14/11/2023 16:50 GMT+7

Nhớ hoài những câu nói thấm thía của thầy cô

Đôi lúc chỉ một câu nói của thầy cô cũng có thể khiến học trò nhớ mãi, thậm chí thay đổi cả cuộc đời của một bạn trẻ.

Nhiều lời dạy của thầy cô khiến không ít học sinh nhớ mãi - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhiều lời dạy của thầy cô khiến không ít học sinh nhớ mãi - Ảnh: NHƯ HÙNG

"Con người ai cũng có lúc phạm lỗi, khi ấy người ta sẽ ngay lập tức săm soi vào lỗi lầm đó để rồi quên mất những gì em đã làm được. Thế nên, đừng để ý nhiều quá tới người khác làm gì, cứ tập trung vào bản thân và sống cuộc đời mà em muốn".

Đó là lời khuyên mà Nguyễn Đỗ Quốc Bảo - cựu học sinh Trường THCS Hai Bà Trưng, huyện Nhà Bè, TP.HCM - luôn khắc ghi từ cô Nga, là giáo viên dạy môn âm nhạc của bạn những ngày còn học ở trường.

Hồi đó, trong mắt của Bảo, cô Nga rất "ngầu". Bạn và nhiều học sinh trong lớp xem cô như một người chị luôn có mặt trong các cuộc vui của mấy đứa em, nhưng cũng vừa ân cần dịu dàng, vừa sẵn sàng đứng ra bảo vệ các bạn.

Bảo kể có những lần mắc lỗi hoặc lúc gặp khó khăn không có bạn bè để chia sẻ, thì cứ tìm đến cô. Cô sẽ luôn nhẹ nhàng ôm và an ủi bạn.

Đến nay dù đã là sinh viên năm 4, Bảo vẫn nhớ như in những lời dạy quý báu cô động viên bạn mỗi khi mắc lỗi.

"Về sau, dù vẫn còn sợ hãi trước cái nhìn của đám đông, nhưng chính nhờ câu nói ấy, mình vì những điều tốt đẹp mà phấn đấu. Sau bao tổn thương, mình vẫn tiếp tục đứng dậy và dũng cảm bước đi trên con đường mà mình đã chọn", Bảo nói.

Thầy trò trong buổi lễ khai giảng tại TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Thầy trò trong buổi lễ khai giảng tại TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Trong khi đó, bạn Phố Hương - cựu học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (Tây Ninh) - lại luôn nhớ lời cổ vũ của cô Thùy Dương - cô giáo chủ nhiệm lớp 12 gửi đến bạn - trước những cuộc thi lớn.

"Hôm nay Phố Hương hãy thi thiệt vui, làm bài thiệt "say" nha, cô chỉ mong Phố Hương bước ra khỏi phòng thi hông thấy nuối tiếc, cô luôn ở đây". Đó là lời động viên mà cô Dương dặn dò bạn trong buổi sáng bước vào kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

"Hồi cấp ba, mình thi rất nhiều cuộc thi, mình luôn hiểu trên vai mình có kỳ vọng của thầy cô, của nhà trường, của địa phương. Nhưng cô chủ nhiệm của mình, là người duy nhất chưa bao giờ chúc mình đoạt giải cao trong tất cả các kỳ thi, cô sợ mình bị áp lực vì thành tích, cô mong tụi mình có thể thấy vui với điều tụi mình chọn theo đuổi trước và phải biết tự công nhận mình trước", Phố Hương hồi tưởng.

Phố Hương tâm sự thêm sau này rời khỏi trường phổ thông, bạn mới nhận ra nhiều lúc bạn vẫn đối xử với cuộc sống rất giống một kỳ thi, mong cầu thứ hạng, tự so sánh mình với mọi người.

"Câu chúc năm nào của cô giờ thành lời nhắc, không cần hơn thua với ai, hãy thấy vui với chuyện mình làm trước, khi mình làm trong say mê, những điều khác sẽ tự tới.

Và cô Dương nói cô luôn ở đây tức là luôn… ở đây thiệt. 4 năm sau tốt nghiệp, mỗi lần có chuyện không dui chạy về quê thì vẫn chạy vô nhà cô kể với cô", Phố Hương nói.

Còn Mộng Tuyền - cựu học sinh Trường THPT chuyên Bạc Liêu - nhớ mãi những lời khuyên của cô giáo dạy văn của trường tên Trần Thị Phương đúng lúc bạn đứng giữa ngã ba đường chọn ngành, chọn nghề.

Lúc đó, Tuyền đang băn khoăn giữa hai ngành báo chí và kinh tế. Bạn thích báo chí hơn, hợp với sở thích văn chương, nhưng lại sợ… nghèo. Còn ngành kinh tế có vẻ nghe kiếm được nhiều tiền hơn.

Tuyền đã đến tìm cô để được nghe lời khuyên.

Cô nói với Tuyền: "Người ta nói đi học để sau này có công ăn việc làm, nhưng thật ra không phải. Không đi học vẫn làm được ra tiền, thậm chí là nhiều tiền, còn đi học là học tư duy, nhận biết phải trái đúng sai. Nên nếu cứ chăm chăm chọn ngành đại học kiếm được nhiều tiền, học để kiếm tiền thì có thể nghỉ, đi làm cũng có tiền".

Cô Trần Thị Được trong tiết dạy ở Trường đại học Nguyễn Tất Thành - Ảnh: VÕ MINH TIẾN

Cô Trần Thị Được trong tiết dạy ở Trường đại học Nguyễn Tất Thành - Ảnh: VÕ MINH TIẾN

Võ Minh Tiến - cựu sinh viên ngành điều dưỡng tại Trường đại học Nguyễn Tất Thành - lại nhớ về những câu nói truyền lửa và động lực của cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Được.

Tiến kể dù năm nay đã 76 tuổi, cái tuổi đáng lẽ ra phải ở nhà tận hưởng cuộc sống cùng với các con cháu, nhưng cô vẫn miệt mài hằng ngày trên giảng đường đại học để truyền lửa và động lực cho các bạn trẻ.

"Câu nói mà mình luôn nhớ mãi và xem nó là một lời nhắc nhở mỗi khi đi làm hằng ngày đó là "Hãy xem người bệnh như là người nhà của con".

Cô luôn nhắc nhở mình về tầm quan trọng của sự đồng cảm và lòng nhân ái trong công việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

Từ đó, mình đã hiểu rằng mỗi bệnh nhân đều mang trong mình câu chuyện riêng, những niềm hy vọng và nỗi lo sợ. Với tình yêu thương và sự chăm sóc như người thân, chúng ta có thể mang lại sự an lành và sự chữa lành cho họ", Minh Tiến nói.

Thầy cô vùng trũng Đà Nẵng hì hục dọn bùn non sau ngậpThầy cô vùng trũng Đà Nẵng hì hục dọn bùn non sau ngập

Sáng 8-11, Trường tiểu học Hồng Quang (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho học sinh nghỉ học để thầy cô cùng bộ đội dọn bùn non sau trận ngập trong đêm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên