26/09/2020 19:01 GMT+7

Những con số bất ngờ từ kết quả kinh doanh của các ‘ông lớn’ trong đại dịch

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hầu hết doanh nghiệp Việt Nam, song những doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội lại có mức tăng trưởng tốt, mở thêm được nhiều dịch vụ và doanh thu đạt được những con số bất ngờ.

Những con số bất ngờ từ kết quả kinh doanh của các ‘ông lớn’ trong đại dịch - Ảnh 1.

Các doanh nhân chia sẻ cách vượt khó khăn do dịch bệnh trong chương trình "Cà phê doanh nhân" - Ảnh: NGỌC HIỂN

Tại chương trình "Cà phê doanh nhân" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức ngày 26-9, các chủ doanh nghiệp tên tuổi đã cùng ngồi lại, trải lòng về những tháng ngày thăng trầm do đại COVID-19 trong thời gian qua.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - cho biết nhiều người cứ nghĩ ngành kinh doanh hàng hiệu của ông bị ảnh hưởng khi các sân bay đóng cửa, song ông lại công bố một thông tin ngược lại. Đó là trong COVID-19, khách hàng Việt không sang Singapore, Hong Kong và nước ngoài để mua sắm hàng hiệu nhưng vẫn mua sắm hàng hiệu tại Việt Nam. 

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, dịch bệnh "chỉ ảnh hưởng đến người nghèo, người giàu không khó khăn" nên nắm bắt được nhu cầu mua sắm trong đại dịch, công ty này đã tung nhân viên gửi mẫu hàng hóa đến các khách hàng, mang hàng đến tận nơi những sản phẩm cũng được lên kệ ở Paris hay các kinh đô hàng hiệu. Khách hàng vẫn sở hữu các mặt hàng này mà không còn phải ra nước ngoài chọn lựa như trước. 

Nhờ vậy, doanh số bán hàng của doanh nghiệp này đã tăng 15% trong khi đã cắt được 20% chi phí bởi không mở cửa hàng.

Trong khi đó, ông Lê Viết Hải - chủ tịch HĐQT Tập đoàn xây dựng Hòa Bình - cho biết COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp này bởi khách hàng của Hòa Bình chủ yếu là khách hàng làm trong mảng bất động sản, du lịch... 

Trong 6 tháng đầu năm, những công trình mới ký hợp đồng chỉ bằng 50% so với năm ngoái, doanh thu của 2 quý cũng chỉ bằng 1 quý của năm trước. Thời gian qua, doanh nghiệp này đã chuẩn bị nhân sự để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng đến 38% mỗi năm, song năm nay không những không tăng lại giảm đến 50% doanh thu, dẫn đến bài toán nhân sự cũng khó khăn.

Do đó, dù chủ trương không cắt giảm nhân viên là những nhân tố tích cực và chỉ cắt giảm giờ làm, song doanh nghiệp vẫn phải "đưa ra quyết định khó khăn, không thể khác hơn" đó là giảm 20% nhân viên.

Bên cạnh tái cấu trúc, doanh nghiệp này cũng sắp xếp để đào tạo cho những người chưa bố trí được công việc. Trong quý 2, Hòa Bình không tăng trưởng âm mà vẫn có "lợi nhuận khiêm tốn" là 4 tỉ đồng dù trước đây mỗi quý đều có lợi nhuận không dưới 100 tỉ đồng.

Còn bà Trần Thị Lệ, tổng giám đốc NutiFood, chia sẻ: trong thời điểm xảy ra COVID-19, bên cạnh đảm đảm bảo sức khỏe cho 6.300 nhân viên, công ty đã chuyển sang làm việc online nên mọi hoạt động được điều hành ngay trong vòng 5-10 phút. 

Do đó, các dự án của doanh nghiệp vẫn triển khai, thậm chí hoạt động nhiều hơn so với bình thường, như chưa đầy 6 tháng qua doanh nghiệp đã mở đến 170 tiệm cà phê Ông Bầu mà doanh nghiệp này chiếm 51% cổ phần và hướng đến chỉ tiêu 1.000 tiệm cà phê trong năm nay.

Đối với lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Đình Trung - chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh - lại cho hay khi COVID-19 bùng nổ, bản thân ông "không đủ tự tin, cảm thấy lo lắng và căng thẳng nhiều". 

Trong thời điểm COVID-19, doanh nghiệp này đã tái cấu trúc, số hóa và chuyển sang làm việc online. Trong việc tái cấu trúc, ông Trung cho biết trong 3 tháng đầu của dịch, doanh nghiệp đã làm thông qua online bằng cả 2 năm so với thời điểm không có dịch.

Tuy nhiên, giai đoạn dịch thứ 2 như "một cú đấm mạnh" vào tất cả mọi người, ai cũng khó khăn, tác động đến ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp này. Theo ông Trung, để chia sẻ lẫn nhau, các doanh nghiệp nên tiếp tục thúc đẩy làn sóng chia sẻ tiền thuê mặt bằng, giảm hoặc miễn tiền thuê mặt bằng để các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tồn tại thay vì phải đóng cửa, trả mặt bằng.

Đánh giá về nền kinh tế Việt Nam trong đại dịch, ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - cho biết trải qua đại dịch đã nhận ra thêm khả năng cạnh tranh cốt lõi của đất nước, đó là khả năng chống chịu với những biến cố khó lường, linh hoạt của nền kinh tế Việt Nam trong thế giới có nhiều biến động.

Theo ông Lộc, trong khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn được các tổ chức tài chính trên thế giới dự báo tăng trưởng hàng đầu đã cho thấy khả năng chống chịu cao của nền kinh tế Việt Nam.

Doanh nghiệp vượt khó Doanh nghiệp vượt khó

TTO - Trong bối cảnh phải cắt giảm chi tiêu bởi hệ lụy COVID-19, giám đốc một công ty vẫn quyết định đầu tư bạc tỉ thuê mặt bằng 'vàng' giữa trung tâm TP.HCM để mở siêu thị mỹ phẩm, tuyển hàng chục nhân viên.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên