08/09/2011 04:40 GMT+7

"Nhật ký đảo" bằng ảnh

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - Trở về từ Trường Sa, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc (khoa ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện 175) mang theo bộ “nhật ký” bằng ảnh thật đồ sộ, với gần 7.000 bức. “Đó là cuộc sống đời thường, gian lao nhưng đầy sáng tạo của người lính giữa trùng khơi” - bác sĩ Ngọc nói.

PrITUPns.jpgPhóng to
EAUgZYfG.jpg
gFxrkR8p.jpgPhóng to
NJRkx7Up.jpg
Giá võng; phao đánh cá làm hộp đựng bàn chải; bốn chiếc quạt hỏng ráp lại thành một chiếc quạt...”cổ”; ly uống trà “làm nhiệm vụ” thay nắp phích...- Ảnh: Nguyễn Hà Ngọc

Kỳ 1: Viết cho Nguyễn Ngọc Trường XuânKỳ 2: Ca cấp cứu ở Trường SaKỳ 3: Ký ức pôngtông

Vòng đời cây mướp

“Người ta đã thống kê hằng năm ở Trường Sa có tới 131 ngày gió mạnh từ cấp 6 trở lên và lượng mưa trung bình cũng rất lớn, trên 2.500mm. Phải chăng vì yếu tố thời tiết khắc nghiệt đó mà người Pháp còn gọi Trường Sa là đảo Bão Tố!” - bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc mở đầu câu chuyện.

Thiên nhiên quá khắc nghiệt, muốn trồng được một cây người ta phải nâng niu, chăm sóc nó còn hơn chăm sóc một đứa trẻ từ lúc mới sinh. Chẳng hạn như cây mướp. Đầu tiên là khâu gieo hạt. Mọi người tận dụng keo, hũ đựng thức ăn, thùng chứa nhiên liệu và cả thùng đạn để làm chậu, gieo hạt: sáng bê ra cho cây tắm nắng, trưa đem cất vào bóng râm, tránh cái nóng gay gắt ngoài trời. Đợi khi cây cứng cáp mới đem ra gieo xuống các hốc đất đã chuẩn bị sẵn trên nền sỏi đá, rồi mọi người chia nhau chăm tưới mỗi ngày.

Cây ra hoa phải chọn ngày tốt ít nắng, ít gió cho “thụ phấn”. Bác sĩ Ngọc kể hồi mới ra đảo anh đã rất ngạc nhiên khi thấy người lính phải úp từng hoa đực lên hoa cái. Thì ra ở đất liền ong bướm làm việc ấy, còn ở đảo hiếm có ong bướm, côn trùng nào sống được nên phải nhờ tới bàn tay con người.

“Có lần chúng tôi mất hơn hai tháng gieo trồng, hi vọng một mùa mướp trúng đậm để “kế hoạch ăn rau” của anh em được cải thiện, nhân đó sẽ làm một bộ ảnh về dòng đời của cây mướp trên đảo. Rủi thay, cây trồng mới hơn tháng, gặp một trận “gió muối” mang hơi mặn tràn về, cả giàn mướp khô héo quăn queo.

Công trình coi như đổ biển!”, bác sĩ Ngọc nhớ lại. Không ghi tròn được vòng đời một cây mướp, nhưng lần đó anh đã có bộ ảnh sống động về hiện tượng thời tiết này: Những vạt rau muống cháy lá, cả một vườn chuối, vườn đu đủ mới bữa trước xanh um, bữa sau chỉ còn trơ lại thân cây!

Ngày qua ngày, với chiếc máy ảnh du lịch bỏ túi, xong công việc ở trạm xá Nguyễn Hà Ngọc lại lặng thầm ghi lại vòng đời của từng loài cây trái trên đảo. Ngọc nói trong quá trình chụp ảnh anh đã phát hiện hoa bàng vuông - loài cây được nhiều người xem như biểu tượng cho sức sống ở đảo - chỉ nở bung rạng ngời nhất vào ban đêm.

Để có trọn bộ ảnh về hoa bàng từ lúc đâm chồi, hé nụ đến lúc hoa nở bung viên mãn, nhiều đêm Ngọc đã theo dõi chu trình hoa nở, canh giờ giấc, rồi nhờ một đồng nghiệp dùng đèn pin rọi vào hoa để có ánh sáng cho anh bấm máy.

400 ngày và 7.000 bức ảnh

Bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc chụp ảnh một cách tự nhiên. Nói đúng hơn là anh “viết” nhật ký bằng ảnh. Từ khi rời đất liền ra đảo (tháng 4-2010) đến lúc lên tàu trở về (tháng 5-2011), hầu như tuần nào anh cũng có vài trăm bức ảnh ghi lại những sự kiện đáng nhớ trong cuộc sống, sinh hoạt ở Trường Sa. Gộp lại, với gần 400 ngày công tác tại đảo, bác sĩ Ngọc đã hoàn chỉnh bộ tổng tập ảnh gần 7.000 bức.

Số ảnh này được anh chia theo từng chủ đề lớn như: chăm sóc sức khỏe người dân; đồ dùng sinh hoạt hằng ngày; dụng cụ lao động sản xuất; thực vật, động vật trên đảo... Tất cả được lưu trữ cẩn thận trong laptop và ổ cứng di động.

“Ở đây mọi thứ đều được tái chế để sử dụng, hầu như không thứ gì phải bỏ đi sau lần sử dụng đầu tiên, bởi anh em ai cũng hiểu đưa được một món đồ dùng từ đất liền ra đảo là cả một kỳ công” - bác sĩ Ngọc vừa nói vừa cho tôi xem những bộ ảnh “thể hiện tinh thần tiết kiệm và sáng tạo” của người Trường Sa: từ cái chậu trồng cây, thau rửa mặt, hứng nước mưa, thúng ấp trứng gà cho tới bộ dụng cụ hốt rác khá hoàn chỉnh, có hẳn tay cầm đều được tạo ra từ nửa dưới của chiếc thùng đựng nhiên liệu.

Chiếc đèn bàn ngộ nghĩnh có thể mở ra xếp vào, không tán phát ánh sáng, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người xung quanh được làm từ ba thứ: ống tuýp nước, bản lề cửa đã hỏng và chiếc mũ cối. Rồi chiếc quạt gió như đồ cổ, chân đế màu xanh, cánh quạt màu đỏ, ốp thân quạt lại màu vàng, được lắp ghép từ bốn chiếc quạt đã hỏng những bộ phận khác nhau. Ấn tượng nhất là cái giá võng được đóng từ nhánh cây bàng vuông, mảnh ván côppha, kiện hàng...

“Ở đảo mọi người rất thèm có được cái giá võng để dễ dàng di chuyển, tránh mưa gió thất thường, cho nên thứ gì có thể đóng được là anh em đều tận dụng để làm. Trông lắp ghép buồn cười vậy nhưng quý lắm, cả đảo có chừng 5-6 cái thôi, anh em thay nhau mà nằm” - bác sĩ Ngọc kể.

Bộ sưu tập của bác sĩ Ngọc còn “kể” nhiều chuyện rất đời thường, mà anh nói chỉ muốn giữ làm kỷ niệm cho riêng mình. Tỉ như chuyện một người lính đang tăng gia sản xuất, để lộ chiếc quần đã giãn dây lưng, sắp tuột tới nơi. Chuyện mấy anh em bộ phận này tiếp khách bộ phận khác bằng bộ ly, bình chắp vá: phích nước sôi và bình trà không nắp, mọi người dùng cốc đậy lên để giữ nhiệt. Ly uống nước thì không đủ dùng, phải bổ sung bằng mấy lon thịt hộp đã khui. Xa hơn một chút trong góc bếp là con dao đã gãy cán gỗ, anh em lấy ống nước bằng sắt hàn nối vào dùng tạm...

Điều lạ, ít thấy anh chụp cảnh Trường Sa hiện đại với những tuôcbin điện gió quay tít và những mảng khối kiến trúc kiên cố, hiện đại rực sáng lung linh giữa mênh mông trời biển khi đêm đến. Bác sĩ Ngọc lý giải: trong gian khó mới thấu hết tình người và anh muốn giữ cho riêng mình một Trường Sa như thế!

______________________

... Anh luôn hứa với lòng mình một ngày nào đó sẽ đưa em đi trên những dải cát dài, để được ngồi bên nhau dưới cái nắng chiều, để được ngắm hoàng hôn của biển. Những suy nghĩ đó làm anh thật hạnh phúc biết bao...

Kỳ tới: Thư từ đại dương

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên