14/09/2011 07:20 GMT+7

Nhật ký Trường Sa - Kỳ cuối: Ngọn hải đăng dẫn đường

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - “Mẹ à, hình như nhà mình có gen hải quân hay sao ấy... Con rất muốn trở thành chiến sĩ hải quân như bố. Con chỉ nghĩ tới hải quân chứ không nghĩ tới ngành nào khác...”.

Trong căn nhà đơn sơ ở một xóm nghèo của Quảng Khê (Quảng Xương, Thanh Hóa), khi nghe đứa con trai mới chớm tuổi 18 thưa chuyện, người mẹ thấy như có đợt sóng lớn vừa đánh ụp xuống ngang người!

r59GMw9N.jpgPhóng to

Ảnh: My Lăng

"Em biết sự hi sinh của anh quan trọng, quý giá đến nhường nào cho đất nước mình!”

Tâm sự của bà Nguyễn Thị Tần (vợ anh hùng liệt sĩ Vũ Phi Trừ)

Ước nguyện của con

14 năm trôi qua, nỗi đau vẫn âm ỉ trong lòng người phụ nữ ấy, giờ cuộn sóng dữ dội, dâng lên trong mắt... Cô chới với trong sự điềm tĩnh chịu đựng, lặng người nhìn con trai lớn. Nó muốn trở thành chiến sĩ hải quân như bố!

Bố của con cô - thuyền trưởng tàu HQ604, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Phi Trừ - đã vĩnh viễn nằm lại ngoài biển khơi Tổ quốc trong sự kiện ngày 14-3-1988 tại khu vực đảo Gạc Ma.

“Mẹ... - người con trai bối rối nói - Con xin lỗi vì đã làm mẹ khóc. Con biết mẹ lại đang nhớ bố... Ngay từ lúc còn nhỏ, con đã khâm phục và rất tự hào về bố khi nghe mẹ rồi họ hàng, xóm làng kể chuyện. Mỗi lần xem tivi, con cứ ước mình nhanh lớn để được mặc quần áo hải quân. Con nghĩ về nó từng ngày. Bây giờ đã đến lúc con có thể thực hiện ước mơ đó...”.

Một khoảng im lặng đáng sợ sau lời nói, giữa mẹ và con. Rất lâu... Rồi người mẹ nói, giọng nghẹn lại và mắt mờ nước, cố điềm tĩnh: “Con đã nghĩ kỹ chưa? Thật kỹ chưa? Con và cả thằng Khoa nữa, vẫn chưa biết hết khó khăn mà một người lính hải quân phải trải qua như thế nào...”.

“Mẹ ạ... - giọng người con trai quả quyết - Con đã nghe kể và hình dung được những khó khăn, vất vả sẽ gặp, kể cả nguy hiểm, hi sinh. Con còn nhớ rất rõ các chú kể khi tàu bị bắn thủng nhiều chỗ, bố vẫn không bỏ tàu mà vẫn bình tĩnh chỉ huy và bị đạn bắn vào đầu bất tỉnh. Chỉ ít phút sau thì tàu chìm... Con rất thương và khâm phục bố. Bố đã hi sinh cả tính mạng mình để bảo vệ đất nước, bảo vệ cuộc sống cho chúng con. Con sẽ thực hiện tiếp ước nguyện ấy để bố an lòng... Thế hệ của bố, của các chú trước đây gian khổ là vậy mà vẫn chịu được, huống chi bây giờ sướng hơn, có nhiều điều kiện hơn mà trẻ như con lại sợ”.

Đêm ấy người mẹ thức trắng!

Nỗi lòng của mẹ

“Anh có linh thiêng hãy phù hộ cho ba mẹ con em... Khi nghe thằng Đăng quyết tâm như vậy, em chỉ biết khóc chứ không dám ngăn con nữa. Nhưng em rất lo. Em đã mất anh rồi, biển cả sóng gió không ai nói trước được... Nhỡ con có chuyện gì... Ngày anh đi, thằng Đăng mới 4 tuổi, thằng Khoa mới 15 tháng. Lúc đó nó còn nhỏ quá, đã biết chết là gì đâu, thấy mẹ khóc thì ôm mẹ khóc theo.

Lúc đầu em chỉ thấy mình thiệt thòi, mất mát vì nỗi đau quá lớn. Em không nghĩ đến những điều to tát. Dần về sau, em biết sự hi sinh của anh quan trọng, quý giá đến nhường nào cho đất nước mình. Lúc hai con còn nhỏ, cả bây giờ, em vẫn luôn kể về anh. Em rất tự hào về anh và truyền niềm tự hào ấy sang hai con. Vậy bây giờ làm sao em có thể làm điều ngược lại là ngăn cản niềm tự hào ấy, làm sao bảo con đừng đi, đừng sống vì lý tưởng, đừng chọn con đường nhiều gian khổ và quá nhiều xa cách...

Chúng mình cưới nhau sáu năm, sống chung với nhau chưa được bảy tháng. Số lần anh về phép chưa quá một bàn tay. Một năm anh mới gửi được ba, bốn lá thư về cho vợ. Anh đi Trường Sa, sóng gió biền biệt, cách trở. Cứ nhận được thư em mới thấy an tâm. Mỗi lần anh về, quà bộ đội chỉ là ký đường, vỏ ốc, vỏ sò, san hô, chùm chôm chôm miền Nam...

