27/08/2019 09:29 GMT+7

Nhật thỏa thuận ưu đãi với nông sản Mỹ 'hàng tỉ hàng tỉ đôla'

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Anh và Nhật Bản, hai quốc gia đã từng bị tổng thống Mỹ chỉ trích, giờ có vẻ như đang trở thành nơi trợ giúp của ông Trump trong lúc cuộc chiến thương mại với Trung Quốc chưa có dấu hiệu xuống thang.

Nhật thỏa thuận ưu đãi với nông sản Mỹ hàng tỉ hàng tỉ đôla - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp - Ảnh: Reuters

Tại thượng đỉnh G7 vừa kết thúc hôm qua (26-8) ở Pháp, Mỹ và Nhật Bản đã "nhất trí về nguyên tắc" một thỏa thuận thương mại mới giữa hai nước. 

Theo đó, Tokyo sẽ dành cho nông sản Mỹ những ưu đãi tương đương với các nước thuộc TPP 11 (hay Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP).

Chúng tôi tin là việc leo thang thương chiến không có lợi cho Trung Quốc, cho Mỹ, cũng như không có lợi cho mọi người trên thế giới.

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc

Trấn an lòng dân Mỹ trước

Thỏa thuận, nếu được hoàn tất vào tháng tới ở Mỹ, sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa hai đồng minh về việc Mỹ đe dọa áp thuế quan đối với ôtô nhập khẩu từ Nhật. 

Tương tự, ông Trump đang vô cùng tự tin về triển vọng đạt được một thỏa thuận thương mại với Anh ngay sau khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) vào tháng 10 tới.

"Đó là một thỏa thuận lớn. Đó là hàng tỉ và hàng tỉ đôla. Thật tuyệt vời cho nông dân Mỹ" - ông Trump không che giấu cảm xúc khi loan tin sắp đạt được một thỏa thuận thương mại với Nhật. 

Tổng thống Mỹ trước đó cũng hoan hỉ cho hay Nhật đã đồng ý mua số lượng lớn bắp Mỹ đang tồn kho vì cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Theo đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, thịt bò, thịt heo, lúa mì, các sản phẩm từ sữa, rượu vang và ethanol sẽ được hưởng lợi từ thỏa thuận này.

Kể từ khi phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nông dân Mỹ là những người bị ảnh hưởng trực tiếp. Bắc Kinh là nhà nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng nông sản như đậu nành, thịt heo của Mỹ. 

Thoạt đầu trả đũa chỉ bằng việc tăng thuế quan, Trung Quốc đã leo thang đến việc ngừng mua nông sản từ Mỹ và chuyển sang nhập từ một số nước khác khi ông Trump nâng dần thuế nhập khẩu lên 550 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.

Trong lúc cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đang đến gần, ông Trump không muốn làm mất thêm sự ủng hộ từ bất kỳ nhóm cử tri nào. Cần nhớ, những lá phiếu của "tầng lớp im lặng" - dân lao động ở Mỹ - đã giúp ông Trump giành chiến thắng lịch sử vào năm 2016 như thế nào. 

Ông Trump không muốn làm mất lòng cử tri, đặc biệt là nông dân ở những bang chủ chốt và các bang chiến địa với Đảng Dân chủ. Hàng chục tỉ USD đã được chính quyền Trump chi để hỗ trợ các nông dân bị thiệt hại vì thương chiến.

Trung Quốc đang câu giờ?

Trong bối cảnh cuộc thương chiến ngày càng gay gắt, hai bên đều đang tìm cách để bên kia thấy rằng những thiệt hại là đủ lớn để nhượng bộ. Mỗi bên đánh vào những lĩnh vực gây thiệt hại nhiều với bên kia để tạo sức ép nội bộ. 

Chẳng hạn, Mỹ dùng đòn thuế quan để hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc, qua đó giảm tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng việc áp thuế với hàng nông sản sẽ buộc ông Trump phải tính lại.

Như đã nói ở trên, việc Bắc Kinh ngừng mua nông sản Mỹ không chỉ đơn thuần là trả đũa, đó là một ý đồ chính trị tinh vi. Trung Quốc đã nhắm vào ngành nông nghiệp đặc hữu của các bang miền trung tây nước Mỹ - những nơi ông Trump phải giành được sự ủng hộ nếu muốn ngồi ở Nhà Trắng thêm 4 năm nữa. Tái tranh cử, trong khi đó, không phải là vấn đề lo lắng của ông Tập Cận Bình.

Bắc Kinh vẫn đang diễn tốt vai của mình. Việc kêu gọi quay trở lại đàm phán có thể không phải là một dấu hiệu xuống nước.

Sự bế tắc và vòng luẩn quẩn của những cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc trong hơn một năm qua cho Bắc Kinh thấy đàm phán đôi khi cũng là một cách để câu giờ, qua đó khiến ông Trump mệt mỏi và phải đi đến một thỏa thuận.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang cố gắng chịu đau và đóng vai "nạn nhân" của ông Trump trong dư luận. Thương chiến rõ ràng gây thiệt hại cho cả hai bên, và với đà gia tăng các biện pháp trả đũa, câu hỏi vẫn sẽ là: ai chịu đau tốt hơn?

Sớm nối lại đàm phán

Ngày 26-8, ông Trump tiết lộ phía Trung Quốc "đêm qua gọi điện với các quan chức thương mại của chúng tôi" và nói rằng "hãy quay lại bàn đàm phán!". Ông Trump cho hay Bắc Kinh mong muốn đạt được một thỏa thuận với Washington và các nhà đàm phán Mỹ - Trung sẽ "chẳng mấy chốc" nối lại đàm phán, theo Hãng tin Reuters.

Thông tin được nhà lãnh đạo Mỹ tiết lộ bên lề Hội nghị G7 ở Pháp bằng một tông giọng khác hẳn với những ngôn từ cứng rắn vài ngày trở lại đây.

Trong khi đó, cùng ngày, Phó thủ tướng Lưu Hạc - trưởng đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc - kêu gọi Mỹ giải quyết thương chiến thông qua đối thoại bằng một "thái độ bình tĩnh", thông qua các cuộc tham vấn và hợp tác.

Quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới cứ lên xuống như đồ thị hình sin. Dù không rõ thương chiến sẽ tiếp tục leo thang hay giảm nhiệt trong những ngày tới, nhưng thông tin của ông Trump và lời kêu gọi của Trung Quốc trong ngày 26-8 đã tới như một cơn mưa làm dịu mát phần nào bầu không khí căng thẳng đến ngột ngạt.

BẢO ANH

Trung Quốc muốn Trung Quốc muốn 'đàm phán bình tĩnh' với Mỹ về thương chiến

TTO - Trong phản ứng mới nhất từ chính quyền Trung Quốc về thương chiến, Phó thủ tướng Lưu Hạc cho biết nước này sẵn sàng giải quyết xung đột với Mỹ qua những cuộc đàm phán “bình tĩnh”.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên