16/07/2018 09:29 GMT+7

Những cậu bé thiếu vắng tình cha

KIM ANH
KIM ANH

TTO - Cả hai cậu học sinh Trần Duy Thương (lớp 8 THCS Đa Phước) và La Minh Điền (lớp 4 tiểu học Qui Đức) thuộc diện gia đình khó khăn, hộ cận nghèo ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh (TP.HCM) đều lớn lên trong sự thiếu vắng tình cha.

Nhưng cả hai cậu học trò vẫn vươn lên mạnh mẽ, vượt khó để nuôi ước mơ đến trường.

Những cậu bé thiếu vắng tình cha - Ảnh 1.

Em Trần Duy Thương tự học bài trong những ngày mẹ và em vào bệnh viện Ảnh: K.ANH

"Nhà em giàu nhất là ánh sáng"

Căn nhà nằm sâu trong con hẻm của ấp 5, xã Đa Phước của ba mẹ con bạn Trần Duy Thương được lợp mái tôn, vách nhà chắp vá từ đủ thứ nguyên liệu từ gỗ đến những miếng nhựa..., nhưng tất thảy đều đã thủng lỗ chỗ.

Chính vì thế trong nhà lúc nào cũng có nhiều ánh sáng, mà nói như cậu học trò nhỏ con này thì "nhà em nghèo nhưng rất giàu ánh sáng" - Thương nói đùa nhưng nghe sao xót xa.

Trong căn nhà ấy trống huơ trống hoác, những thanh đà bằng gỗ trên mái tôn đã bị mọt ăn, cây thì rơi một nửa, cây còn thì cũng bị mọt đục lỗ chỗ có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.

Do vậy, chỗ nằm của ba mẹ con Thương luôn giăng mùng và che trên đấy mảnh chiếu vừa để che bụi mọt vừa để lỡ có bị rơi thì cũng tránh được phần nào thương tích.

Ba mất do tai nạn trên sông từ khi Thương mới lên ba tuổi. Cô em gái cũng chỉ mới chào đời vài tháng. Chưa hiểu sự mất mát là gì, nhưng Thương lớn lên thiếu vắng tình cha,  em có phần nhút nhát hơn.

"Hình ảnh về cha em vẫn giữ vì hồi đấy lâu lâu ba ẵm em đi chơi trong xóm, mua đậu phộng rồi lột cho em ăn. Nên có những giấc mơ em thấy cha về mua đậu phộng cho mình ăn. Thức giấc em cứ tiếc hoài"- Thương kể.

Cậu bé mồ côi lớn lên bằng tình yêu thương của mẹ và những người thân xung quanh. Nhưng hai bên nội ngoại cũng không mấy khá giả. Phần lo chuyện ăn chuyện học và cả chữa bệnh cho cô em gái bị bệnh triền miên đều phụ thuộc vào đồng lượng khoảng trên dưới 3 triệu đồng mà mẹ của Thương đi làm gia công cầu đá bằng lông gà lông vịt.

Chị Trang Thị Thanh Nga, mẹ của Thương ngân ngấn nước mắt nói: "Từ ba tháng tuổi con bé đã bệnh phải đi viện truyền máu mỗi tháng. Mỗi lần đi viện khoảng ba ngày, bỏ một mình thằng Thương ở nhà cũng tội nghiệp nhưng ba hắn mất rồi biết trông chờ vào ai".

Chị Nga gầy gò, khắc khổ và cô em gái vì bệnh nên cũng xanh xao, nhỏ xíu so với lứa tuổi của em. Người mẹ nghèo ấy phải tằn tiện, nhịn ăn nhịn mặc mới đủ lo cho hai đứa con ăn học và chữa bệnh hàng tháng. Lỡ tháng nào ít việc coi như nợ nần chất chồng, lo toan vây bủa.

Biết mẹ quá vất vả với công việc mưu sinh, Thương đã tự biết làm tất cả việc nhà. Là con trai nhưng Thương biết tự lo cho bản thân trong những ngày mẹ và em vào bệnh viện. "Những hôm mẹ và em đi bệnh viện, tan học về nhà em buồn không thể tả. Mong sao em con hết bệnh để cả nhà con bớt khổ"- Thương bộc bạch.

Những lúc ấy, Thương lại ngồi vào góc học tập là chiếc bàn được hàng xóm tặng cho em để học bài quên đi nỗi nhớ mẹ và em. Cảnh nhà hiu quạnh,i mấy hôm đấy chỉ một mình bóng em lẻ loi trong căn nhà tuềnh toàng...

"Em sẽ cố gắng học tốt để mai này đi làm phụ mẹ lo cho em gái vì nó bệnh hoài, em cũng thương nó nhiều lắm" -Thương tự nhủ về tương lai của mình.

Những cậu bé thiếu vắng tình cha - Ảnh 2.

Những ngày mẹ vắng nhà, Trần Duy Thương tự lo cho bản thân- Ảnh: K.ANH

Cha bỏ đi, em lớn lên nhờ vòng tay ngoại

Còn nằm trong bụng mẹ nhưng cha đã bỏ đi, mẹ của em La Minh Điền về tá túc nhà ông bà ngoại tại ấp 4 xã Đa Phước. Từ khi lọt lòng, em đã lớn lên nhờ sự bảo bọc của ông bà ngoại. Bà Ngoại bệnh nhiều nên chỉ mỗi ông ngoại đưa đón Điền đi học mỗi ngày. Mẹ của Điền phải đi làm thuê ở xa nên sớm đã ra khỏi nhà, tối mịt mới về đến.

Ông Sroles (người Chăm), ông ngoại Điền năm nay đã 63 tuổi, mất sức lao động. Bà ngoại lại đau yếu nên mọi chi tiêu trong nhà đều trông chờ số tiền làm thuê của mẹ Điền và một người cậu cũng đi làm thuê cho người ta.

"Nó còn nhỏ nhưng cũng biết phụ giúp việc nhà cho ông bà ngoại. Còn việc học thì mình ên hắn phải tự học thôi chứ tôi có biết gì đâu mà chỉ cho cháu mình. Được cái nó tự giác học bài" - ông Sroles cho hay.

Những cậu bé thiếu vắng tình cha - Ảnh 3.

Còn nhỏ, nhưng La Minh Điền đã phụ ngoại lau nhà - Ảnh: K.ANH

Đi học về, Điền tự giác học bài và phụ bà ngoại lau nhà, phơi quần áo... Những ngày hè này em cũng chỉ loanh quanh chơi với đám trẻ trong xóm. "Em mong được mẹ dẫn đi chơi và được đi bơi vào mùa hè nhưng mẹ bận đi làm hoài" - Điền cho biết. Hỏi Điền có mơ ước mai này lớn lên làm gì không, anh chàng nhanh nhảu nói: "Chắc con làm họa sĩ vì con rất thích môn vẽ".

Sắp bước vào lớp 5, tiền trường, đồng phục, sách vở… tất thảy đều là nỗi lo toan đặt lên với ông bà ngoại và mẹ của Điền. "Tôi mong sao cho cháu học giỏi để mai này nó bớt khổ chứ sống trong nghèo khó hoài cũng thương nó" - ông Sroles nói.

Những cậu bé thiếu vắng tình cha - Ảnh 4.

Em La Minh Điền học bài - Ảnh: K.ANH

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.

Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Ước mơ của những cô cậu học trò nghèo Ước mơ của những cô cậu học trò nghèo

TTO - Ước mơ là những điều to lớn nhưng cũng thật giản đơn với các cô cậu học trò nghèo: một chiếc máy tính để học toán, lớn thật nhanh và có một việc làm để gia đình bớt khổ…

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: đèn đom đóm