Lần nào về anh cũng tranh làm hết mọi việc: nhổ mạ, tát nước, cắt cói, dệt chiếu... để em được nhẹ chân nhẹ tay. Đợt cuối cùng anh về phép, thằng Khoa mới 13 tháng nhưng đã cai sữa. Em đi chợ hơn 1 giờ trưa mới về, em dặn ở nhà bố con cứ ăn cơm trước. Nhưng anh nấu xong cho hai đứa ăn no là lại ẵm thằng Khoa đi quanh xóm đợi em về ăn cùng.

Anh sợ em lo lắng nên giấu biệt những gian truân nơi biển cả. Có lần trên đường ra đảo gặp bão số 6, thuyền của anh thả neo nhưng cứ chao qua nghiêng lại như muốn lật úp xuống biển! Có lần anh đang giám sát việc cẩu hàng, vừa nhìn lên phía cần cẩu thì cẩu hàng bị đứt cáp, rớt ngay xuống trước mặt, sát ngay mũi bàn chân! Có lần tàu mắc cạn ở bãi cát. Sau này một người đi cùng với anh về kể: có lần tàu lạc không tìm được đảo, quay về gần vào bờ rồi lại trở ra, mất mấy tháng mới đến được đảo. Anh chỉ kể những chuyện vui, lạ: đảo nào có nhiều chim, anh em được cải thiện bữa ăn; rồi chuyện cá heo xúm lại đẩy tàu, nhảy rượt trên mui tàu...

Chuyến anh về phép cuối cùng, vừa phép thưởng vừa phép tiêu chuẩn phải gần ba tháng. Vậy mà mới ở chưa được hai tháng, đơn vị báo đi công tác gấp, anh đi ngay. Đêm cuối cùng, vợ chồng mình thức tới sáng trắng nói chuyện. Anh toàn nói về những chuyện vui tương lai. Anh bảo mấy chuyến sau về có tiền sẽ mua cho em cái máy xát gạo để em đỡ vất vả. Anh hứa sẽ xây nhà cho mấy mẹ con ở cho đàng hoàng...”.

Nhưng đó là đêm cuối cùng thuyền trưởng Vũ Phi Trừ ở nhà. Lời hứa mua cho vợ chiếc máy xát gạo, xây một ngôi nhà đàng hoàng đã theo người sĩ quan hải quân chìm dưới đáy biển sâu thẳm ở thềm lục địa Tổ quốc...

Nguyện làm ngọn hải đăng

Người con trai 18 tuổi rạng ngời trong bộ trang phục hải quân mới tinh khôi vẫy tay chào mẹ. Người mẹ không dám tiễn con lên xã, đứng ôm cột ngoài hiên, nhìn theo dáng con mà khóc. Người mẹ ấy là bà Nguyễn Thị Tần, vợ liệt sĩ, anh hùng Vũ Phi Trừ. Người con trai trong sáng mai ấy là Vũ Xuân Đăng (sinh năm 1983), hiện là chiến sĩ tàu Trường Sa 16.

Đang bảo vệ quân khí ở Lữ đoàn 125 hải quân, Đăng xin đi biển. Đến nay, anh đã tham gia nhiều chuyến tàu chở nguyên vật liệu phục vụ việc xây dựng nhà cửa, trường học, các công trình công cộng ở các đảo của Việt Nam.

“Khi tôi đi chuyến công tác đầu tiên, tôi biết mẹ lo nhiều hơn mừng. Mừng vì con thực hiện được ước mơ của mình. Lo vì biển cả dông bão khôn lường, nhiều nguy hiểm, căng thẳng... Mẹ lo nhưng không dám nói tôi biết, nhất là mỗi khi đài báo gió lớn, bão về. Tôi nghĩ biển cả mênh mông, chỗ nào cũng có bố đi theo phù hộ, che chở cho mình. Tôi muốn ra biển, đi tiếp con đường mà bố đã đi; được một lần đến vùng biển mà bố và các chú hi sinh để được thắp nén nhang cho bố và các chú. Tôi muốn bố nhìn thấy mặt con trai mình giống bố như thế nào, xem nó trưởng thành và chững chạc trong bộ quân phục hải quân mà bố từng mặc như thế nào...”.

Từ đảo Song Tử Tây một trưa cuối tháng 6-2011, Xuân Đăng tâm sự qua điện thoại với âm hưởng lộng gió Trường Sa.

Tên đầu tiên của Đăng là Vũ Hải Đăng, cái tên mang bao gửi gắm của anh hùng, liệt sĩ Vũ Phi Trừ: con trai mình sẽ tỏa sáng, là chỗ dựa, là niềm tin, là tia hi vọng cho những người đi biển.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Viết cho Nguyễn Ngọc Trường XuânKỳ 2: Ca cấp cứu ở Trường SaKỳ 3:Ký ức pôngtôngKỳ 4: “Nhật ký đảo” bằng ảnhKỳ 5:Thư từ đại dươngKỳ 6:Nhật ký ở đảo Phan VinhKỳ 7: Bảo vệ ngọn cờKỳ 8:Tình đồng độiKỳ 9: Lá cờ của cha, lá đơn của con

______________________

Đón đọc số tới:

Nước mắt phu vàng

Dù liên tục có những vụ sập hầm vàng chết người, dù có rất nhiều người chưa kịp cầm trong tay đồng tiền công rẻ mạt đã phải bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc, nhưng nghề phu vàng vẫn được một số người chọn như một sinh kế qua ngày.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên