05/04/2018 09:49 GMT+7

Nhớ người thầy quá cố 'tào lao xịt bộp' của tôi

LONG TRẦN
LONG TRẦN

TTO - Dù biết mình mắc bệnh hiểm nghèo nhưng người thầy ấy vẫn âm thầm chịu đựng để giảng dạy, truyền cảm hứng cho sinh viên. Giờ đây, dù thầy đã ra đi nhưng chúng tôi luôn khắc ghi công ơn người thầy đáng kính.

Nhớ người thầy quá cố tào lao xịt bộp của tôi - Ảnh 1.

"Tào lao xịt bộp" là câu nói cửa miệng mà người thầy quá cố của tôi vẫn thường dùng. Đó là lời mắng yêu đám sinh viên chúng tôi nếu trả lời bài sai. Là lời nhắc nhở nếu ai đó "lỡ" có thái độ không đúng, hay làm việc gì sai trái.

Tôi vẫn nhớ như in những buổi học đầu tiên với thầy. Đó là những giờ "tra tấn" tư tưởng khi thầy liên tục "cảnh báo" nên dừng lại nếu ai có suy nghĩ sai về ngành học, hay không có năng khiếu. Là lời góp ý chân thành để cả lớp thay đổi nghề nghiệp trước khi quá muộn.

"Gần 4 năm trôi qua, giờ thầy đã yên nghỉ dưới nấm mộ xanh. Nhưng chúng tôi vẫn luôn nhớ về người thầy có dáng cao, gầy, nước da trắng, nụ cười hiền hay nói câu cửa miệng "tào lao xịt bộp". Chính thầy đã truyền cảm hứng, lòng đam mê nghề cho tôi và nhiều thế hệ sinh viên khác".

Long Trần

Rất có thể, những lời đánh động ấy đã khiến gần chục bạn trong lớp tôi quyết định nghỉ học, thi lại tìm hướng đi khác. Đến khi đã thông tư tưởng, tôi thấy những lời cảnh báo của thầy hoàn toàn có lý.

Và với những ai đã xác định được con đường mình theo đuổi thầy luôn tận tâm, hết lòng. Suốt 4 năm sinh viên, ít khi chúng tôi phải chịu áp lực về điểm số. Thầy luôn nhắn nhủ: học báo chí là học nghề, phải trang bị đủ tài năng và đạo đức, nếu không thì đừng làm nghề.

Người thầy ấy cũng từng nghiêm giọng: "Làm báo mà vi phạm đạo đức nghề thì đừng bao giờ nói là học trò của tôi". Những lời căn dặn đó vẫn luôn khắc ghi trong tâm trí đám học trò chúng tôi.

Điều đặc biệt, vào các ngày lễ, tết, chẳng bao giờ thầy nhận quà của sinh viên.

"Tào lao xịt bộp, chúng mày làm gì có tiền mà mua quà tặng. Tiền bố mẹ gửi vào thì để mà học hành, ăn uống" - thầy sẽ nói như vậy nếu sinh viên nào mang quà đến tặng. Bởi thầy biết rõ, đa số sinh viên trong trường có hoàn cảnh khó khăn, lớn lên trên mảnh đất miền trung đầy nắng và gió.

Với phong thái giản dị, nên suốt nhiều năm đi dạy thầy vẫn trung thành với chiếc xe máy cũ kĩ. Hết giờ giảng dạy thầy lại trở về căn nhà trọ nhỏ. Không vợ con nên cuộc sống của thầy khá đơn giản, lặng lẽ.

Nhiều lứa sinh viên đến nhà đã bất ngờ khi chứng kiến cuộc sống giản đơn, chất phát của người thầy tài giỏi.

Suốt 4 năm ngồi trên ghế nhà trường, thầy không những truyền lửa nghề mà còn răn dạy chúng tôi những bài học về đạo đức làm người. Sự hết lòng vì học trò của thầy vẫn luôn được nhiều thế hệ sinh viên truyền tai nhau.

Hè năm 2012, chúng tôi tốt nghiệp ra trường và mỗi người bắt đầu tìm hướng đi riêng. Dù rất nhớ thầy nhưng chúng tôi chỉ biết cập nhật qua điện thoại và các trang mạng xã hội.

Đùng một cái vào năm 2014, tôi và các bạn nhận hung tin thầy bị bệnh hiểm nghèo. Bệnh suy thận giai đoạn cuối đã tàn phá cơ thể thầy cách kinh khủng.

Thì ra, thầy mắc bệnh nhiều năm trước nhưng vì không muốn học trò lo lắng nên âm thầm chịu đựng. Chỉ đến khi căn bệnh bước sang giai đoạn cuối thì chúng tôi mới biết chuyện.

Không có vợ con, người thân lại ở xa nên nhiều học trò đang sinh sống tại Huế đã phân chia nhau lên bệnh viện túc trực, chăm sóc thầy. Còn những đứa ở xa thì góp chút tấm lòng phụ giúp thầy trả viện phí.

Ai cũng âm thầm cầu nguyện, mong một phép màu sẽ đến với người thầy đáng kính. Thế nhưng, bệnh tật đã lấy đi của chúng tôi người thầy tài giỏi, nhiệt huyết, hiền lành, tận tâm với sinh viên. Một ngày đầu tháng 9-2014 thầy đã mãi mãi ra đi.

Vậy là từ đó, tôi và nhiều sinh viên khác sẽ không còn được nghe câu "tào lao xịt bộp" của thầy nữa…

Mời bạn tham gia viết bài 'Những ký ức đẹp'

Điều gì đã đọng lại trong bạn để trở thành ký ức không thể quên? Gợi nhớ ký ứckhông phải là khơi lại đống tro tàn. Ký ức đôi khi là hành trang, là chiêm nghiệm... để ta bước tiếp với đôi chân vững chãi. Có những ký ức rất đẹp, cũng có những ký ức khi hồi tưởng lại, ít nhiều trong chúng ta vẫn còn cảm thấy "nợ" người trong cuộc.

Nhằm ghi lại những câu chuyện của chính bạn hoặc của người khác nhưng gây nhiều xúc động trong bạn, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Những ký ức đẹp' cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ, vè... dài tối đa 1.200 từ (có thể kèm clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.

Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gửi về: nhungkyucdep@tuoitre.com.vn hoặc dandt@tuoitre.com.vn. Thông tin bạn đọc, tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!

TUỔI TRẺ ONLINE

"Điều còn lại là tình người, đúng không người bạn vắn số của tôi"? 'Điều còn lại là tình người, đúng không người bạn vắn số của tôi'?

TTO - Hỏi cũng là đã trả lời. Viết cho người đã khuất cũng là tự sự với chính mình, bạn đọc Nguyễn Trần Hoàng Uyển chia sẻ: "Tớ nhận ra cái quan trọng nhất trên đời này là tình người, chỉ tình người mà thôi, đúng không nào."

LONG TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên