30/03/2022 12:05 GMT+7

Nổi chìm đời hàng rong - Kỳ 6: Gánh hàng rong giữa phố thị hiện đại

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Thời đại kinh tế phát triển, máy móc đã thay thế phần lớn sức người, nhưng gánh hàng rong vẫn kẽo kẹt giữa phố xá hiện đại.

Nổi chìm đời hàng rong - Kỳ 6: Gánh hàng rong giữa phố thị hiện đại - Ảnh 1.

Gánh khoai, lạc luộc của bà Thanh kẽo kẹt trên Hàng Bông - Ảnh: TÂM LÊ

Có người nói vui rằng chừng nào Hà Nội còn "ngõ nhỏ, phố nhỏ" thì gánh hàng rong vẫn còn.

Những đôi vai chai sần quang gánh cả đời

Con phố nhỏ tôi trọ ở Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), mỗi sáng đều có tiếng gọi quen thuộc của các cô gánh hàng rau. Buổi trưa, buổi chiều là tiếng rao của cô bán bánh rán, chè đậu đen, bánh bột lọc.

- Cháu có thể gánh thử không? - tôi hỏi.

- Đố gánh được đấy! - bà Nga, gánh hàng rau, vui vẻ trêu tôi.

Chiếc đòn gánh cong trên vai tôi, bước đầu đã lảo đảo.

- Nặng đến 30kg đấy bà nhỉ? - tôi ước tính.

- Hơn 30kg chứ, tôi đã bán được nửa vòng rồi.

Gánh rau được xếp trên hai đầu thúng tròn xoay, đủ loại tươi non. Có bà bán thêm trứng, cá, gà quê bỏ trong giỏ xách tay.

Mỗi người trong xóm tôi trọ đều biết rõ có ba gánh hàng rau của bà Tình, bà Lành, bà Nga. Họ thuộc tới cả giờ đi bán, giọng nói của mỗi bà. Có người hỏi mua mớ rau muống, có người hỏi rau ngải cứu, người lại dặn ngày mai nhớ mang cho mớ lá chanh, sả để xông.

Một bà cụ gọi với từ tầng 3 xuống vì muốn trả nợ 30.000 đồng, người bán rau nói với lên: "Không phải nợ con cụ ơi, cụ nợ người khác rồi".

Bà Lành và bà Nga là hai chị em ruột, quê ở Thường Tín, Hà Nội. Bà Tình quê ở Hưng Yên, đang trọ ở quận Thanh Xuân. Cả ba bà đều ở tuổi trên dưới 60 và đôi vai đều đã trĩu gánh hàng rau suốt 30-40 năm nay. 5 giờ sáng mỗi ngày, hai chị em bà Lành đèo rau bằng xe máy từ quê lên chợ cóc Vĩnh Hồ bán. Đến tầm 9-10 giờ, hai bà gửi xe máy chuyển sang gánh đi bán rong trên các phố Thái Thịnh, Chùa Bộc, Tây Sơn (quận Đống Đa).

Bà Tình cũng bán rau ở chợ cóc, gần trưa bà cũng quẩy rau đến các ngõ, bán cho từng nhà. "Rau vừa tươi ngon, vừa không phải mất công đi chợ" - những người trong xóm của tôi nhận xét.

Trên phố cổ Hà Nội, quen thuộc nhất vẫn là những gánh hàng khoai, sắn dây, lạc luộc. Thi thoảng còn gánh cháo, bánh xèo, bánh mì ngồi ở góc phố nhỏ. Những người lớn tuổi cho biết gánh hàng ăn ngày càng ít dần, nhất là phở gánh. Thời ông bà, bữa nào có tiền là dẫn con cháu ra gánh phở chiêu đãi. "Giờ ở đâu cũng có quán phở, gánh phở đồ đạc lại lỉnh kỉnh, nặng nề và đắt đỏ nên không còn mấy ai gánh gồng".

Thi thoảng tôi lại bắt gặp gánh chuối ở phố Phùng Hưng, gánh cam ở Hàng Bạc, ganh khoai lạc luộc ở Hàng Bông. Các bà, các chị với hình ảnh chiếc nón lá quen thuộc, đôi dép lê và đôi quang gánh kẽo kẹt.

- Tại sao bà không đi bán bằng xe máy, hay xe đạp cho khỏe? - tôi hỏi bà Thanh, bán khoai sắn luộc trên phố Hàng Bông.

- Tôi yếu tay, không đi được xe, mà cũng gánh quen vai rồi - bà cười. Lúc nào đau vai quá, bà quấn khăn bông hoặc cái áo cũ lót vào giữa đòn gánh cho đỡ đau.

Các bà gánh hàng rau ở ngõ nhà tôi cho biết: "Ngõ nhỏ mà người dân không muốn ra đường. Họ đứng ở cửa nhà gọi rau nên gánh là tiện nhất, lúc nào nặng thì đặt gánh xuống nghỉ".

Chị Xuân bán quà vặt, bánh cốm, bánh gai, chè bưởi ở gần Hồ Đắc Di, quận Đống Đa thì tự hào về gánh hàng rong của mình: "Gánh hàng trông đẹp, nhiều người thích. Tôi bày đồ ăn trên gánh đẹp mắt mà lại sạch sẽ nữa".

Nhiều người ở ngoại thành Hà Nội gửi gánh ở trên phố với giá 100.000 đồng mỗi tháng. Sáng sáng, họ chạy xe máy lên gửi, rồi kẽo kẹt quang gánh bán xong là về.

Nổi chìm đời hàng rong - Kỳ 6: Gánh hàng rong giữa phố thị hiện đại - Ảnh 2.

Buổi trưa, chị Xuân tranh thủ chợp mắt bên gánh hàng rong của mình - Ảnh: TÂM LÊ

Mẹ gánh rau, khoai nuôi các con vào đại học

Tôi gặp nhiều người lớn tuổi gánh hàng rong ở trên phố, họ cho biết đã gắn bó với gánh hàng lâu năm rồi. Không ai làm giàu được từ gánh hàng rong, nhưng họ đã giúp gia đình vượt qua thời đói nghèo và nuôi con cái ăn học thành người.

Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Thanh, 58 tuổi, gánh hàng rong bán khoai sắn, lạc luộc ở phố Hàng Bông làm tôi xúc động. Bà cho biết: "Tôi đi xe run tay nên chỉ gánh được. Gánh mệt lắm, vì tính ra mỗi ngày tôi đi quanh phố đến 30km. Gánh 40 năm rồi, tôi chưa nghỉ được vì con út vẫn còn đang học, ông nhà tôi lại mới phải mổ khớp chân".

Bà Thanh có 6 người con thì tới 4 người được học đại học, con út của bà đang học Đại học Y, Thái Nguyên. "Con bé học những 7 năm mới ra trường, sao lại học lâu thế chứ, mấy đứa trước học 4 năm là ra rồi. Nó bảo ra trường còn học tiếp 2 năm nữa nhưng có lương, nó cứ bảo mẹ cố gắng cho con học xong" - bà Thanh kể.

Nghe con năn nỉ, ham học, bà Thanh không nỡ trách cứ. Hàng xóm cũng khuyên bà, con học giỏi cố gắng cho chúng học vì không phải nhà nào cũng được như vậy. Bây giờ các con bà, vài người ra trường đi làm đã có lương nên bà đỡ lo toan hơn trước.

Gia đình bà Thanh ở trong làng gần phố Nối, tỉnh Hưng Yên. Bà đang thuê trọ cùng với những người bán hàng khác, mỗi đêm hết 20.000 đồng. Xưa nay bà chỉ bán một mặt hàng là khoai, sắn dây, lạc luộc. Bà có kinh nghiệm chọn mua nên nhiều người ăn ngon hay gọi mua. Đúng là món nào của bà cũng ngon nên tôi mua ủng hộ, và bà nhất định không nhận tiền ai tặng thêm...

Ở khu phố Hồ Đắc Di, quận Đống Đa, ai cũng quen với gánh quà vặt của chị Lê Thị Xuân. Chị đã ở trên con phố này tròn 20 năm, người dân quen đến nỗi có món ăn hay đồ đạc gì thay mới cũng gọi chị cho đồ cũ về dùng.

Chị chỉ đùm dừa nạo treo trên xe, nói nhà bán dừa vừa cho, họ còn ngâm đường sẵn về làm mứt. Hôm thì có người cho nồi cơm điện cũ, quạt cũ, chị mang về quê dùng không hết cho cả hàng xóm dùng. Ngược lại, chị bán buôn cũng xởi lởi, hàng ngon chị nói ngon, dở nói dở. Hôm nào ế hàng, chị đem bán cho người lao động, vừa bán vừa cho.

Chị khoe, có người vừa đặt 50 cái bánh giò, ngày mai chị lấy loại bánh mới, ngon nhất cho họ. Khách quen của chị giờ nhiều hơn khách lạ, buôn bán khỏe hơn ngày xưa. Gánh hàng của chị chủ yếu là bánh ngọt, chè, cốm, bánh tẻ đặc sản quê chị.

Mỗi đầu quang gánh một cái thúng, trên thúng chị đặt một mâm nhôm trắng để bày quà bánh rất đẹp mắt. Chị tìm được một chỗ ngồi cố định bên lề đường, lúc nào đi rong mỏi mệt thì ngồi một chỗ bán. Không phải ai cũng tìm được chỗ ngồi bán hàng trên phố, lại không mất phí như chị.

Chị Xuân nhớ lại: "Tôi đi giúp việc đến năm 19 tuổi, đi lấy chồng rồi đi bán hàng rong luôn. Những năm đầu về làm dâu, nhà chồng đông con, cơm không đủ ăn. Nhiều người trong nhà bị bệnh tình kéo dài. Tôi và em gái chồng rủ nhau lên phố bán rong từ đó đến nay".

Bây giờ, gia đình chị đã làm được nhà, dù vẫn còn nợ tiền nhưng không phải vay nặng lãi. Chị Xuân nói may mắn có người chồng lo toan và yêu thương nên chị thấy gánh nặng được san sẻ. Vì gia cảnh trước đây không được học hành, không biết chữ, nên giờ chị đang cho cả ba con học hành đầy đủ. Con gái đầu của chị đang học đại học, học phí của các con phần lớn từ gánh hàng rong của chị.

"Ngày xưa, khi cả mấy đứa con cùng đi học, tôi đi bán hàng rong từ sáng tới khuya nhưng chỉ dám ăn một bữa. Người trong xóm trọ cứ hỏi, không ăn hay sao mà gầy ốm thế, khi ấy tôi chỉ hơn 30kg thôi. Thế mà cũng qua được cái thời ấy, mỗi lần nhớ lại không tin nổi" - bà Thanh nghẹn giọng kể.

Một số người bán hàng rong suốt đêm với xôi, ngô, bánh bao, bánh mì, bánh giò. Tiếng rao giữa đêm hôm khuya khoắt, dáng gầy đạp xe liêu xiêu dưới ánh đèn đường đã quen thuộc với phố thị.

Kỳ cuối: Tiếng rao văng vẳng suốt đêm dài

Nổi chìm đời hàng rong - Kỳ 5:  Đêm trọ của những phận nghèo Nổi chìm đời hàng rong - Kỳ 5: Đêm trọ của những phận nghèo

TTO - Nhà trọ tập thể gần 30 người bán hàng rong ở, nhưng chẳng mấy khi gặp mặt nhau. 4 giờ sáng họ ra khỏi nhà, 10 giờ tối mới về.


TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên