19/04/2020 10:10 GMT+7

Những bước chân ở tuyến đầu chống dịch

THU HIẾN
THU HIẾN

TTO - "Sao người nước ngoài về nhiều thế?", "Sao lại cho tổ chức đám cưới ở thời điểm này?", "Sao không đưa người này đi cách ly?"..., cứ thế những cuộc điện thoại đến đường dây nóng trạm y tế của người dân cứ réo lên cả ngày lẫn đêm…

Những bước chân ở tuyến đầu chống dịch - Ảnh 1.

Cán bộ trạm y tế P.8, Q.6 (TP.HCM) kiểm tra thân nhiệt cho nhiều người dân trên địa bàn phường trong quá trình phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: Trạm y tế P.8, Q.6

Chúng tôi chẳng cần gì nhiều, chỉ mong người dân hiểu được những nỗi vất vả mà hợp tác. Còn phần thưởng mà chúng tôi có được là sức khỏe của mọi người.

Y sĩ Nguyễn Thị Lệ Thủy

Chưa bao giờ các trạm y tế lại phải căng mình chống dịch COVID-19 quyết liệt như những ngày qua. Ngày thường đã cực, dịch bùng phát, bước chân của họ càng vội vã hơn, cứ thế len lỏi trong từng ngóc ngách, ngõ hẻm, gõ cửa từng nhà dân cùng chống dịch. "Ngoài điều tra dịch tễ, họ còn kiêm thêm nhiệm vụ khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi, đó là nhiệm vụ "kép" vô cùng gian nan. 

Dịch COVID-19 xảy ra, có thể nói đã huy động tất cả mọi nguồn lực của ngành y tế để phòng chống, trong đó y tế cơ sở (phường/xã) đóng vai trò quan trọng và góp sức lớn, đặc biệt ở một số địa phương xuất hiện các ổ dịch như Q.2, Q.8" - ông Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ.

Về nhà không dám đến gần ai...

"Chị Thủy ơi, có một ca từ Macau (Trung Quốc) về cần xác minh gấp!". Mới 6h sáng, y sĩ Nguyễn Thị Lệ Thủy - trưởng trạm y tế P.8 (Q.6, TP.HCM) - nhận được cuộc gọi giọng gấp gáp từ công an khu phố 2. 

Bỏ lại việc chuẩn bị bữa sáng cho gia đình, vòng vèo qua mấy con hẻm sâu hút chỉ đủ một người đi xe máy lách qua, cuối cùng chị Thủy cùng tổ trưởng tổ dân phố cũng đến được nơi cần tìm. Oái oăm, người khách từ Macau trở về "không có ở nhà". Trong nhà, tiếng một người đàn ông vọng ra... chửi xối xả khi được hỏi thăm về thông tin của người nhập cảnh. Chị Thủy buộc phải nhờ công an, "dàn xếp" êm xuôi rồi mới vào nhà nói chuyện được với gia đình.

Một hôm khác, gần 23h đêm có trường hợp nhập cảnh từ Đức về tới phường. Đang trong ca trực, chị Thủy lại tất tả cùng với lực lượng chức năng nhanh chóng đến trực tiếp để xác minh lịch trình tiếp xúc. Trải qua hành trình di chuyển khá dài, vị khách về từ phương Tây với bộ dạng mệt mỏi đang loay hoay chuẩn bị đi mua thức ăn dằn bụng. Biết rõ nguy cơ rất lớn nếu để vị khách này đi ra cộng đồng, ngay lập tức chị Thủy ngăn lại, giọng ôn tồn: "Anh ăn gì chúng tôi đi mua giúp"! Hôm ấy xong việc thì cũng đã sang ngày mới.

Thế nhưng chị Thủy bảo rằng đó mới chỉ là ca đơn giản. Từ ngày dịch bùng phát, chị và các đồng nghiệp phải đối diện với nhiều ca có nguy cơ lây nhiễm. Đó là trường hợp một du học sinh từ nước ngoài về trên chuyến bay EK392. Cả buổi tiếp xúc, vận động cách ly tại nhà thì đến tối chị Thủy cùng đồng nghiệp nhận được thông báo chuyến bay này có ca dương tính với COVID-19.

Ngay trong đêm, chị cùng cán bộ phường lại cuống cuồng xuống nhà hỗ trợ việc lấy mẫu xét nghiệm. "Cả cuộc đời tôi chưa bao giờ cảm thấy căng thẳng như vậy, nếu ca đó dương tính, chúng tôi sẽ là F1. Đêm đó tôi về nhà không dám tiếp xúc với ai, tôi khóa cửa rồi chui vô một góc phòng ngồi viết nhật ký từng làm gì, tiếp xúc với ai để nếu có lỡ trở thành ca F1 còn nhớ khai báo" - chị Thủy nhớ lại. May mắn là nỗi lo trĩu nặng suốt 2 ngày được gỡ bỏ khi tất cả kết quả đều âm tính.

Chị bảo đó là ký ức đáng nhớ trong suốt 30 năm hành nghề y của mình. Từ ngày chống dịch, tất cả những chuyện này, từ nhỏ đến lớn y sĩ Thủy đều ghi chép tỉ mỉ trong cuốn sổ được chị gọi là "Nhật ký chống dịch COVID-19". Ngoài ghi chép các sự kiện chống dịch, cuốn sổ như là nhật ký tiếp xúc của chị với những ai để phòng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Từng ngày trôi qua, cuốn sổ lại dày thêm...

Khó khăn, phức tạp trong công việc liên quan đến dịch bệnh thì nhiều vô kể, nhưng thực tế nhất là chuyện các cán bộ trạm y tế còn phải đối mặt với rủi ro từ dịch bệnh. Gần 1 tháng kể từ ngày phát hiện ổ dịch, cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn, hiếm hoi lắm mới có cơ hội về nhà nghỉ ngơi nhưng cũng như chị Thủy, họ đều "không dám đến gần người thân và tự nhốt mình trong phòng". "Nhiều hôm ăn vội phần cơm từ thiện, đuối quá ngủ luôn cạnh ghế đá là việc làm không hiếm" - một nhân viên y tế P.Thảo Điền (Q.2, TP.HCM) nói.

Những bước chân ở tuyến đầu chống dịch - Ảnh 3.

Bắt đầu từ 5h30 sáng, bác sĩ Bùi Văn Đức (áo trắng, đứng giữa) - trưởng trạm y tế phường Thảo Điền (Q.2) - đã quan sát và hỗ trợ quá trình lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người nước ngoài trên địa bàn phường - Ảnh: THU HIẾN

"Mình không làm thì ai làm!"

Ổ dịch tại quán bar Buddha (P.Thảo Điền, Q.2) được đánh giá là "một chuỗi lây truyền bệnh COVID-19" và cho đến thời điểm hiện tại đang là ổ dịch lớn nhất khu vực phía Nam với 18 ca dương tính và 4.483 người tiếp xúc. Gần 1 tháng trước, khi ca bệnh 91 được phát hiện cũng chính là lúc đặt các cán bộ trạm y tế vào một nhiệm vụ "truy lùng khách hàng" tới quán với quy mô chưa từng có.

Khi ổ dịch cơ bản đã được khống chế nhưng như một phản xạ quen thuộc, từ 5h30 sáng ngày 10-4, bác sĩ Bùi Văn Đức - trạm trưởng trạm y tế P.Thảo Điền - thức dậy sớm, chạy thẳng đến ban điều hành khu phố để hỗ trợ việc lấy mẫu xét nghiệm cho hàng nghìn người dân trên địa bàn phường. "Địa bàn Q.2 coi thế mà rất phức tạp bởi người dân sinh sống đến từ hơn 100 quốc gia khác nhau, đặc biệt là người nước ngoài, nên việc thuyết phục họ hợp tác mới là khó khăn lớn" - bác sĩ Đức nói.

Gắn bó gần 25 năm với trạm y tế, hơn ai hết bác sĩ Đức hiểu được nguy cơ ấy. Ông bảo không phải đến khi xuất hiện ca bệnh từ quán bar Buddha ông mới lo, mà ngay từ tối 23-1, khi Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận 2 ca dương tính COVID-19 đầu tiên ông đã có dự cảm về diễn biến khó lường của dịch bệnh, và Q.2 chắc chắn không là ngoại lệ của các diễn biến ấy.

"Bắt đầu từ tối 29 tết chúng tôi phải ăn tết trong tư thế sẵn sàng, luôn phải cảnh giác cập nhật liên tục kiến thức về COVID-19, cứ thế những trang kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 dày lên cả gang. Rồi ngày 19-3, ổ dịch ở quán bar Buddha được phát hiện, cơ quan đơn vị liên quan và trạm y tế chúng tôi phải làm việc điên cuồng như một cỗ máy không ngừng nghỉ với nỗ lực kiểm soát ổ dịch càng sớm càng tốt" - bác sĩ Đức nhớ lại.

Bác sĩ Đức chia sẻ, những ngày đầu để thuyết phục được các ca F1, F2 đi cách ly không hề đơn giản. Tiêu biểu là một người bạn của bệnh nhân 91, đủ lực lượng phải đến thuyết phục tới 3 lần. "Cái chính là làm sao để tạo được lòng tin cho họ mới có thể thuyết phục người khác. Tôi biết rằng nhân viên y tế của trạm đều cảm thấy bất an nhưng mình không làm thì ai làm. Những lúc ấy tôi luôn trấn an họ bằng cách động viên, mình có kiến thức đầy đủ thì không lo gì cả" - bác sĩ Đức đúc kết.

Nhìn vào mái tóc ngắn ngang vai bây giờ, không khó để nhận ra y sĩ Nguyễn Thị Lệ Thủy đã từng có một mái tóc đen nhánh, dài ngang lưng. "Sợ nói ra mọi người không tin, nhưng vì công tác chống dịch tôi đã phải cắt đi bộ tóc của mình để tiện cho công việc" - y sĩ Thủy vừa nói vừa sờ lên mái tóc của mình.

Thầm lặng ngày thường

TP.HCM có 319 trạm y tế phường, xã trực thuộc 24 trung tâm y tế quận, huyện. Ngoài chức năng khám chữa bệnh ban đầu, các trạm y tế còn nhiều chức năng quan trọng khác đối với sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn như phòng chống dịch bệnh, phòng chống các bệnh không lây nhiễm, y tế công cộng, quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia.

Với đồng lương ít ỏi (chỉ vài triệu một tháng), nhiều cán bộ trạm y tế cơ sở bảo rằng họ chưa bao giờ đòi hỏi mình sẽ được hưởng lợi gì cả bởi công việc họ đang làm là trách nhiệm với xã hội. "Đã chấp nhận làm nghề này thì phải chấp nhận rủi ro, là con người ai cũng không thoát khỏi đôi lần cảm giác tủi thân nhưng là nghề nghiệp đã chọn, cứ gắn bó hoài không sao bỏ được" - trạm trưởng y tế một phường ở Q.1 chia sẻ.

Y bác sĩ tuyến đầu chống dịch: Y bác sĩ tuyến đầu chống dịch: 'Bao khó khăn không bằng con hỏi khi nào mẹ về'

TTO - 'Khó khăn nhất là khi nói chuyện với con, con hỏi sao mẹ đi lâu thế, bao giờ mẹ về', 'Chưa bao giờ được ngủ một giấc quá 3-4 tiếng, cho dù trong giờ nghỉ, họ vẫn cứ quanh quẩn bên chỗ khu bệnh nhân'...

THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên