Nga được cho là đã cam kết cung cấp hàng trăm triệu liều vắc xin Sputnik V cho nhiều nước trên thế giới - Ảnh: REUTERS
Hãng tin AP ngày 3-5 đưa tin Nga đang nhờ các công ty Trung Quốc sản xuất vắc xin Sputnik V của Nga, trong bối cảnh nhu cầu đối với vắc xin ngừa COVID-19 này tăng vọt.
Nga công bố đã đạt được 3 hợp đồng sản xuất tổng cộng 260 triệu liều vắc xin với các công ty vắc xin của Trung Quốc trong những tuần gần đây.
Động thái của Nga đồng nghĩa sẽ giúp các quốc gia đã đặt mua vắc xin của Nga được tiếp cận vắc xin nhanh hơn. Nhiều trong số các nước này nằm ở Mỹ Latin, Trung Đông và châu Phi.
Theo AP, những chỉ trích trước đây về vắc xin Sputnik V của Nga nhìn chung đã lắng xuống, sau khi dữ liệu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy rằng vắc xin này an toàn sau các cuộc thử nghiệm quy mô lớn, với hiệu quả 91%.
Vấn đề mà nhiều chuyên gia quan tâm về vắc xin này hiện nay là liệu Nga có thể thực hiện cam kết cung cấp hàng trăm triệu liều cho nhiều nước khắp thế giới hay không.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói rằng nhu cầu đối với vắc xin Sputnik V đã vượt đáng kể năng lực sản xuất trong nước của Nga.
Để đẩy mạnh sản xuất, Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) ký các thỏa thuận với nhiều nhà sản ở các nước khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Brazil, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý...
Về 3 hợp đồng với 3 công ty Trung Quốc, theo AP, tới nay chưa có công ty nào trong số 3 công ty Trung Quốc này bắt đầu sản xuất vắc xin Sputnik V. Vẫn chưa rõ các mốc thời gian được đưa ra trong những hợp đồng này.
Airfinity, một công ty phân tích khoa học ở Anh, ước tính Nga đã đồng ý cung cấp khoảng 630 triệu liều vắc xin Sputnik V cho hơn 100 quốc gia. Tới nay chỉ khoảng 11,5 triệu liều vắc xin này đã được xuất khẩu.
Mặc dù công tác sản xuất vắc xin Sputnik V có một số sự trì hoãn, theo AP, "ngoại giao vắc xin" của Nga đã cho thấy hiệu quả.
"Nga đã có thể xây dựng quan hệ ngoại giao mạnh hơn và ở các khu vực mà họ không thể trước đây. Họ có được cánh cửa cơ hội này, trong lúc Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ đang tập trung vào trong nước, còn phần còn lại của thế giới đang rất cần nguồn cung vắc xin" - nhà phân tích Imogen Page-Jarrett tại nhóm nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc tạp chí kinh tế uy tín The Economist bình luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận