10/04/2020 11:46 GMT+7

Người trẻ nơi tuyến đầu

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Cả bốn y bác sĩ, điều dưỡng tham gia với lực lượng quân đội trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bà con trở về lần này đều chưa có ai quá 30 tuổi.

Người trẻ nơi tuyến đầu - Ảnh 1.

Bác sĩ Đào Thị Túy Duyên kiểm tra sức khỏe cho người cách ly tập trung - Ảnh: TR.TR.

“Hồi mới lên, em stress luôn vì lúc ấy các chuyến bay về còn nhiều, bà con mình vào rải rác liên tục. Đêm cứ thiu thiu thì phải dậy khoác áo vào khu cách ly tới sáng...” - Đào Thị Túy Duyên, bác sĩ 25 tuổi, nhớ lại những đêm đầu gần như không ngủ khi tham gia chống dịch COVID-19.

Bác sĩ Duyên là một trong bốn nhân viên y tế trẻ của Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đồng hành cùng các lực lượng của quân đội làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bà con trong các khu cách ly.

Rất may F1 đã không trở thành F0. Đây là kỷ niệm nhớ đời rằng cẩn thận với những chi tiết nhỏ không bao giờ thừa.

Y sĩ PHẠM LÊ HÙNG

Làm việc không có giờ cố định

Tôi khoác bộ đồ bảo hộ bịt kín đi theo bác sĩ Duyên vào khu vực cách ly đặc biệt dành cho bà con mới từ nước ngoài trở về tại Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (Bộ Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng). 

Dù mới nửa buổi sáng, thời tiết miền Trung như đổ lửa. Mang thêm bộ đồ như "hiệu ứng nhà kính" nên chỉ vài phút lưng đã thấm mồ hôi. Nhìn qua bác sĩ Duyên, những giọt mồ hôi cũng đã lấm tấm trên mặt.

Theo lịch cố định, mỗi ngày của bác sĩ Duyên bắt đầu bằng công việc đo thân nhiệt và ghi chép cụ thể thông tin của từng bà con trong khu cách ly vào buổi sáng. Nhưng trên thực tế việc này bắt đầu từ khi có những người mới vào khu cách ly bất kể giờ giấc. 

"Nhiệt độ bình thường như hôm qua anh Bình nhé. Nếu có bất thường hoặc ho phải báo cho em liền nghe" - nói rồi bác sĩ Duyên cẩn thận ghi chép vào sổ.

Gõ cửa từng phòng, hết giường tầng 1 đến giường tầng 2. Những bước chân lướt qua lầu 1 đến lầu 2 trong khu cách ly quân đội rộng mênh mông... Hơn một tiếng, sổ ghi ghép số thứ tự người theo dõi đã lên hơn trăm người. 

Khi phần việc của bác sĩ Duyên tạm xong cũng là lúc tất cả mọi người được yêu cầu ra khỏi phòng để y sĩ Lê Thái và y sĩ Phạm Lê Hùng phun thuốc khử khuẩn. Phòng ốc mở tung cửa sổ, cả dãy nhà nồng nặc bởi mùi chất khử cloramin B. Hai y sĩ này cũng đi theo những dãy nhà mà bác sĩ Duyên vừa đi qua.

Bình khử khuẩn vừa cạn cũng là thời điểm tiếng kẻng báo giờ cơm trưa. Chúng tôi lột đồ bảo hộ, làm động tác khử trùng cơ thể mà mắt ai cũng còn cay sè. 

"Ngày dài với những bà con cách ly, vì tâm trạng họ chờ về nhà nhưng với tụi mình ở đây thì ngày nào cũng vào guồng quay, làm hết việc là vào giờ cơm luôn. Nhiều khi đang ăn dở chén cơm cũng bỏ xuống chạy vào khu cách ly" - y sĩ Thái nói.

Kinh nghiệm thử lửa

Chuyện trực đêm với người trong ngành y vốn dĩ rất quen thuộc. Nhưng trong lịch trình làm việc bình thường của các y bác sĩ thì 24 giờ làm/24 giờ nghỉ. Tuy nhiên để làm "tròn vai" trong khu cách ly thì những y bác sĩ ở đây không hề có giờ làm việc cố định. Mọi người đều trong tư thế sẵn sàng để bất cứ khi nào bà con cần là có mặt.

Cả bốn y bác sĩ, điều dưỡng tham gia với lực lượng quân đội trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bà con trở về lần này đều chưa có ai quá 30 tuổi. Còn trẻ, ít vướng bận chuyện gia đình nên cả bốn xung phong lên tuyến đầu phòng chống "giặc" COVID-19 tại khu cách ly để được thử lửa kinh nghiệm.

Ra trường được vài năm, đây là lần đầu tiên điều dưỡng Nguyễn Thị Trà My (24 tuổi) làm việc trong một trạng thái được trang bị "ngập răng". My nói làm việc trong môi trường không phải bệnh viện nhưng lại phải tuân theo quy trình y tế phòng dịch nghiêm ngặt vô cùng. "Căng thẳng và hồi hộp nhất với tụi em những ngày này là chờ được thông báo kết quả xét nghiệm của bà con trong khu cách ly" - My thổ lộ.

Còn y sĩ Phạm Lê Hùng (29 tuổi) vốn làm tại khoa kiểm soát bệnh tật nên khi vào nơi cách ly ngoài công việc hằng ngày còn kiêm luôn vai trò lấy tờ khai dịch tễ. Do vậy thời điểm bận rộn nhất với anh Hùng là khi tiếp nhận người mới vào khu cách ly. 

Ngoài nhiệm vụ kiểm tra các thông số về sức khỏe, lấy mẫu bệnh phẩm, anh còn lấy thông tin chính xác về lý lịch dịch tễ của người cách ly.

Bác sĩ trẻ lên tuyến đầu chống dịch Bác sĩ trẻ lên tuyến đầu chống dịch

TTO - Bác sĩ Huỳnh Thái Tiễn (27 tuổi) và dược sĩ Nguyễn Tấn Phát (32 tuổi) cùng công tác tại Bệnh viện Q.2 (TP.HCM) đã xung phong lên tuyến đầu tham gia cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên