27/04/2014 08:52 GMT+7

Những lá thư từ trại giam - Kỳ 6: Người cha bao dung

HOÀNG ĐIỆP - BẢO HÀ
HOÀNG ĐIỆP - BẢO HÀ

TT - Từ đoạn đường nắng cháy, bụi tung mờ mịt nối thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước đến nhà ông Nguyễn Văn Bắc, ở tổ 4, ấp 4, xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước không gần.

eU8Ipyp3.jpgPhóng to
Phạm nhân Lê Nguyên Vũ và ông Nguyễn Văn Bắc gặp nhau trong trại giam - Ảnh: H.Điệp

Đã hơn bốn năm trôi qua kể từ cái ngày chuyện dữ xảy ra với con trai, nỗi đau mất con vẫn hằn sâu nơi hốc mắt ông. Nhưng cũng từ ánh mắt ấy lại sáng lên sự tha thứ, bao dung cho chính thủ phạm gây ra cái chết của con trai mình.

Đi qua nỗi đau

Căn nhà chưa đến hai gian nằm lọt thỏm giữa vườn điều, cao su vắng lặng. Ông Bắc ngồi lẻ loi bên góc vườn, mắt xa xăm nhìn lên những ngọn điều lay lay gió trong vườn. Ông mời khách ngồi uống nước ngay tại vườn, hướng tầm mắt về phía cửa căn nhà nhỏ là có thể nhìn thấy ngay bức ảnh con trai ông trên bàn thờ.

Ông già hơn rất nhiều so với hồi cuối tháng 11 năm trước khi lên trại giam Tống Lê Chân. Nỗi muộn phiền, sự nuối tiếc hằn sâu nơi khóe mắt ông: “Phải chi hôm đó vợ chồng tôi chỉ ở lại thêm một tiếng nữa thôi, hoặc giả nghe lời đón con ra viện ngay chiều đó thì đâu nên chuyện. Thôi thì chắc con mình cũng tận số rồi!”.

Sắp đến ngày giỗ con trai hồi cuối năm 2013 vừa qua, ông Bắc nhận được thư của Lê Nguyên Vũ, thủ phạm gây ra cái chết của con trai mình, hiện đang chấp hành án tại trại giam Tống Lê Chân. Vũ viết: “Chú Bắc ơi. Chắc chú sẽ rất bất ngờ khi nhận được lá thư này. Thật sự mà nói cháu cũng rất muốn viết thư gửi về cho chú để xin lỗi nhưng cháu lại luôn mặc cảm và muốn né tránh sự thật. Nhưng đến hôm nay đây, gần bốn năm rồi cháu mới mạnh dạn muốn viết lên những lời thật lòng trong thâm tâm cháu đã gây ra với gia đình chú. Cháu biết là chú sẽ không bao giờ tha thứ cho cháu nhưng ít nhiều cháu phải xin lỗi chú”.

Ông Bắc thì thầm, ông bất ngờ lắm khi nhìn thấy bức thư ấy. Một buổi chiều của bốn năm về trước, anh Bằng con trai ông nằm điều trị vết thương ở hai cánh tay tại Bệnh viện huyện Lộc Ninh. Ông vẫn nhớ như in: “Chiều hôm xảy ra chuyện, nó bảo vợ chồng tôi nó muốn ra viện về nhà. Hai vợ chồng tôi khuyên con trai cứ ở viện điều trị thêm ít bữa cho an tâm. Thế rồi tôi cùng vợ về nhà để con trai ở lại. Ai ngờ vợ chồng tôi vừa về nhà khoảng một tiếng thì nhận được tin con gặp chuyện chẳng lành. Chạy lên tới nơi thì đã không kịp... Con tôi, tôi biết tính nó lắm chứ. Thật ra tôi biết đó cũng là chuyện ngoài ý muốn của Vũ. Hai đứa đều đang độ thanh niên, tính tình nóng nảy chứ chúng nó nào có thù hận gì nhau”.

Mấy năm nay nhà cửa lúc nào cũng lạnh hoe. Anh Bằng là con trai duy nhất trong sáu chị em. Các chị em gái trong nhà đều đã có gia đình riêng. Lúc con trai còn sống, hai cha con ông Bắc ngày ngày đi làm thợ hồ. Tiền kiếm được cũng chẳng nhiều nhặn gì nhưng đi làm hào hứng lắm. “Hồi đó tôi cũng mê rượu. Cũng kỳ thật, một tháng trước khi Bằng mất tối nào tôi đi uống rượu Bằng cũng đi tìm bằng được để đưa về nhà. Tôi ở đâu nó cũng tìm được. Từ hồi con mất tôi cũng bỏ việc thợ hồ. Các con gái thành gia lập thất hết rồi, còn mỗi nó vẫn chưa chịu thương ai. Lúc con còn sống bảo kiếm tiền chắt chiu dựng vợ cho con trai. Con không còn, kiếm tiền chẳng để làm chi, tôi chẳng thiết làm gì nữa, giờ chỉ ở nhà trông vườn điều, quanh quẩn trong nhà. Ruộng nương chăn nuôi tôi cũng chẳng thiết chi nữa rồi. Bà nhà tôi giờ ngày ngày đi trông trẻ mướn cho khuây khỏa. Mấy năm nay bà ấy héo hon gầy mòn. Nếu bà ấy không đi làm, hai ông bà già đi ra đi vào trông thấy nhau lại càng buồn tủi” - ông Bắc đều đều kể.

Hỏi ông nghĩ gì khi Vũ viết: “Thôi chú à, chuyện xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi, thật sự cháu không muốn như vậy, chỉ vì một phút nông nổi nhất thời mà cháu đã gây ra cho gia đình chú sự mất mát to lớn và cả gia đình cháu nữa. Chú ơi cháu rất hối hận trong gần bốn năm nay, lương tâm cháu lúc nào cũng bị dằn vặt nên cháu rất muốn được bày tỏ hết những suy nghĩ, những nỗi buồn mà bấy lâu nay cháu phải dồn nén chịu đựng. Cháu thành tâm xin lỗi chú, xin chú hãy mở lòng mà đón nhận lời xin lỗi của cháu”. Ông cười hiền từ: “Vũ biết nghĩ vậy là tốt rồi”.

Phải biết thứ tha

Ngồi nói chuyện với ông bên góc vườn, lâu lâu mấy người con gái, con rể của ông nhà gần đó lại chạy sang xem cha nói chuyện gì. Họ cũng quen với cảnh từ ngày anh, em trai mất có nhiều cơ quan, báo đài đến nhà hỏi chuyện. Mỗi lần họ muốn nói lên sự ai oán trong cái chết của anh, em mình và lên án tội ác của thủ phạm, ông Bắc lại nhẹ nhàng gạt đi. Ông bảo: “Chuyện đã qua rồi thì hãy để nó qua đi. Bới lại mà làm chi”.

Nói rồi ông lại trầm tư nghiền ngẫm những lời Vũ tâm sự trong bức thư: “Cháu mong Bằng sẽ được an nghỉ nơi chín suối. Có hoang đường lắm không chú? Nhưng cháu thật lòng muốn như vậy. Thật sự nếu có cơ hội gặp chú, chú muốn cháu làm gì cũng được. Chú biết không, ở trong môi trường tù này có rất nhiều người mang tội giống cháu, nhưng cháu hạnh phúc hơn so với họ rất nhiều. Chú biết vì sao không? Vì chưa có ai được như chú hết, dù cháu là người cướp đi sinh mạng đứa con trai của chú nhưng khi ra tòa, trước khi nói lời cuối cùng thì chú đã xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho cháu và điều đó đã làm cho cháu rất cảm động. Cháu không biết làm như thế nào để bù đắp cho chú nữa”.

Nghe Vũ bày tỏ rằng: “Bây giờ hằng đêm trước khi đi ngủ, lúc nào cháu cũng cầu nguyện cho linh hồn Bằng được siêu thoát. Giờ cháu không biết nói sao. Sống ở môi trường này cháu đã học được rất nhiều điều, cháu luôn được sự giúp đỡ tận tình của cán bộ trại giam Tống Lê Chân, từ việc rèn luyện cải tạo tốt cho đến học tập những ý thức làm người để phấn đấu trở thành công dân tốt hơn cho cuộc sống sau này. Vả lại cháu cũng rất mong muốn về đời sớm để đích thân xin lỗi chú và Bằng... Trong thời gian này, bất cứ làm việc gì cháu luôn cân nhắc trước sau, cháu đã tập cho mình một thói quen chứ không như trước nữa. Chú biết không, trong bốn năm nay điều cháu cay đắng và buồn tủi nhất là chưa khắc phục được tiền bồi thường cho gia đình chú. Nhưng chú cứ yên tâm, hôm bữa mẹ cháu thăm có nói là dù khổ cỡ nào đi nữa mẹ cháu cũng sẽ khắc phục cho gia đình chú, chú thông cảm cho cháu và gia đình cháu vì nhà cháu rất khó khăn. Cháu chỉ còn một mình mẹ. Thật sự một ngày trong tù là một ngày đau khổ của cháu. Cháu luôn khát khao được bù đắp lại cho mẹ cháu”.

Ông Bắc nói trước các con:“Chuyện tha thứ cho Vũ tôi đã nói từ lúc ở tòa rồi. Con trai tôi không còn, cũng chẳng lấy lại được, tôi chỉ mong sao Vũ cải tạo tốt, về làm ăn lương thiện sống có ích”.

Ông đã từng làm đơn bãi nại cho Vũ nhưng khi gia đình ông biết chuyện đã gay gắt phản đối. Ông phải thuyết phục rất lâu để mọi người nguôi ngoai và hiểu rằng gia đình Vũ cũng chẳng sung sướng gì. Nhà Vũ cũng cực lắm, mẹ con neo đơn côi cút. Cha Vũ bỏ hai mẹ con có gia đình riêng. Mẹ Vũ cũng già yếu như hai vợ chồng ông vậy. “Mấy năm nay bà ấy cũng chẳng sung sướng gì. Có mỗi đứa con trông mong lúc tuổi già. Tôi vẫn may hơn bà ấy, còn mấy đứa con gái. Có các cháu ở quanh đây, chúng vẫn đến chơi với ông bà đều”, nói rồi ông khoe ông có nhiều cháu ngoại, có cả chắt ngoại rồi.

Thắp lên ban thờ cho con nén nhang, khấn con phù hộ cho khách đi đường thượng lộ bình an, tiễn khách ra về, lại một mình ông ngồi ở góc vườn đợi vợ đi làm về.

_________________

Kỳ tới:Đánh thức tính thiện

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Nỗi ân hận ngàn ngày Kỳ 2: Chuyện của một phạm nhân - bác sĩ Kỳ 3: Cái bạt tai, một mạng người và... Kỳ 4: Vượt qua bóng đen hận thù Kỳ 5: Mơ ước tuổi 50

HOÀNG ĐIỆP - BẢO HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên