13/07/2018 12:52 GMT+7

Những căn nhà không có mẹ

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - Hai đứa trẻ với hai câu chuyện khác nhau, nhưng điểm chung của chúng là cuộc sống thiếu vắng đi tình thương của người mẹ và sự khao khát được bám lấy con chữ.

Đó là hoàn cảnh của Nguyễn Minh Nhựt (14 tuổi) và Phạm Phúc Đức (12 tuổi) ngụ huyện Bình Chánh (TP.HCM). Mẹ Minh Nhựt mất vì một cơn bệnh nặng năm em lên 10, còn mẹ của Phúc Đức bỏ em đi từ những ngày mới biết bước lẫm chẫm.

"Nhờ mợ mà con học giỏi"

Nhựt nói với chúng tôi như vậy sau khi "khoe" thành tích điểm trung bình nhảy vọt từ 3,5 lên hơn 8,0 môn Toán chỉ sau hơn một năm nỗ lực. Cậu bé này có nụ cười tươi và mái tóc hơi ngả vàng - màu của những bữa trưa đội nắng đến trường.

Năm 2014, sau thời gian dài điều trị bệnh nhưng không thuyên giảm, mẹ Nhựt qua đời để lại em với người bà tuổi cao sức yếu và người mợ ruột. Từ nhỏ đã không có cha, cú sốc mất mẹ đã khiến Nhựt lưu ban năm lớp 5.

Những căn nhà không có mẹ - Ảnh 1.

Nguyễn Minh Nhựt đút cơm cho bà ngoại ăn - Ảnh: BÌNH MINH

Chị Hoàng Thị Thanh Thuỷ (38 tuổi), mợ của Minh Nhựt có gương mặt đen sạm và đôi bàn tay chai sạn vì lam lũ với công việc làm thuê, làm ruộng hàng ngày. Người đàn bà ấy chỉ mới học đến lớp 1 và thấm thía lắm cái cảm giác bị người đời đối xử tệ bạc vì không biết chữ.

Chị bật khóc khi kể về nhiều lần uất ức vì thua sút người khác. Tất cả cũng chỉ vì học hành không đến nơi đến chốn. Ý thức được điều này, chị Thuỷ đã cố gắng nuôi các con mình ăn học nhưng rồi nhiều lần thất vọng. Hai đứa con trai của chị đều lần lượt nghỉ học dù chị đã khóc hết nước mắt.

"Giờ, chỉ trông chờ mình thằng Nhựt. Nó học ngày càng khá, được cô giáo khen, mình đi họp mà trong lòng mừng lắm", chị cười khi nói về đứa cháu ruột.

Mỗi ngày, Nhựt đều dành phần lớn thời gian để tự học. Học xong, em phụ mợ dọn dẹp nhà cửa và thời gian còn dư lại mới dành cho riêng mình. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, sau khi học "đúp" hai năm lớp 5, Nhựt vượt lên là học sinh tiên tiến, hạnh kiểm tốt trong năm lớp 7.

Chị Thuỷ cho biết Nhựt mê đi học Anh Văn, nhưng biết nhà không dư dả, cậu bé đành gác lại mơ ước của mình.

"Hoàn cảnh tôi khó khăn lắm, nhưng chưa khi nào nghĩ đến việc cho Nhựt nghỉ học. Tôi mê nhìn thấy con cháu mình học giỏi, thấy nó ra làm bác sĩ. Bản thân mình không có chữ nghĩa để dạy Nhựt, nhưng tự nhủ phải ráng nuôi nó thành tài, không thua kém ai", chị Thuỷ tâm sự.

Những giấc ngủ chưa tròn

"Thằng Đức bị má nó bỏ đi từ hồi hai tuổi, lúc mới biết bước đi lẫm chẫm. Mười mấy năm nay nó sống với tui, sau này tui già rồi chết đi không biết ai lo cho nó", bà Nguyễn Thị Lài (66 tuổi), bà nội của Phạm Phúc Đức, cậu học sinh lớp 7 trường THCS Gò Xoài (huyện Bình Chánh) quệt nước mắt nói, đôi bàn tay nhăn nheo run run.

Sau khi mẹ bỏ đi, cha Đức cũng vướng vào vòng lao lý vì tội trộm cắp. Cứ thế, Đức lớn lên trong vòng tay và sự chăm sóc của ông bà nội. Ông nội Đức ngày ngày ra sông bắt cá đem bán và làm thuê những công việc lặt vặt, mỗi tháng thu được từ 2 đến 3 triệu đồng.

Ông than với chúng tôi dạo này sông ngày càng ít cá, đồng ra đồng vô không còn nhiều, mà sức lực của hai ông bà cũng gần cạn rồi.

Những căn nhà không có mẹ - Ảnh 2.

Đức ngồi học bài trên chiếc võng, sau lưng là tấm nệm cũ, buổi tối được hạ xuống để làm chỗ ngủ cho em - Ảnh: BÌNH MINH

Đức có gương mặt rất hiền và ít nói. Nhìn thấy chúng tôi đến, Đức chỉ lặng lẽ cúi đầu chào người lạ, rồi lại ra sau bếp chơi cùng đứa em họ. Bà Lài nhìn theo Đức, nói thằng bé học giỏi lắm, suốt ngày chỉ biết học rồi đi về nhà, không bạn bè gì cả. Về đến nhà, Đức lại lui cui quét nhà, rửa chén phụ ông bà, rồi lấy tập sách ra tự học.

Theo chân bà Lài ra sau bếp, chúng tôi trông thấy tấm nệm ngủ của Đức được dựng bên vách tường. Cả nhà có mỗi một căn phòng nhỏ tránh gió để ông bà ngủ, còn Đức nằm trên cái nệm cũ trải giữa bếp. Mùa mưa, mái nhà dột, nước mưa đổ thẳng xuống chỗ ngủ của cậu bé. Chưa một ngày nào giấc ngủ của em được tròn vành. Đó là những giấc ngủ không có lời ru của mẹ, là những đêm gió mưa thốc vào nhà lạnh từng cơn.

"Ông nội nó vừa lấy keo trét đắp bớt mấy chỗ lủng, chứ trước đây nhà dột dữ lắm", bà Lài lắc đầu nhìn chúng tôi.

Năm học vừa qua, Đức đạt học lực khá, hạnh kiểm tốt. Như nhiều cậu bé học sinh mà chúng tôi từng tiếp xúc, Đức nói em thích học môn Toán nhất, nhưng vẫn chưa biết được sau này sẽ làm gì. Hiện nay, việc học của Đức vẫn còn rất bấp bênh bởi sức khỏe của ông bà ngày càng yếu, trong khi em chỉ mới đi được một nửa hành trình học vấn.

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.

Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

"Mẹ không để các con bỏ dở đường học như các anh chị" 'Mẹ không để các con bỏ dở đường học như các anh chị'

TTO - Đó là lời cam kết của bà Dư với 3 đứa nhỏ, nhưng nói vậy cốt là để mấy đứa con yên tâm học hành thôi, chứ bà chẳng biết nuôi chúng ăn học được đến bao giờ.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: đèn đom đóm