Chỉ là chị biết trân quý từng phút giây ĐƯỢC SỐNG. Và chị nghĩ mình cần sống cho điều gì ý nghĩa nhất trong những việc mình còn có thể làm được ở cuộc đời này.
TRẦN THÚY NGA
Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo của huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Tôi vô tình biết được sự thật rằng cha của các anh chị tôi không phải là cha tôi.
Bất hạnh ập đến
Dù lúc ấy tôi chỉ là đứa bé, nhưng suy nghĩ trong tôi đã thay đổi. Biết mẹ và anh chị vất vả làm thuê làm mướn, tôi lại là nỗi sầu riêng của mẹ, nên tôi không bao giờ dám đòi hỏi gì như bao bé thơ khác. Một số người bảo tôi là "con hoang" khiến tâm hồn non dại tổn thương, nhưng cũng nhờ đó mà tôi sớm biết nghĩ, biết thương mẹ và anh chị mình.
Lớn hơn chút, tôi đã thầm hứa rằng mình phải chăm chỉ học tốt và siêng năng làm việc để mẹ và anh chị tự hào về tôi. Một động lực sâu xa khác nữa là tôi biết cha ruột mình còn sống. Tôi phải học giỏi, thành người có ích cho xã hội để nếu gặp cha hoặc trước mọi người, tôi có thể tự tin rằng tôi đã sống tốt.
Tôi đã làm được như thế cho đến năm tôi chuẩn bị vào lớp 8, 13 tuổi...
Mùa hè năm 1998, tôi sẽ không thể nào quên trong đời mình. Căn bệnh viêm đa khớp dạng thấp bất ngờ ập xuống đời tôi. Bác sĩ bảo bệnh của tôi đã bị "lờn thuốc tây", không thể chữa trị dứt điểm mà phải sống chung với sự tàn phá khủng khiếp lên từng khớp xương khắp cơ thể. Thế rồi, tôi không bao giờ tự bước đi được nữa!
Những ngày tăm tối
Mọi thứ như sụp đổ trước mắt tôi! Bao ước mơ, dự định, bao yêu thương với người thân tôi muốn đền đáp đành dừng lại. Tôi tiếc nuối và tủi thân khi thấy bạn bè vẫn ngày ngày đi học trước nhà mình. Tôi dằn vặt và đau khổ khi chứng kiến người thân ngày ngày cực nhọc chăm sóc, vay mượn tiền bạc chạy vạy thuốc thang cho tôi.
Anh cả tôi gầy khô, chật vật gánh vác cả gia đình. Anh đi xe về mệt lại ngủ trên chiếc chõng tre nhỏ hẹp ọp ẹp gần giường tôi. Mỗi lần anh trở nhẹ đã nghe tiếng cọt kẹt của các thanh tre chuyển vẹo, nước mắt tôi ứa ra nghèn nghẹn. Anh làm nghề chạy xe. Bệnh của tôi bệnh viện đã trả về, nghe nói ở đâu có thầy thuốc giỏi là anh lại tìm mời về chữa trị cho tôi.
Mẹ tôi thì sắc các loại thuốc, rồi tự tay làm các bài thuốc đắp cho tôi theo các thầy thuốc bắc, thuốc nam. Mẹ còn xoa bóp các khớp sưng đau cho tôi. Tôi đau đớn đến mức không tự trở mình được, mẹ phải thức đêm đỡ chân cho tôi! Từ một cô bé khỏe mạnh, bệnh tật đã làm mọi sinh hoạt của tôi đều phụ thuộc vào mẹ và người thân.
Tôi không còn thể nào chăm chỉ, nhanh nhẹn giúp đỡ mọi người được nữa. Căn bệnh viêm đa khớp tiến triển nặng thêm mỗi ngày, tay chân tôi bị hỏng khớp, biến dạng, không còn theo ý mình. Tôi không khóc vì đau, bởi đau đớn tôi ráng chịu cũng quen. Thuốc đắng hay phải đắp bao nhiêu loại thuốc khắp các khớp khó chịu đến mấy, phải tiêm chích hay châm cứu bao nhiêu lần tôi cũng không ngại. Tôi chỉ ước mong đỡ bệnh để người thân bớt vất vả, u sầu vì tôi.
Mắt tôi lúc nào cũng sưng húp vì khóc. Những giọt nước như ở sẵn mi mắt cứ tự rơi! Biết bao đêm tôi đau đớn không ngủ được. Tôi cứ muốn mình tan biến như chưa từng xuất hiện trên cõi đời này hoặc ngủ luôn mãi mãi...
Nghỉ học nằm ở nhà, suốt ngày đêm tôi chống chọi với những cơn đau và uống hết thuốc này đến thuốc khác. Chị gái thương, mua cho tôi nhiều sách để em đọc đỡ buồn. Hai em con o cũng tặng tôi nhiều sách. Làng quê nghèo, ngày còn đi học muốn đọc cũng không có sách. Trong tình cảnh bất hạnh này, mỗi lần nhập tâm vào trang sách, tôi tạm quên đi cơn đau, nỗi tủi thân của đời mình.
Sách cứu đời tôi
Rồi qua những trang sách ấy, tôi biết đến nhiều người cũng bị bệnh tật rất nặng, không thể chữa khỏi. Tôi đặc biệt ấn tượng về chị Nguyễn Bích Lan "Không gục ngã", anh Công Hùng, bạn Thúy, bạn Thu Thương... Họ không may mắn có cơ thể khỏe mạnh như bao người bình thường khác, nhưng họ đều đang làm được những việc ý nghĩa vừa giúp chính mình sống vui vừa giúp ích cho xã hội, lan tỏa những giá trị tích cực đến mọi người.
Vừa say mê đọc sách vừa cố gắng vượt qua những cơn đau triền miên, trong tôi trào dâng lên suy nghĩ thôi thúc mình cũng muốn làm được điều tốt đẹp như các anh chị ấy. Tuy các khớp ngón tay bị sưng đau và biến dạng hết tất cả, nhưng tôi vẫn cố chịu đau, gắng luyện viết, luyện vẽ. Dần dần tay tôi cũng bớt run và viết đẹp trở lại.
Một lần chị gái gọi điện về hỏi tôi có thể làm tủ sách cho thuê không? Tôi nghe chị và bắt đầu cho thuê chỉ 200 đồng/quyển. Tôi cần mẫn gom những đồng tiền lẻ đó lại, rồi tiền bán hàng vặt, tôi tiết kiệm để mua thêm sách mới.
Dần dần tôi tìm hiểu và mua được thêm nhiều sách hay, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là các sách nuôi dưỡng tâm hồn, sách văn học kinh điển, sách kỹ năng học tập, kỹ năng sống và phát triển bản thân, sức khỏe... Tôi thậm chí không cho thuê, mà còn thuyết phục mọi người nên mượn đọc miễn phí.
Tôi khuyến khích mọi người đọc đa dạng. Nếu ai mượn các loại sách ý nghĩa trên thì tôi cho mượn các sách giải trí khác cũng miễn phí. Còn nếu chỉ muốn đưa về nhà các sách giải trí ví dụ như tiểu thuyết ngôn tình thì phải trả tiền thuê. Người đọc tại chỗ thì tất cả sách đều được miễn phí.
Cách khuyến đọc đó của tôi dần có hiệu quả. Mọi người chịu đọc đa dạng sách để không mất tiền thuê. Họ tâm sự rằng các sách tôi thuyết phục họ đọc miễn phí đều có ý nghĩa sâu sắc.
Và ngày tháng ấy, tôi vẫn tìm hiểu các loại sách quý và dành dụm tiền mua thêm đều đặn. Nhiều người bảo nhờ tôi thuyết phục mà họ mới biết đọc sách. Và nhờ sách, đời họ đã thay đổi tích cực lên rất nhiều. Đặc biệt, người em vừa thi đại học đạt 29,1 điểm đã chia sẻ với tôi rằng:
- Thật may khi em được biết chị và được mượn sách miễn phí. Nếu không đọc sách, không biết bây giờ em thế nào nữa. Chị là một trong những ân nhân của đời em đó chị ạ.
Tôi rất vui và xúc động! Tôi cảm nhận rằng nỗ lực lan tỏa niềm vui đọc sách đang ngày càng lan rộng. Những người ở cách xa chỗ tôi sống cũng đã biết và tìm đến mượn sách.
Một số em thân tình hỏi tôi:
- Động lực nào để chị ốm đau mà vẫn có thể dành nhiều thời gian và tâm huyết như thế cho tủ sách miễn phí, dù việc đó không đem lại tiền bạc cho chị? Thời gian đó sao chị không làm việc khác giúp kiếm được tiền hơn ạ?
Tôi đã trả lời nhẹ nhàng rằng:
- Chỉ là chị biết trân quý từng phút giây ĐƯỢC SỐNG. Và chị nghĩ mình cần sống cho điều gì ý nghĩa nhất trong những việc mình còn có thể làm được ở cuộc đời này. Ngày càng có thêm nhiều bạn chăm đọc sách, học giỏi như các em là động lực lớn nhất để chị làm được tất cả trong niềm vui.
Sách đã giúp tôi nhận ra sứ mệnh phù hợp nhất với sức khỏe và khả năng của tôi trong bệnh tật. Đó là sứ mệnh "GIEO DUYÊN ĐỌC SÁCH - LAN TỎA YÊU THƯƠNG". Như câu hát rằng: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để gió cuốn đi...". Chúng ta cùng làm những việc nhỏ tử tế, trao đi yêu thương, rồi vòng tròn tử tế cứ vậy lan tỏa ra mãi.
Khoảnh khắc được đọc cuốn sách quý đầu tiên trong tối tăm của đớn đau bệnh tật đã mở ra ánh sáng cho đời tôi...
Tôi trả ơn cho mẹ, cho mọi người
Tâm sự với các em, tôi đã kể rằng mình học hỏi được bao điều ý nghĩa từ các trang sách quý. Tôi đã biết nhìn vào điều tích cực nhất để có niềm tin vào những điều tốt đẹp vẫn tồn tại, để thấy cuộc sống này đáng sống, giá trị bản thân mình vẫn xứng đáng để sống và lan tỏa...
Bởi vậy, tôi muốn chia sẻ cho mọi người mượn sách miễn phí. Tôi mong mọi người cũng cóp nhặt được điều bổ ích như tôi đã học được. Đó cũng là một cách tôi có thể trả ơn cho mẹ, cho anh chị, cho mọi người và cuộc đời này.
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019
* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.
* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.
* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.
Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.
Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.
Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.
Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.
* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.
Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.
* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.
* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.
Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.
Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.
Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận