc thét khi thấy lá rau má...

60 năm trôi qua, những cô cậu miền Nam ngày ấy giờ đã là những cụ hưu trí, vẫn đau đáu một câu hỏi: “Sao đồng bào miền Bắc ngày ấy tốt đến thế, nồng hậu đến thế? Công lao đồng bào miền Bắc to lắm, không thể nào nói hết được...”.

Các bà mẹ miền Bắc nồng nhiệt đón những đứa con từ miền Nam - Ảnh: tư liệu
Các bà mẹ miền Bắc nồng nhiệt đón những đứa con từ miền Nam - Ảnh: tư liệu

Bài học đầu tiên

Ông Lê Kim Tâm không quên chi tiết nào của những câu chuyện ấy: “Các em miền Nam hồn nhiên, vô tư, không biết phong tục miền Bắc phải mời trước khi ăn, bưng mâm cơm về cả nhóm ngồi vào ngay.

Các em cũng nghe nói miền Bắc giàu có, vui sướng lắm. Mấy bà người Bắc bảo mấy đứa dễ thương nhưng còn dại quá. Tôi phải dạy các em mời cơm, lại nói cho các em hiểu thực tế khó khăn của miền Bắc. Sau đấy là thay đổi.

Có em bưng mâm về còn ngồi chờ chủ nhà chẻ củi xong vào để mời rồi mới ăn. Các em đều biết san sẻ, sớt bớt cơm trắng, thức ăn dành cho con của chủ nhà. Đồng bào giữ nguyên tắc rất nghiêm, không có gạo nhưng không ai ăn cơm của học sinh miền Nam.

Ai cũng bảo các em xa cha mẹ ra đây học tập, phải được ưu tiên, cố gắng mời lắm thì chỉ chia sẻ được với các em nhỏ”.

Trong những tập lưu niệm, kỷ yếu của học sinh miền Nam có thể tìm thấy rất nhiều câu chuyện, vần thơ ghi lại những câu chuyện ấy.

Như lời tự sự của bác sĩ Huỳnh Kim Mai: Thiếu nhi miền Bắc còn lưng trần/Nhưng mình được ấm đến tận chân/Đồng bào hai bữa ăn rau cháo/Mình được cơm no, gạo trắng ngần.

Ông Lương Lu viết: Đất Bắc tảo tần, chiếc áo tứ thân cơ khổ/ Chân vạc chân cò dầu dãi nắng mưa/Sông Đáy chiều đò vắng người thưa/Rồng rắn theo thầy, chân in hoa trên cát...

Ông Nguyễn Văn Cử (quê Quảng Ngãi) cũng mang trong lòng mình một câu chuyện như vậy.

Ra tập kết, ấn tượng đầu tiên là sự đón tiếp quá nồng hậu, trọng thị ngoài sức tưởng tượng, nhưng là một anh bộ đội đã từng sống và lăn lộn với dân mấy năm kháng chiến, anh nhận ra một vẻ gì lo lắng, khó nói của họ ẩn sau những nụ cười.

Về Hà Đông, lại vào ở nhà dân, chủ nhà dọn xuống nhà dưới, nhường bộ đội nhà trên. Lân la chuyện trò, lại vẫn thấy vẻ giữ kẽ, xa lạ, hỏi gì nói nấy.

Sợ dân buồn phiền, Cử cùng đồng đội phân công nhau người lau dọn nhà cửa, người đi gánh nước, chia phần thức ăn cho các cụ già và em bé.

Được một tuần, không khí đã ấm áp hơn, Cử nín thở hỏi: “Chúng cháu từ miền Nam ra đây, dù Nam hay Bắc vẫn là con một nhà. Thấy bác không được vui, hay chúng cháu làm điều gì khiến bà con không vừa ý?”.

Cụ già ứa nước mắt thổ lộ: “Các ông địa phương bảo người miền Nam tính tình nóng nảy, thẳng thắn, không vừa ý họ sẽ mắng nên chúng tôi sợ. Sợ không hoàn thành nhiệm vụ được Nhà nước giao phó...”.

Hiểu được nhau, cả hai cười xòa, những khoảng cách không còn nữa, họ gắn bó với nhau như người một nhà. Tháng sau khi chia tay lên đường nhận nhiệm vụ, cả người đi lẫn người ở lại đều ôm nhau khóc...

Bây giờ giữa những chuyến công tác, những học sinh miền Nam như ông Vạn, ông Phong vẫn rủ nhau tìm về những gia đình từng cưu mang họ ở Hà Tây, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Nhưng những người dân đã từng chia đôi bát cơm, lót ổ rơm cho họ nằm, nhường chỗ tốt nhất trong nhà đều đã ra đi vì tuổi cao, vì chiến tranh, loạn lạc...

Trường học sinh miền Nam ở Hà Đông nay đã được thay thế bằng Trường đại học Thể dục thể thao 2, nhưng bể nước, dãy lớp học xây bằng gạch, hàng cây vải các ông trồng khi xưa vẫn còn.

Cùng với các bạn, ông Nguyễn Tấn Vạn đang thực hiện dự án khu lưu niệm ngày đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tại bến cảng Sầm Sơn. Khu lưu niệm sẽ có nhóm tượng, công viên văn hóa, rừng dừa cạnh bờ biển, trên con đường ký ức có lán trại như ngày xưa...

__________________

Kỳ tới: Thằng nhỏ Lang của thầy Dong

PHẠM VŨ - TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên