27/03/2022 09:30 GMT+7

Nổi chìm đời hàng rong - Kỳ 3: Cả gia đình bán hàng rong

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Có nhiều xe hàng rong gồm cả gia đình, cha mẹ, anh chị em họ hàng cùng lên phố mưu sinh. Đôi vợ chồng trẻ bán bún riêu đậu, hay vợ bán rau, chồng làm xe ôm. Em bán đệm ghế, chị bán hoa quả, bánh mì.

Nổi chìm đời hàng rong - Kỳ 3: Cả gia đình bán hàng rong - Ảnh 1.

Nhiều người bán hàng rong ở Hà Nội thời nay vẫn trĩu nặng quang gánh trên vai - Ảnh: TÂM LÊ

Cùng thân phận kiếm sống nhọc nhằn trên phố, họ có thể đỡ đần nhau khi ế ẩm hay lúc ốm đau…

Đừng bán một thứ, chịu khó bán mỗi thứ một ít. Người ta mua cà chua thì mình bán thêm rau thơm, hành. Lâu lâu bán thêm cà tím, chuối xanh để họ đổi bữa.

Bà NGHIÊM (bán hàng rong ở khu Long Biên, Hà Nội)

Rời sào ruộng quê, lên phố mưu sinh

"Lên phố bán hàng mỗi ngày cũng được vài trăm ngàn, ở quê làm gì để ra tiền với mấy sào ruộng". Đây là lý do phổ biến của nhiều gia đình bán hàng rong. Nhưng cũng còn những lý do "mỗi nhà mỗi cảnh" như gia đình có người ốm đau, bệnh nan y đã cạn tiền chữa trị; xây nhà cửa xong còn nợ tiền; hoặc có con đỗ vào đại học nên ra phố vừa chăm con vừa kiếm tiền. Ông chạy xe ôm, bà cũng theo ra tranh thủ bán thêm hàng rong...

Hai vợ chồng bà Nghiêm ở Duy Tiên, Hà Nam, đã nhiều năm rời vùng quê dâu tằm bên dòng Châu Giang. Bởi nghề truyền thống quê bà ngày càng mất dần vị thế, thu nhập bà con sụt giảm, diện tích dâu bị thay bằng lúa.

Ông bà Nghiêm có hai con gái, muốn cho con học hành đàng hoàng nhưng nếu chỉ trông vào mấy sào lúa thì sẽ phải đi vay ngân hàng. Ông bà gửi con cho chú bác, để lên Hà Nội kiếm việc làm. Ông chạy xe ôm, bà bán bánh mì ở ga tàu. Cuối tuần, ông bà lại đèo nhau hơn 50km về thăm con.

Nay hai con gái ông bà, một cô đang học năm cuối đại học, cô học cao đẳng vừa ra trường. Bà Nghiêm kể cả hai con nói bố mẹ lớn tuổi không phải đi bán nữa nhưng không bán thì buồn.

Hai ông bà giờ đã ngoài 60 tuổi, bà không còn bán bánh mì mà chuyển qua bán rau củ, còn ông vẫn chạy xe ôm. Họ đang trọ và bán hàng ở khu Phúc Tân, Long Biên. "Tôi chủ yếu lên chăm ông, đi bán bánh mì để thêm đồng chi tiêu nhưng hồi trước bán rất được. Tôi chỉ đi rong đến cửa bệnh viện, ga tàu, bán hai ba tiếng là hết một xe bánh mì", bà Nghiêm cười nhớ lại.

Bây giờ bà Nghiêm đã phải đeo kính lão, khớp tay, khớp chân bị đau nhức. Ông bà không còn kiếm được tiền như trước, nhưng bà Nghiêm cho biết sẽ bán đến khi nào không còn sức nữa mới thôi.

Bà rất nhiệt tình dạy tôi cách bán hàng: "Đừng bán một thứ, chịu khó bán mỗi thứ một ít. Người ta mua cà chua thì mình bán thêm rau thơm, hành. Lâu lâu bán thêm cà tím, chuối xanh để họ đổi bữa".

Cùng xóm trọ tập thể của người đi bán hàng rong ở Phúc Tân, Long Biên. Bà Nhàn và ông Phúc là hai chị em ruột quê ở Kim Động, Hưng Yên. Bà Nhàn bán hoa quả đã được 30 năm ở khắp phố Hà Nội, và đã mách cho nhiều người cùng làng lên phố mưu sinh. Trong đó có em trai bà, đã sống tốt với nghề bán dạo đệm ghế ôtô, xe máy hơn 10 năm.

Bà Nhàn nhớ ngày rời quê chỉ vì nghèo quá, ăn không đủ no nên bà theo những người đi buôn lên thành phố kiếm sống. Ban đầu, bà gánh hoa quả bán, dần mua được xe đạp nên khỏe hơn. Em trai bà cũng chuyển từ xe đạp sang xe máy. Chị em sống cùng nhà, ốm đau có thể giúp nhau lúc xa quê.

Ông Phúc thuê cả căn nhà ba tầng, năm chưa có dịch, ngôi nhà là nơi trú chân của hơn 20 người bán hàng rong quê ông. Tôi đã tìm trúng căn nhà ông thuê để cùng ở trọ trong thời gian bán hành tỏi, đó là nhà trọ đông người nhất mà tôi từng biết. Nhưng chẳng mấy khi người ở trọ gặp mặt nhau vì ai cũng đi sớm về muộn.

Nổi chìm đời hàng rong - Kỳ 3: Cả gia đình bán hàng rong - Ảnh 3.

Chị Hòa và con trai cố ngồi bán hàng lúc đêm muộn - Ảnh: TÂM LÊ

5 người cùng gia đình với xe hàng rong

Người "đồng nghiệp" mà tôi làm quen để học nghề hàng rong, hóa ra chị còn có nhiều người thân cũng đang bán hàng gần nhau. Chị tên là Bùi Thị Hòa, quê Xuân Trường, Nam Định, chỉ tay về góc đường, nơi mẹ ruột của mình đang bán hoa quả, rồi chỉ sang xe hoa quả bên kia đường cạnh gốc cây là em dâu chồng chị. Con trai chị vừa học xong cấp III, đang ở phòng trọ, mỗi ngày chở chị Hòa đi lấy hàng từ lúc 4 giờ sáng. Em trai chồng cũng đi lấy hàng từ lúc sáng sớm, rồi về chạy xe ôm.

Hai vợ chồng người em thuê phòng trọ riêng, còn ba mẹ con chị ở cùng phòng với nhau. Trước kia, chồng chị Hòa cũng đi chở hàng giúp chị và chạy xe ôm nhưng từ khi bị tai nạn anh phải về quê chữa trị. Anh còn bị thêm nhiều bệnh nan y khác, nên chị Hòa đã trở thành trụ cột gia đình.

Chị vừa lên chức bà ngoại ở tuổi 40 và vẫn còn nhiều điều phải lo. Chồng bị bệnh xơ gan, phổi, con trai chưa biết học nghề gì để kiếm sống. Điều chị Hòa lo lắng là bệnh của chồng khó điều trị, bệnh xơ gan cổ trướng ngày càng nặng vì anh vẫn hay uống rượu.

Bán lâu năm đã có kinh nghiệm, xe hàng của chị Hòa to như một sạp hoa quả di động. Mùa nào quả ấy, chị đang bán quýt ngọt, ổi, xoài, roi, táo, mít... mỗi loại được xếp như một ngọn tháp rất đẹp mắt. Hai lồng sắt hai bên và một sạp cũng bằng sắt đặt phía trên, giỏ xe còn đặt thêm một rổ mít. Xung quanh xe buộc cả trăm loại túi bóng lớn nhỏ, đựng tất cả đồ nghề cho việc bán hàng rong của chị.

Chiếc xe không còn chỗ ngồi, chị Hòa chỉ có thể đẩy đi từng đoạn và chống bằng một thanh gỗ. Em dâu cũng có một xe hàng tương tự, mẹ chị già yếu nên không dùng xe mà trải bạt dưới vỉa hè để bán.

Tối đến, xe hàng chị gửi ở hiệu thuốc ngoài mặt đường, vì thế từ sáng sớm cả nhà phải dậy dọn hàng ra bán, 9 giờ tối hiệu thuốc đóng cửa mới được gửi hàng. Và để gửi được hàng ở hiệu thuốc, phải quen biết mới có suất.

Chị Hòa cũng có thể nói chuyện dễ dàng với người dân ở phố và nhân viên trong các cửa hàng gần nơi chị bán. Đó là nhờ vào việc bán hàng lâu năm và sự cởi mở của chị.

Thi thoảng lại có nhân viên giải lao chạy ra ăn hàng, trò chuyện cùng chị. Bữa tối nọ, một người dân còn xách cho chị bọc cơm nóng hổi, nói nấu xong bận đi ăn liên hoan nên bảo chị mang về ăn đỡ phí. Chị vui vẻ nói tối nay chỉ nấu thức ăn là xong, bữa tối thường vào lúc 10 giờ đêm.

Ngày mới đến Hà Nội, chị Hòa đi bán dạo nhiều nơi nhưng khoảng 10 năm nay chỉ bán quanh khu chợ Thái Hà và thuê trọ cũng gần chợ. Từ ngày mẹ lên, bà không đủ sức đi bán rong xa nên chị cũng chỉ bán gần mẹ. Mỗi tháng trừ chi phí, trung bình mỗi người thu được 8 - 10 triệu đồng.

Trải gần 15 năm mưu sinh trên phố, chị Hòa cười nhẹ nhàng: "Nghề này không giàu được, nhưng đỡ khó khăn hơn so với làm ruộng. Nếu không bán buôn thì lấy tiền đâu ra xoay xở cho chồng ốm đau, cũng may không phải vay nợ ai là tốt rồi".

Bà Bùi Thị Vy, mẹ chị Hòa, theo con ra Hà Nội bán hàng lặt vặt đã được gần 10 năm. Bà tâm sự trong số ba người con thì chị Hòa là người nhanh nhẹn, chịu khó. Quê bà chỉ có vài sào ruộng, giờ không mấy ai cấy nữa. Buôn bán có đồng ra đồng vào vẫn hơn ở nhà, bà đang muốn về sớm vì ông đang ốm ở nhà.

Năm nay dịch giã, phố phường càng vắng khách. Cũng như bao phận người quê đang mưu sinh trên phố, mẹ con chị Hòa chỉ có cách dậy sớm về khuya hơn với xe hàng rong.

Khi mẹ con chị Hòa trở về phòng trọ, chiếc bóng của họ đã đổ dài dưới ánh đèn đường vàng vọt.

--------------------

Ngủ trên nền nhà, không có nước nóng giữa mùa đông lạnh giá. Những người bán hàng rong cố gắng tiết kiệm đến mức tối đa chỗ ở trọ. Và họ vẫn ở như thế cả 15 - 20 năm qua.

Kỳ tới: Nhà trọ 15 ngàn đồng

Nổi chìm đời hàng rong - Kỳ 2: Co ro ngày rét cắt da thịt Nổi chìm đời hàng rong - Kỳ 2: Co ro ngày rét cắt da thịt

TTO - Hà Nội những ngày giá rét cắt da thịt và mưa phùn, dưới chiếc nón lá, gương mặt người bán hàng rong được che kín bởi khẩu trang, khăn trùm đầu và nhiều lớp áo quần. Vậy mà vẫn có những gương mặt tím tái và ngón tay như teo quắt lại vì rét.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên