13/08/2022 09:30 GMT+7

'Những thằng già nhớ mẹ'

LƯU ĐÌNH LONG
LƯU ĐÌNH LONG

TTO - Vu lan năm nào tôi cũng đọc lại đoản văn Bông hồng cài áo của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đoản văn viết năm 1962 hẳn đã lấy nước mắt của rất nhiều người mỗi khi đọc đến đoạn: "Tôi thấy tôi mất mẹ/ Mất cả một bầu trời".

Đau, có một cơn đau thắt ngặt ở trong ngực mình, vì thương, cũng có thể vì hối lỗi.

Tháng bảy âm lịch với nhiều người được định danh mùa Vu lan - báo hiếu, mùa tri ân - báo ân, để mỗi người hướng về đấng sinh thành, ông bà tổ tiên, phát nguyện làm những việc thiện lành, phúc đức. Khi đủ lớn, nhất là lúc đã làm cha làm mẹ, mỗi người mới hiểu trọn nỗi lòng của cha mẹ mình, điều mà khi còn trẻ hoặc chưa có dịp trải nghiệm làm phụ huynh ta không hiểu hết.

Trong tác phẩm Những thằng già nhớ mẹ (NXB Hội Nhà Văn) tác giả Vũ Thế Thành viết: "Tuổi càng cao, càng dễ quên chuyện trước mắt, nhưng càng nhớ chuyện xa xôi. Tuổi đời, tình đời trải miết rồi, nay nhớ về mẹ, thấy mình còn biết bao điều thiếu sót và ray rứt, cứ giá mà... giá mà...". Đây có thể là lời nhắc nhở, nhắn nhủ chân thành mùa hiếu hạnh.

Tôi thấy bóng dáng má mình khi đọc. Tôi nhớ ánh mắt đầy dấu chân chim của má ngấn nước mỗi lần nhắc về ngoại. Má nói hối tiếc nhất của mình là đã lỡ dở duyên nợ để ngoại phải nặng lòng lo lắng, cưu mang cả hai má con tôi trong suốt mấy chục năm với đôi quang gánh chạy chợ. 

Ngày ngoại mất, má không khóc nhưng sau ngày tiễn ngoại ra đồng, má tôi buồn suốt nhiều năm. "Má đã mồ côi rồi", má tôi hay nói vậy mỗi khi nhắc về ngoại, nhứt là đến giỗ ngoại. Tôi rưng rưng với hai chữ "mồ côi", nghĩ về mình và những người con khác, ai rồi cũng sẽ đến lúc già đi, và mẹ mình thì ngày càng yếu hơn.

Những ngày tháng bảy Vu lan, chia sẻ về nỗi mất mát đấng sinh thành, có người viết sau hai năm để tang, theo văn hóa truyền thống, người ta sẽ không còn tiếp tục đeo vành khăn đau thương ấy nhưng mãi mãi sẽ chẳng thể dừng lại sự - mồ - côi của mình. 

Mồ côi thực ra tuổi nào cũng đau xót cả, cũng là mất mát lớn nhất. Tất nhiên không ai tránh được quy trình sinh-lão-bệnh-tử, việc mỗi người có thể làm chính là sống trọn vẹn nhất vai trò làm con, với hiếu đạo theo chuẩn mực của xã hội mình sống: chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần đầy đủ cho cha mẹ khi họ còn sống.

Phía sau thành công của một người bao giờ cũng có bóng dáng của những người trong vai phụ huynh, có thể đó là những người lầm lũi, chân lấm tay bùn nhưng luôn là bóng cả của con. Khi có hiếu với ông bà, cha mẹ thì một người sẽ nỗ lực để sống tốt, thành công chân chính. 

Noi theo ánh sáng của tình thương cha mẹ, hiếu kính ông bà, rất nhiều người trẻ đã vượt khó đi lên. Con người, dù sinh ra ở đâu, trong thời đại nào thì hiếu đạo vẫn là một đạo đức cơ bản được tôn trọng, cần gìn giữ để làm người. Các triết lý về đạo đức đều gặp nhau ở chỗ tôn vinh đạo hiếu bởi đây là nền tảng quan trọng để con người tử tế trong mọi mối quan hệ.

Tháng bảy với tôi là lễ hội tình thương. Từ chỗ hiếu với ông bà cha mẹ con người mở trải tấm lòng để làm thiện, sống tử tế. Đó là món quà cao quý nhất dâng lên đấng sinh thành. Do vậy có thể nói tháng bảy là thời gian để con người khơi lên những giá trị nhân văn, nỗ lực làm những việc tích cực, trước tiên là vun bồi lòng hiếu và sau đó là quan tâm tha nhân, vạn loại...

Và không chỉ tháng bảy, không chỉ mùa Vu lan, lòng tốt vẫn luôn là lời nhắc của muôn đời, muôn người.

Quà tặng sức khỏe dành cho cha mẹ, ông bà mùa lễ Vu Lan Quà tặng sức khỏe dành cho cha mẹ, ông bà mùa lễ Vu Lan

Lễ Vu Lan nhắc nhở mỗi người chúng ta về lòng biết ơn đối với công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà. Đây cũng là dịp để những người con thể hiện lòng hiếu kính đến đấng sinh thành.

LƯU ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên