26/04/2014 06:06 GMT+7

Mơ ước tuổi 50

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Bị án bị bắt từ năm 1998, là người Hà Nội, bị kết án 20 năm vì liên quan đến ma túy. Những ngày thi hành án ở trại giam ngoài Bắc, phạm nhân này luôn vi phạm nội quy trại nên đã chuyển hết từ trại này đến trại khác và hiện nay điểm dừng chân là một trại giam ở Bình Thuận.

nAJ6GeaA.jpgPhóng to
Giọt nước mắt tuổi 50 - Ảnh: H.Điệp

Một ngày kia, người đàn ông gần 50 tuổi nhận được cái vỗ vai từ cán bộ trại giam: “Hãy sống cho đúng với tuổi 47 và hãy sống vì mình và vì mọi người, đừng để mọi người phải sống vì mình”. Từ cái vỗ vai ấy mà phạm nhân ngang tàng, phá phách, chuyển trại như cơm bữa bỗng lắng lại khi nhẩm tính quãng thời gian bị giam trong trại đã phí phạm cuộc đời mình và khiến mẹ già lo lắng. Nay dù muốn gặp người thân cũng đâu có dễ, vừa xa xôi cách trở, mẹ lại lớn tuổi không tiện di chuyển xa. Những ngày người bạn cùng buồng hồi hộp chờ được gặp người thân thì ông lại thấy tủi thân vô hạn: “Mình phải thay đổi”. Đó là câu chuyện rất dài của phạm nhân Trần Hoàng Sơn, hiện đang thụ án tại phân trại số 4 trại giam Thủ Đức (Bình Thuận).

Cả nhà chỉ có mình nó thế

Một ngày nắng tháng 3. Người mẹ già nua với đôi chân đau mà mỗi bước đi đều phải có người dìu đỡ đã lên máy bay vào TP.HCM rồi đi xe đò xuống trại giam Thủ Đức để được gặp đứa con trai mà bà đã dành gần như cả cuộc đời để lo lắng, thương xót và muộn phiền cho nó.

Tuổi đã cao, phải di chuyển cả quãng đường dài từ Hà Nội vào TP.HCM với bà không phải là chuyện đơn giản. Nhưng theo bà thì bệnh tật hay tuổi tác không thành vấn đề, mà là được gặp gỡ và thoải mái chuyện trò với con bởi từ ngày con bà chuyển trại vào trong Nam bà không thể đến thăm con được. Nhà không phải chỉ có đứa con trai ấy mà còn nhiều đứa con khác và đàn cháu của bà cũng đã lớn rồi: “Nhưng nhà tôi không ai như nó hết, anh chị em nhà nó đều công tác ở các cơ quan nhà nước, công việc đàng hoàng, chỉ có mình nó là gây cho tôi không biết bao nhiêu muộn phiền”. Bà chia sẻ như vậy khi chờ đứa con trai lên đọc lá thư mà nó viết để xin lỗi các cán bộ trại giam Thủ Đức bởi những ngày tháng ngang ngược và ngông cuồng.

Ngồi dưới hàng ghế dành cho các đại diện khách mời, bà liên tục dùng khăn chấm nước mắt. “Người ta đi cải tạo ai cũng gắng cải tạo tốt để còn được về, nó càng cải tạo càng phải đi xa, đến nỗi người thân muốn gặp cũng không gặp được. Gần 50 tuổi mới hồi tâm chuyển ý” - bà Nguyễn Thị T., mẹ phạm nhân Trần Hoàng Sơn, nói.

Và những dòng chữ tâm sự rất thật của ông Sơn đã trả lời vì sao cuộc đời của người đàn ông suốt từ tuổi thanh niên sang trung niên phải gói trong màu áo sọc.

“Trong suốt chặng đường 16 năm qua, 1/3 quãng thời gian của đời người phải chôn chân nơi bốn bức tường lao lý này. Nay đã gần 50 tuổi, vậy mà tôi vẫn chưa trút bỏ hết được những day dứt trăn trở, ân hận về những việc làm sai trái và những hành động vi phạm nội quy của mình”. Phạm nhân Trần Hoàng Sơn viết trong lá thư gửi ban giám thị trại giam Thủ Đức như thế.

Bị bắt ngày 27-9-1998 với tội danh mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy và đã bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên với mức án 20 năm. Sau đó phạm nhân Trần Hoàng Sơn được điều chuyển về trại giam Tân Lập, Phú Thọ để chấp hành bản án phạt tù.

Tuy nhiên, ngay thời gian mới lên trại, Sơn rất hoang mang và buồn chán với mức án 20 năm. “Một thời gian thật là dài đối với tôi, nhưng rồi tự tôi cũng thích nghi được môi trường đó. Khi ổn định, tôi cũng đã nghĩ như bao nhiêu người khác là phải chấp hành nội quy tốt, học tập tiến bộ mới mong được giảm án, rút ngắn lại đoạn đường để trở về với gia đình và xã hội” - thư của ông Sơn viết.

“Mặc dù được ban giám thị và hội đồng cán bộ trại giam Tân Lập tạo điều kiện cho tôi được cải tạo tốt hơn, nhưng đoạn đường đó không đi theo chuỗi logic mà tôi hằng mong muốn. Chính bản thân tôi đã không thắng nổi chính mình và đã ăn thua cùng anh em phạm nhân cùng phòng. Tôi đã vi phạm nội quy và bị kỷ luật. Thế rồi kể từ đó tôi cứ buông trôi dài như chiếc xe lao xuống dốc không phanh. Trước bản tính ương bướng không muốn bị ràng buộc của mình, cá tính ương ngạnh không chịu khuất phục, chỉ muốn được hưởng thụ đã làm tôi nhiều lần phải đưa chân vào cùm và phải tự giam mình trong buồng giam u tối. Như một con ngựa bất kham và ngày càng trở nên ma mãnh hơn, và rồi tôi bị chuyển đi những trại khác...”.

Từ tháng 6-2010 phạm nhân Sơn bị chuyển vào trại giam Thủ Đức.

“Ngày đầu vào phân trại số 5, tôi như kẻ xa lạ, anh em phạm nhân khác nhìn tôi với cặp mắt đầy dò xét vì tôi là một tên tù chuyển từ Bắc vào Nam” - phạm nhân Sơn giãi bày.

“Mặc dù tôi đã được ban giám thị và hội đồng cán bộ phân trại số 5 dành cho sự quan tâm rất lớn, nhưng một phần vì kỳ thị không đáng có, một phần cũng muốn chứng tỏ một tên tù miền Bắc là thế nào và rồi tôi lại vi phạm nội quy. Lại một lần nữa phân trại số 4 đón nhận tôi. Thật chán chường, ngồi trong chiếc xe bít bùng lao đi trong trưa vắng, tôi chợt nghĩ: không lẽ mình cứ thế này mãi, không có chỗ nào để mình dung thân sao?”.

WkPkvvxE.jpgPhóng to
Phạm nhân Trần Hoàng Sơn và bức ảnh những đứa con - Ảnh: H.Đ.

Đừng để mọi người sống vì mình

Bước chân nặng nề về cổng phân trại số 4, nơi cải tạo mới, phạm nhân ấy cảm thấy trống rỗng không biết phải làm thế nào. Nhìn mọi phạm nhân ai cũng thân thiện vui vẻ, không còn ánh mắt xét nét nữa.“Mà cũng có khả năng tôi đã dần quen với môi trường trong Nam, ai cũng nói chuyện động viên mong muốn một phạm nhân đã có quá trình như tôi phải chấp hành nội quy để sớm được về đoàn tụ cùng gia đình và xã hội” - phạm nhân Sơn viết.

Rồi phạm nhân này được cán bộ giáo dục dành nhiều thời gian để động viên, khuyên nhủ như thấu hiểu được nỗi lòng của một phạm nhân xa nhà. Và bản thân ông cũng thầm cảm nhận được đây là tình cảm của một con người với một con người, một thầy giáo với học trò, không còn khoảng cách giữa một phạm nhân và cán bộ nữa. “Cho đến từng này tuổi tôi mới thấu hiểu hết được câu nói của Ban Tư (thượng tá Phạm Quang Tư, phó giám thị trại giam Thủ Đức): Hãy sống vì mọi người, đừng để mọi người phải sống vì mình, sống đúng ở tuổi 47”.

Đây là câu nói mà thượng tá Tư nói với phạm nhân Sơn trong lần trò chuyện với ông sau giờ sinh hoạt chung. Chỉ câu nói đó, cùng với sự phân tích ngọn ngành về gia đình, về tình thân... đã khiến người đàn ông ngang tàng ngày nào dần dần thay đổi: “Rồi một ngày tôi đón nhận được lá thư của đứa con thân yêu gửi từ Bắc vào. Chỉ những dòng chữ ngắn ngủi đầy súc tích: “Chị em con mong bố về từng ngày, con muốn được kể thành tích học tập của chị em con cho bố nghe lắm”. Đọc từng dòng chữ của con, tôi như uất nghẹn nơi lòng mình. Đã rất nhiều lần tôi không sao ngủ được và luôn tự hỏi: tại sao tôi lại ích kỷ như vậy, tại sao tôi lại lãng quên những gì quý giá nhất đang thuộc về tôi, 16 năm dài đằng đẵng các con phải sống thiếu sự đùm bọc che chở của cha, vợ phải sống thiếu chồng, phải làm trụ cột trong gia đình, phải vất vả nhiều lắm mới nuôi được các con ăn học nên người.

Nếu như tôi có nhận thức tốt ngay từ bước ban đầu thì bây giờ tôi đã được tự do. Nếu ngày đó tôi biết kiềm chế mình thì bây giờ bữa cơm gia đình tôi đã rộn vang tiếng nói cười. Một niềm mơ ước muốn làm lại, niềm mơ ước muốn được về để hít thở không khí bốn mùa miền Bắc, tôi bỗng khao khát hơn bao giờ hết...”.

Kỳ 1: Nỗi ân hận ngàn ngày Kỳ 2: Chuyện của một phạm nhân - bác sĩ Kỳ 3: Cái bạt tai, một mạng người và... Kỳ 4: Vượt qua bóng đen hận thù

_____________

Kỳ tới: Người cha bao dung

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên